Bác tin đập Tam Hiệp biến dạng, Trung Quốc chỉ thừa nhận thiệt hại khủng khiếp vì lũ lụt

21/07/2020 05:36 GMT+7
Đêm qua, Trung Quốc đã buộc phải cho nổ tung hai đoạn đập trong đêm để xả lũ nhằm giảm áp lực nước trên sông Trừ, An Huy. Theo CCTV, kênh truyền hình Trung Ương Trung Quốc, mực nước sông Trừ dự kiến giảm 70 cm sau vụ nổ đập này.

Lũ lụt khủng khiếp khiến Trung Quốc thiệt hại hơn 7 tỷ USD

Những cơn mưa xối xả tại Trung Quốc đã đẩy mực nước tại nhiều sông lớn tăng bất thường vượt mức báo động 2 vào hôm qua 19/7, buộc chính quyền địa phương phải chọn phương pháp nổ đập cực đoan như vậy.

Ủy ban phụ trách sông Hoài thuộc Bộ Tài nguyên Nước Trung Quốc cảnh báo 10 hồ chứa nước trên sông Hoài đã chứng kiến mực nước vượt quá cảnh báo lũ lụt tới 22 ft, nâng mức cảnh báo lũ lên mức 3. Trong khi đó, các khu vực dọc lưu vực sông Dương Tử đã nhận được cảnh báo lũ lụt ở mức cao nhất.

Trả lời tờ Reuters hôm 19/7, Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên nước Trung Quốc cho hay: “Lũ lụt đang xảy ra cùng lúc tại các sông Dương Tử, sông Hoài và hồ Tai. Công tác phòng chống lũ lụt đang diễn ra vô cùng khẩn trương”.

Tại miền Trung Trung Quốc, đài truyền hình CCTV cho biết hai đoạn đập trên sông Trừ đã bị cho nổ trong đêm, rạng sáng ngày 19/7 để giảm tải áp lực nước. Nổ đập và kè để xả lũ là một phương pháp cực đoan thường chỉ được sử dụng trong những trận lụt tồi tệ nhất.
Trong trận lụt lịch sử hồi năm 1998 khiến 2.000 người chết và gần 3 triệu ngôi nhà bị phá hủy, chính phủ Bắc Kinh cũng từng phải chọn phương án cuối cùng là nổ đập.

Bác tin đập Tam Hiệp biến dạng, Trung Quốc chỉ thừa nhận thiệt hại khủng khiếp vì lũ lụt - Ảnh 1.

Đoạn đập sông Trừ bị nổ để giảm áp lực nước lũ tại Trung Quốc

Tuần trước, chính phủ Trung Quốc cũng gây tranh cãi khi mở ba cửa xả lũ tại đập Tam Hiệp (sông Dương Tử) khi mực nước phía sau con đập khổng lồ dâng cao hơn 50 ft so với mực nước lũ. 

Đập Tam Hiệp dự kiến sẽ hứng chịu đỉnh lũ tiếp theo vào ngày mai 21/7. Kể từ khi mùa lũ bắt đầu vào tháng 6 đến nay, ít nhất 141 người đã chết và khoảng 28.000 ngôi nhà bị hư hại, chỉ tính riêng lưu vực sông Dương Tử. 23 người khác đã chết hoặc mất tích trong trận lũ lụt và lở đất hồi tuần trước, qua đó đưa số người tử vong lên tới hơn 150 người. 

Theo Bộ Quản lý Khẩn Cấp của ĐCS Trung Quốc, đến nay đã có khoảng 1,8 triệu dân được sơ tán khẩn cấp, khoảng 30 triệu người chịu ảnh hưởng. Thiệt hại trực tiếp do lũ lụt ước tính lên tới hơn 7 tỷ USD.

Mối quan ngại về lũ lụt đang tăng lên ở Vũ Hán - thành phố từng “tiêu điều” vì trở thành tâm dịch Covid-19 chết người hồi đầu năm nay.
Chính quyền thành phố Vũ Hán hiện đã ra lệnh đóng cửa 188 bến phà, tất cả các cửa sông và triển khai hơn 12.000 lực lượng quân đội, cứu hộ tuần tra tại các điểm trọng yếu dọc bờ sông Dương Tử cũng như phụ lưu lân cận. Các đường đi ven sông dành cho du khách tham quan, người đi bộ hiện cũng bị đóng cửa.

Hôm 9/7, chính quyền địa phương đã ban hành một cảnh báo rằng thành phố Vũ Hán có nguy cơ ngập lụt cao nếu mưa lớn kéo dài. Nguyên nhân là do vị trí địa lý nằm giữa hồ Động Đình (sông Hán Giang) ở thượng nguồn và hồ Bà Dương ở hạ lưu.

Một số chuyên gia quan sát thậm chí lo ngại những trận mưa dữ dội trong năm nay và hệ lụy lũ lụt khủng khiếp có nguy cơ phá vỡ chuỗi cung ứng cần thiết để đưa nền kinh tế phục hồi sau cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19. Chuỗi sản xuất và cung ứng đồ bảo hộ cá nhân PPE cũng nằm trong vùng ảnh hưởng, theo Reuters.

Bắc Kinh phủ nhận nguy cơ vỡ Đập Tam Hiệp

Cũng trong hôm 19/7, trên Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc, Doanh nghiệp vận hành đập Tam Hiệp đã phủ nhận mọi cáo buộc từ truyền thông quốc tế về tình trạng biến dạng và nguy cơ vỡ đập.

Tân Hoa xã, cơ quan phát ngôn của ĐCS Trung Quốc cũng tuyên bố đập Tam Hiệp đã xử lý thành công nguy cơ từ trận lụt tồi tệ nhất trong năm.
Cụ thể, vào 8 giờ sáng ngày 18/7, hồ chứa Tam Hiệp đã nhận dòng chảy vào 61.000 m3/s  và xả dòng chảy ra 33.000 m3/s, qua đó ngăn chặn 45% lượng nước lũ. Mực nước trong hồ đại 160,17m. 

Dự án Đập Tam Hiệp đã trở thành tâm điểm dư luận quốc tế trong những ngày gần đây, Hồi tuần trước, Reuters dẫn lời một nhà địa lý học cho biết “hồ chứa đập Tam Hiệp không có khả năng giảm thiểu đáng kể nguy cơ lũ lụt nghiêm trọng”. 
Nhưng Tập đoàn vận hành đập Tam Hiệp đã lên tiếng phản bác, cho hay: “Trong trận lụt, hồ chứa Tam Hiệp đã phát huy đầy đủ chức năng giảm đỉnh lũ, ngăn chặn mực nước vượt qua cảnh báo an toàn tại Chenglingji, lối thoát nước của Hồ Động Đình và Hộ Khẩu, lối thoát nước của Hồ Bà Dương… 

Nếu không có dự án Tam Hiệp, các khu vực trung và hạ lưu sông Dương Tử sẽ phải đối diện với nguy cơ lũ lụt nghiêm trọng”.

Tập đoàn này cũng khẳng định trên tờ Thời báo Hoàn cầu rằng đập Tam Hiệp đang vận hành trong trạng thái tốt và ổn định, không có tình trạng biến dạng, càng không xuất hiện bất cứ rủi ro nào đáng kể.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục