Anh có thể “thất thoát” 1,3 ngàn tỷ USD vì Brexit

22/03/2019 13:23 GMT+7
Các công ty dịch vụ tài chính ở Anh đã thông báo kế hoạch chuyển 1 ngàn tỷ Bảng Anh (tương đương 1.3 ngàn tỷ USD) vào Liên minh châu Âu

 

Các ngân hàng và các công ty tài chính khác đang dịch chuyển thêm tài sản và việc làm ra khỏi Vương quốc Anh khi nước này đang chật vật vì Brexit.

Các công ty dịch vụ tài chính ở Anh đã thông báo kế hoạch chuyển 1 ngàn tỷ Bảng Anh (tương đương 1.3 ngàn tỷ USD) vào Liên minh châu Âu (EU), theo công ty tư vấn EY. Con số này cao hơn rất nhiều so với ước tính trước đó là 800 tỷ Bảng Anh (tương đương 1.1 ngàn tỷ USD).

Nhiều ngân hàng đã lập văn phòng mới ở Đức, Pháp, Ireland và các quốc gia EU khác để bảo vệ mảng kinh doanh khu vực của họ sau Brexit. Điều này có nghĩa là họ cũng chuyển phần lớn tài sản sang EU để “chiều lòng” các nhà điều hành EU.

Các công ty khác đang chuyển tài sản để bảo vệ các khách hàng của họ trước tình trạng biến động dữ dội trên thị trường và những thay đổi đột ngột về quy định – vốn có thể đi kèm với sự rạn nứt giữa Anh và đối tác thương mại lớn nhất của nó.

Ngành dịch vụ tài chính chiếm khoảng 12% nền kinh tế Anh và tuyển dụng 2.2 triệu người.

EY đã theo dõi 222 công ty dịch vụ tài chính lớn nhất của Vương quốc Anh kể từ sau cuộc trưng cầu dân ý về Brexit trong tháng 6/2018. Họ cho biết, ngày càng nhiều công ty thông báo chuyển nhân viên, hoạt động và tài sản ra nước khác để chuẩn bị cho Brexit.

Mất mát về nguồn thu thuế

Số lượng việc làm sẽ dịch chuyển ra khỏi Vương quốc Anh trong tương lai gần ở mức 7,000 việc làm, theo ước tính của EY. Họ ước tính rằng điều này sẽ khiến Anh thất thoát ít nhất 600 triệu Bảng Anh (tương đương 794 triệu USD) về nguồn thu thuế.

EY cho biết ước tính của họ về lượng tài sản chuyển tới châu Âu là “khá bảo thủ”. Thế nhưng, con số này trùng khớp với kỳ vọng của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).

Tuần trước, Andrea Enria, Trưởng bộ phận quy định ngân hàng tại ECB, nói với tờ Financial Times rằng ECB kỳ vọng 1.2 ngàn tỷ USD (tương đương 1.4 tỷ USD) tài sản sẽ chuyển từ Anh sang 19 quốc gia EU – những quốc gia sử dụng đồng Euro.

Quy mô của vụ tháo chạy về tài sản có khả năng phụ thuộc vào các điều khoản của Brexit và thời điểm diễn ra sự kiện này.

Theo dự kiến, chỉ còn 9 ngày nữa, Anh đến hạn rời khỏi EU, nhưng Thủ tướng Anh Theresa May không thể có được sự chấp thuận của Quốc hội Anh cho thỏa thuận Brexit mà bà đã có với phần còn lại của EU.

Bà May đang yêu cầu EU trì hoãn Brexit cho tới ngày 30/06/2019. Nếu họ không đồng ý trì hoãn thì khả năng cao là Anh sẽ rời EU mà không có thỏa thuận. 

Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) cho biết hậu quả từ kịch bản này sẽ còn tồi tệ hơn cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Đối với các tổ chức tài chính, một Brexit hỗn loạn sẽ là một ác mộng thật sự và họ đang thực hiện các bước đi để giới hạn thiệt hại từ kịch bản này.

Theo CNN
Cùng chuyên mục