4 công trình được kỳ vọng ở TP HCM
Công trình chống ngập 10.000 tỷ đồng
Dự án gồm các hạng mục: 6 cống kiểm soát triều lớn và một tuyến đê dài ở quận 1, 4, 7, 8 và huyện Nhà Bè, Bình Chánh với diện tích ảnh hưởng khoảng 100 ha.
Công trình được khởi công năm 2016, nhằm kiểm soát ngập do triều, ứng phó với biến đổi khí hậu cho vùng diện tích 750 km2 với khoảng 6,5 triệu dân thuộc khu bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm thành phố. Công trình cũng giúp thành phố chủ động điều tiết hạ thấp mực nước ở các kênh rạch, cải thiện khả năng tiêu thoát nước đô thị và tạo cảnh quan môi trường.
Hợp đồng BT ký kết giữa UBND TP HCM và Tập đoàn Trung Nam có tổng giá trị gần 10.000 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào dịp 30/4/2018. Tuy nhiên, một loạt vấn đề phát sinh như: ngân hàng dừng giải ngân vốn, bất đồng giữa tư vấn và đơn vị thi công (thay đổi vật liệu thép), mặt bằng bị vướng... khiến dự án không thể đúng hẹn.
Hiện, các vướng mắc đã cơ bản được giải quyết, chỉ còn vướng mặt bằng một số vị trí ở huyện Nhà Bè. Tính đến cuối năm 2019, 77% tổng khối lượng đã hoàn thành. Nhà thầu đang nỗ lực hoàn thành dự án vào cuối năm nay, nếu được bàn giao mặt bằng sớm.
Bến xe Miền Đông mới
Diện tích hơn 16 ha, Bến xe Miền Đông mới được xây tại phường Long Bình, quận 9, và một phần Thị xã Dĩ An (tỉnh Bình Dương). Công trình rộng gấp 3 lần Bến xe miền Đông hiện hữu, là bến xe lớn nhất nước và có thể phục vụ hơn 7 triệu lượt hành khách mỗi năm.
Tổng mức đầu tư khoảng 4.000 tỷ đồng, công trình được khởi công tháng 4/2017, được kỳ vọng là đầu mối kết nối giao thông TP HCM với các tỉnh thành, giảm tải cho bến xe hiện hữu cách đó gần 20 km.
Bến xe dự kiến hoạt động cuối năm 2017 nhưng liên tục trễ hẹn. Hiện một số hạng mục như nhà ga trung tâm, nơi đón trả khách, khu vực đậu xe chờ tài... cơ bản đã hoàn thành. Tuy nhiên, hệ thống giao thông kết nối khu vực xung quanh chưa hoàn thiện.
Chủ đầu tư dự án - Tổng Công ty Cơ khí Giao thông Vận tải Sài Gòn (Samco) cho biết nếu giải quyết được các thủ tục pháp lý còn thiếu, bến xe dự kiến khánh thành vào dịp 30/4.
Cầu Thủ Thiêm 2
Là công trình cấp đặc biệt của TP HCM, cầu nối quận 1 và 2, dài hơn 1,4 km với 6 làn xe, được thiết kế kiểu dây văng, cao 113 m, trụ tháp chính có kiến trúc cầu rồng nghiêng về phía Thủ Thiêm.
Với thiết kế chiếu sáng mỹ thuật, công trình là điểm nhấn kiến trúc nổi bật trên sông Sài Gòn cả ngày đêm. Đây cũng là biểu tượng cổng chào từ trung tâm Sài Gòn qua Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Được động thổ vào đầu năm 2015 với tổng mức đầu tư 4.260 tỷ, cầu Thủ Thiêm 2 dự kiến hoàn thành sau 30 tháng thi công. Tuy nhiên, do vướng mặt bằng phía quận 1 nên dự án đã nhiều lần lỗi hẹn. Chính quyền thành phố đang tích cực làm việc với Bộ Tư lệnh Hải quân (Bộ Quốc phòng) để nhận bàn giao mặt bằng từ Tổng công ty Ba Son.
Đơn vị thi công cho biết, nếu mặt bằng được bàn giao đúng hẹn, cầu có thể được hợp long vào lễ Quốc khánh 2/9 và hoàn thành toàn bộ vào cuối năm nay.
Bốn tuyến đường chính trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm
Tổng mức đầu tư hơn 8.200 tỷ đồng, 4 trục đường chính được xem như "xương sống" của Khu đô thị Thủ Thiêm (quận 2) gồm: đại lộ vòng cung (6 làn xe), đường ven hồ trung tâm (4 làn xe), đường ven sông Sài Gòn (nhìn sang quận 1 gồm 2 làn xe), đường trên cao qua Khu lâm viên sinh thái phía Nam.
Với tổng chiều dài gần 12 km, bao gồm 10 cây cầu (trong đó có hai cầu cạn) bốn tuyến đường này khi hoàn thành sẽ kết nối đồng bộ với các công trình giao thông hiện hữu như cầu Thủ Thiêm 1, Đại lộ Đông Tây và các cầu qua sông Sài Gòn theo quy hoạch. Các tuyến đường này cũng liên kết trung tâm thành phố hiện hữu và các tỉnh lân cận, góp phần giải quyết ùn tắc giao thông cửa ngõ phía Đông.
Khởi công ngày 26/4/2013, sau khi trễ hẹn hoàn thành vào năm 2018 vì vướng mặt bằng, dự kiến 4 tuyến đường này sẽ được hoàn thành trong năm 2020, tạo động lực cho Khu đô thị mới Thủ Thiêm phát triển.