Bà Rịa – Vũng Tàu siết chặt quy định phân lô trên đất nông nghiệp

01/08/2019 13:48 GMT+7
UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu mới ban hành Quyết định được cho là có nhiều điểm mới, chặt chẽ đối với việc phân lô trên đất nông nghiệp.

Tiến hành cưỡng chế khu đất tại xã Châu Pha (thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu).

Quyết định số 18/2019/QĐ-UBND quy định về tách thửa đất trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vùng Tàu. Quyết định này sẽ có hiệu lực từ ngày 2/8/2019, thay thế Quyết định 23/2017/QĐ-UBND (ban hành ngày 15/9/2017).

Trường hợp hình thành đường giao thông mới khi tách thửa (nếu có), người sử dụng đất phải được UBND cấp huyện chấp thuận bản vẽ xin phép hình thành đường giao thông. Việc cấp phép hình thành đường giao thông, thi công hạ tầng kỹ thuật, kết nối đồng bộ với đường giao thông hiện hữu, nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng được thực hiện trước khi lập thủ tục tách thửa.

Bên cạnh đó, Quyết định mới này cũng bổ sung thêm quy định tách thửa với quy mô diện tích đất lớn nhằm tránh việc tách thửa để phân lô, bán nền mà không lập dự án đầu tư phát triển nhà ở.

Đối với đất nông nghiệp thuộc khu vực quy hoạch sản xuất nông nghiệp, các thửa đất sau khi tách phải có diện tích tối thiểu không nhỏ hơn 500m2 tại các phường, thị trấn thuộc các huyện, thị xã, thành phố và trung tâm huyện Côn Đảo. Diện tích tách thửa không nhỏ hơn 1.000m2 đối với các địa bàn còn lại.

Diện tích tách thửa trên 2.000 m2 tại TP Vũng Tàu và trên 5.000m2 tại các huyện, thị xã, thành phố còn lại, người sử dụng đất phải lập bản vẽ phương án tách thửa và liên hệ UBND cấp huyện để được hướng dẫn thỏa thuận phương án mặt bằng tách thửa nhằm đảm bảo quản lý xây dựng, quản lý quy hoạch sử dụng đất và quản lý quy hoạch phát triển nông thôn.

Đối với đất nông nghiệp thuộc khu vực quy hoạch đất ở, đất thương mại dịch vụ hoặc đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp, phải lập thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định trước khi thực hiện tách thửa theo diện tích tối thiểu trên.

Thửa đất thuộc khu vực quy hoạch đất ở, đất thương mại dịch vụ và đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp sau khi tách thửa phải có ít nhất một cạnh tiếp giáp với đường giao thông hiện hữu do Nhà nước quản lý.

Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố ban hành hướng dẫn việc hình thành đường giao thông, thi công hạ tầng kỹ thuật, kết nối đồng bộ với đường giao thông hiện hữu, nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng. UBND cấp huyện khi kiểm tra, nghiệm thu đường giao thông mới hình thành cũng phải theo hướng dẫn của Sở Xây dựng.

Đối với đất ở tại đô thị nếu muốn tách thửa phải có diện tích bề ngang tối thiểu 4m (đối với trường hợp đã có nhà trên đất hợp pháp) và diện tích bề ngang tối thiểu là 5m mới được tách thửa đối với trường hợp đất ở chưa có nhà hoặc có nhà nhưng không hợp pháp.

Trong thời gian qua, các cá nhân, tổ chức đã lợi dụng kẽ hở từ Quyết định 23 để làm đường giao thông, tách thửa đất nông nghiệp với quy mô lớn mà không lập dự án đầu tư phát triển nhà ở. Trong đó, nhiều dự án phân lô, tách thửa trên đất nông nghiệp.

Trước đó, ngàu 16-18/7, kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu khóa 6 diễn ra và vấn đề được quan tâm nhất là việc phân lô, xây dựng nhà trái phép trên đất nông nghiệp. Theo báo cáo, có 119/191 trường hợp thực hiện phân lô, tách thửa không phép.

Như tại thị xã Phú Mỹ, từ tháng 12/2018 chỉ ghi nhận 20 trường hợp đất sử dụng sai mục đích, đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật trên đất nông nghiệp khi chưa được phép; tới tháng 6/2019, con số này đã tăng lên 113 trường hợp thực hiện phân lô, tách thửa trên địa bàn không được phép.

Đặc biệt, sau khi hàng loạt dự án “ma” của ông ty Cổ phần Địa ốc Alibaba lộng hành trên địa bàn tỉnh, vấn đề tách thửa đất nền càng được chú ý hơn. Cơ quan chính quyền cũng đã dựng các bảng “cảnh báo dự án ma” để người dân cảnh giác, chú ý hơn khi mua bán bất động sản trên địa bàn.

 

Phương Thảo
Cùng chuyên mục