Ấn Độ siết thêm nguồn cung gạo, giá gạo xuất khẩu Việt Nam tiếp tục lập kỷ lục mới

29/08/2023 07:40 GMT+7
Giá gạo xuất khẩu Việt Nam tiếp tục giữ vững vị trí cao nhất thế giới với giá gạo 5% tấm ở mức 638 USD/tấn; gạo 25% tấm ở mức 623 USD/tấn.

Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết, giao dịch ngày 28/8, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam giữ vững vị trí cao nhất thế giới. Cụ thể, giá gạo 5% và 25% tấm của Việt Nam tăng đồng loạt 5 USD/tấn lên mức lần lượt 643 USD/tấn và 628 USD/tấn. Còn gạo 5% tấm của Thái Lan tăng 2 USD lên 630 USD. Tại thị trường Pakistan giá gạo 5% tấm ở mức 608 USD/tấn; còn gạo 25% tấm là 533 USD/tấn.

Giá gạo vẫn tiếp tục mạnh nguyên nhân do Ấn Độ hôm 25/8 thông báo đã áp dụng mức thuế 20% đối với xuất khẩu gạo đồ và kéo dài đến ngày 16/10/2023. Quyết định này của chính quyền Ấn Độ nhằm kiểm soát tình trạng giá tăng, trong khi đảm bảo nguồn cung đủ cho thị trường trong nước.

Với biện pháp mới này, Ấn Độ hiện đã áp đặt hạn chế xuất khẩu đối với tất cả các loại gạo không phải là basmati, vốn chiếm 25% tổng xuất khẩu gạo của nước này.

Giá gạo vẫn tăng nóng, gạo xuất khẩu Việt Nam tiếp tục lập kỷ lục mới - Ảnh 1.

Giá gạo xuất khẩu Việt Nam tiếp tục giữ vững vị trí cao nhất thế giới với giá gạo 5% tấm ở mức 638 USD/tấn; gạo 25% tấm ở mức 623 USD/tấn.

Hôm 20/7, Ấn Độ đã khiến các nhà nhập khẩu bất ngờ khi áp đặt lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng non-basmati – loại gạo được tiêu thụ rộng rãi. Lệnh cấm đã thúc đẩy giá gạo lên mức cao kỷ lục.

Giá gạo tại châu Á tháng này đã lên cao nhất gần 15 năm và có thể tiếp tục tăng. Việc này sẽ làm tăng chi phí với các nước nhập khẩu gạo như Philippines và một số quốc gia châu Phi. Các biện pháp bảo hộ lương thực gần đây của Ấn Độ nhằm hạ nhiệt giá cả trong nước trước thềm cuộc tổng tuyển cử đầu năm tới.

Trên Bloomberg, Chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo BV Krishna Rao, cho biết động thái áp thuế đối với gạo đồ của Ấn Độ làm giá gạo trong nước giảm, giúp chính phủ kiểm soát lạm phát lương thực. "Tuy nhiên, giá lương thực toàn cầu sẽ tăng, người mua không có cách gì khác ngoài chấp nhận", ông BV Krishna Rao nói.

Theo Bloomberg, gạo là lương thực chính của một nửa dân số thế giới. Biện pháp hạn chế của Ấn Độ đưa ra vào thời điểm chi phí lương thực tăng cao do xung đột, thời tiết bất ổn đe dọa nguồn cung ngũ cốc và hạt có dầu (vừng, hướng dương…).

Biện pháp đảm bảo an ninh lương thực trong nước của Ấn Độ đồng thời ảnh hưởng đến một số quốc gia nghèo hơn đang vật lộn để phục hồi sau cuộc suy thoái kinh tế do COVID-19 gây ra.

Gạo đồ chiếm khoảng 1/3 tổng lượng gạo xuất khẩu của Ấn Độ. Quốc gia này đã cấm xuất khẩu gạo tấm và gạo trắng không phải loại basmati, đồng thời hạn chế vận chuyển lúa mì và đường, dự trữ một số giống cây trồng. Quốc gia đông dân nhất thế giới đang xem xét bãi bỏ thuế nhập khẩu 40% đối với lúa mì cà chua, hành tây và ngũ cốc từ kho dự trữ nhà nước để cải thiện nguồn cung trong nước.

Theo Tổng cục Hải quan, tính đến hết hết ngày 15/8/2023, Việt Nam đã xuất khẩu được 5,35 triệu tấn gạo với kim ngạch đạt 2,88 tỉ USD, tăng mạnh 22% về lượng và tăng 35% về kim ngạch xuất khẩu so với cùng kỳ năm ngoái.

Philippines nhập khẩu gạo Việt Nam lớn nhất, chiếm gần 40% tổng khối lượng gạo xuất khẩu của cả nước trong 7 tháng đầu năm nay.

Xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Trung Quốc, thị trường nhập khẩu gạo lớn thứ hai, đã tăng mạnh hơn 60% so với giai đoạn 7 tháng đầu năm 2022.


O.L
Cùng chuyên mục