Ai sẽ thay ông Trần Mạnh Hùng ngồi "ghế nóng" VNPT?

14/08/2019 17:26 GMT+7
Sau khi Chủ tịch VNPT Trần Mạnh Hùng nghỉ hưu, Hội đồng Thành viên Tập đoàn VNPT dự kiến còn 4 thành viên gồm các ông: Phạm Đức Long, Nghiêm Phú Hoàn, Đỗ Vũ Anh và Hồ Đức Thắng. Trong đó, ông Phạm Đức Long hiện là Tổng giám đốc VNPT. Ai sẽ thay ông Trần Mạnh Hùng ngồi "ghế nóng" VNPT?

Thông tin từ ICT News cho biết, theo Quyết định mới được Thủ tướng Chính phủ ban hành, ông Trần Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) sẽ nghỉ hưu từ ngày 1/11/2019.

Được biết, ông Trần Mạnh Hùng sinh năm 1959, có bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh; kỹ sư vô tuyến điện.

Năm 1980, ông Hùng đầu công tác tại trạm phát vệ tinh Hoa Sen ở Phủ Lý, sau đó làm việc tại Công ty Viễn thông Quốc tế, được bầu làm Trưởng ban Viễn thông của Tổng công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT).

Năm 1999, ông Trần Mạnh Hùng được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó tổng giám đốc VNPT. Đến năm 2007, VNPT thay đổi mô hình tổ chức và ông Hùng giữ chức thành viên HĐTV của VNPT và Giám đốc Viễn thông Hà Nội.

Năm 2013, ông Trần Mạnh Hùng được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc Tập đoàn VNPT. Ngay sau khi nhận chức, ông Hùng đã có bài phát biểu “lên dây cót” tinh thần cho nhân viên VNPT để bước sang giai đoạn mới. Trong đó, ông thẳng thắn chỉ ra những điểm tồn tại cố hữu lâu nay của tập đoàn: “Đa số các đơn vị khi tổng kết ít nói đến những tồn tại của mình, chúng ta phải nói đến cái xấu để sửa mình. Người có bệnh nhưng vẫn nói khỏe thì rất khó chữa”.

Ngoài ra, ông Trần Mạnh Hùng cũng đưa ra chiến lược của VNPT gồm 6 chữ “Chuyên biệt, khác biệt và hiệu quả”.

Năm 2015, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định bổ nhiệm ông Trần Mạnh Hùng giữ chức vụ Chủ tịch HĐTV VNPT. Trên cương vị mới, ông tiếp tục theo đuổi những chiến lược đề ra khi còn là Tổng giám đốc VNPT.

Cuối năm 2016, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ 4.0 ngày càng định hình rõ. Chủ tịch Trần Mạnh Hùng đã đưa ra chiến lược VNPT 3.0, thay đổi tư duy quản trị dịch vụ viễn thông sang tư duy quản trị sáng tạo.

Về kết quả hoạt động sản xuất – kinh doanh, năm 2018, tổng lợi nhuận hợp nhất của VNPT đạt 6.445 tỷ đồng, bằng 109,4% kế hoạch, tăng 25% so với thực hiện năm 2017. Tổng nộp ngân sách toàn tập đoàn đạt 4.476 tỷ đồng, bằng 117,5% kế hoạch, tăng 18% so với thực hiện năm 2017.

Tổng số thuê bao di động của VNPT đạt khoảng 34 triệu thuê bao, trong đó có 2,7 triệu thuê bao cố định, 31,3 triệu thuê bao di động. Tổng số thuê bao internet băng rộng của VNPT đạt con số 5,4 triệu.

Về kế hoạch sản xuất, kinh doanh năm 2019, VNPT phấn đấu tăng trưởng 10-15% lợi nhuận toàn tập đoàn so với năm 2018; doanh thu phấn đầu tăng trưởng từ 7-9% so với thực hiện năm 2018; dự kiến tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu tăng từ 10-15% so với thực hiện năm 2018.

Dự kiến tổng kế hoạch đầu tư năm 2019 của VNPT là 12.200 tỷ đồng, trong đó, cơ cấu đầu tư cho mạng di động là 5.900 tỷ đồng, băng rộng cố định là 3.900 tỷ đồng, dịch vụ giá trị gia tăng và công nghệ thông tin là 1.200 tỷ đồng….

Về nhân sự HĐTV Tập đoàn VNPT, sau khi Chủ tịch VNPT Trần Mạnh Hùng nghỉ hưu, Hội đồng Thành viên Tập đoàn VNPT dự kiến còn 4 thành viên gồm các ông: Phạm Đức Long, Nghiêm Phú Hoàn, Đỗ Vũ Anh và Hồ Đức Thắng. Trong đó, ông Phạm Đức Long hiện là Tổng giám đốc VNPT.

Quá trình công tác của Chủ tịch VNPT Trần Mạnh Hùng

 

ai se thay ong tran manh hung ngoi

Từ 1/10/1981 – 30/6/1984: Kỹ thuật viên Đài thông tin vệ tinh Hoa Sen1, Phủ Lý, Hà Nam.

Từ 1/7/1984 – 30/6/1986: Kỹ thuật viên Đài Viba VTS, Giảng Võ Hà Nội.

Từ 1/7/1986 – 30/8/1988: Kỹ thuật viên Viba-Đài Hoa Sen1.

Từ 1/9/1988 – 28/2/1990: Trạm trưởng Trạm vệ tinh Vista – hà Nội.

Từ 1/3/1990 – 30/6/1990: Phó đài thông tin vệ tinh Intelsat – Hà Nội.

Từ 1/7/1990 – 31/8/1990 Phó giám đốc Công ty Điện thoại quốc tế, Bưu Điện Hà Nội.

Từ 1/9/1990 – 31/10/1990: PGĐ Trung tâm Viễn thông quốc tế KV1 – VTI.

Từ 1/11/1990 – 28/2/1991: Trợ lý giám đốc Công ty viễn thông quốc tế (VTI).

Từ 1/03/1991 – 30/6/1995: Trưởng phòng kỹ thuật VTI.

Từ 1/7/1995 – 30/6/1996: Phó giám đốc VTI.

Từ 1/7/1996 – 31/8/1999: Trưởng Ban viễn thông VNPT.

Từ 1/9/1999 – 28/2/2006: Phó tổng giám đốc VNPT.

Từ 1/3/2006 – 31/5/2006: UV HĐQT VNPT.

Từ 1/6/2006 – 31/12/2007: Phó TGĐ kiêm Giám đốc Bưu điện Hà Nội.

Từ 1/1/2008: Uỷ viên HĐTV, giám đốc Viễn thông Hà Nội; Ủy viên thường vụ, Bí thư Đảng ủy Viễn thông Hà Nội.

Từ ngày 6/8/2013: Tổng giám đốc VNPT.

Từ 3/2015 – nay: Chủ tịch HĐTV VNPT

 

Hoàng Thắng
Tags:
Cùng chuyên mục