Bách Hóa Xanh làm ăn ra sao?
Công ty cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (Mã: MWG) hiện nay đang vận hành ba chuỗi siêu thị lớn là Thế Giới Di Động (TGDĐ), Điện Máy Xanh (ĐMX) và Bách Hóa Xanh (Bách Hóa Xanh).
Bách Hóa Xanh kinh doanh hai nhóm hàng chính, thứ nhất là hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) như bánh kẹo, mắm, muối, … và thứ hai là sản phẩm tươi sống như thịt, cá, rau, củ, quả, …
Với sản phẩm FMCG và hàng tươi sống được sản xuất tập trung, Bách Hóa Xanh mua trực tiếp từ nhà sản xuất và đưa về trung tâm phân phối (DC) rồi chuyển từ DC đến các cửa hàng.
Với hàng tươi sống được sản xuất rải rác, Bách Hóa Xanh sẽ tổ chức đội thu mua sát với thị trường sản xuất sao cho khoảng cách vận chuyển đến cửa hàng là ngắn nhất.
Năm 2020, MWG đạt doanh thu trên 108.500 tỷ đồng, tăng trưởng 6%. Riêng Bách Hóa Xanh đóng góp gần 20% trong cơ cấu doanh thu, tương đương khoảng 21.200 tỷ. Trong 5 tháng đầu năm 2021 khi dịch COVID-19 tại nước ta tiếp tục bùng phát đợt 3 và đợt 4, Bách Hóa Xanh ghi nhận doanh thu 10.600 tỷ đồng, tăng trưởng gần 36% so với cùng kỳ và chiếm 20,5% doanh thu toàn công ty.
Doanh thu Bách Hóa Xanh lần đầu tiên vượt mốc 2.500 tỷ đồng trong tháng 5, tăng 19% so tháng 4 và tăng 56% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu trung bình trên mỗi cửa hàng trong tháng đạt hơn 1,35 tỷ đồng, một phần do nhu cầu tích trữ hàng hóa thiết yếu của người dân tăng mạnh trước các đợt giãn cách xã hội.
Tính đến ngày 31/5/2021, Bách Hóa Xanh có 1.851 điểm bán tại 25 tỉnh thành, tăng 48 cửa hàng so với đầu tháng và tăng 132 cửa hàng so với đầu năm. Trong số này có 182 cửa hàng với diện tích trên 500 m2, đóng góp 21% tổng doanh thu của Bách Hóa Xanh. Doanh thu trung bình mỗi cửa hàng trên toàn hệ thống là 2,5 tỷ đồng/tháng, riêng ở TP HCM là gần 3 tỷ đồng/tháng.
Tại đại hội cổ đông diễn ra mới đây, Bách Hoá Xanh đặt ra mục tiêu doanh thu 2021 đạt 30.000 tỷ đồng.
Trong một diễn biến liên quan, chuỗi siêu thị này dính phải lùm xùm tăng giá bán, đặc biệt là ở tâm dịch TP HCM.
Giải thích về vấn đề này, Công ty CP Đầu tư Thế giới Di động - doanh nghiệp sở hữu hệ thống Bách Hóa Xanh nói:
"Chúng tôi khẳng định Bách Hóa Xanh không có chủ trương tăng giá bán lẻ để kiếm lời trong giai đoạn dịch bệnh và chúng tôi cũng không thể bảo đảm 100% việc giữ giá bán như trước đợt dịch đối với một số mặt hàng tươi sống", đại diện Bách Hóa Xanh nêu.
Theo doanh nghiệp, chính sách giá bán lẻ áp dụng với một số mặt hàng thiết yếu tại TP.HCM đã được điều chỉnh theo sự biến thiên của giá nhập đầu vào tại những thời điểm nhất định nhưng vẫn bảo toàn tính hài hoà giữa lợi ích người tiêu dùng và việc vận hành hàng nghìn cửa hàng bán lẻ hiện có.
Theo đó, hiện Bách Hóa Xanh đang chịu nhiều chi phí về hệ thống kho bãi, vận chuyển, cung ứng, nhà cung cấp, nhân sự và cả chi phí bảo đảm an toàn cho người mua hàng trong giai đoạn dịch bùng phát.
Giải thích cụ thể hơn, Bách Hóa Xanh nói thời gian vận chuyển từ vùng trồng về các cửa hàng tăng đáng kể khi qua các chốt kiểm soát liên tỉnh và tình trạng ùn ứ kéo dài trên các quốc lộ dẫn đến chi phí vận chuyển tăng. Tỷ lệ hư hao hàng tươi sống cũng tăng cao. Phía nhà cung cấp cũng tăng giá do các chi phí tương tự.
Thêm vào đó, chi phí nhân công tăng do nhân viên phải tăng ca liên tục từ kho đến cửa hàng khi nhu cầu tiêu dùng tăng đột biến; nhiều nhân viên phải đi cách ly, hoặc trong vùng phong tỏa không thể tiếp tục công việc. Doanh nghiệp còn thuê chỗ ở cho nhân viên gần kho và cửa hàng để hạn chế di chuyển.
Ngoài ra, chi phí để lấy giấy xét nghiệm Covid-19 chỉ có giá trị 3 ngày cho hàng nghìn tài xế giao hàng và nhân viên kho cùng hàng trăm nhân viên đi làm ở hai tỉnh lân cận nhau cũng khiến doanh nghiệp chịu gánh nặng đội giá.
Đại diện Bách Hóa Xanh cho rằng doanh nghiệp tăng giá một số mặt hàng là vì lý do khách quan.