Bán Vinmart cho ông Nguyễn Đăng Quang, Vingroup giảm lãi 50%

29/04/2020 15:41 GMT+7
Quý I/2020, Tập đoàn Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng chỉ báo lãi sau thuế 505 tỷ đồng, giảm 50% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, dư nợ tài chính tăng thêm 8.700 tỷ khiến chi phí lãi vay trong kỳ tăng vọt.

Tập đoàn Vingroup (HoSE: VIC) công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2020 với doanh thu thuần giảm 30% đạt 15.368 tỷ đồng, chủ yếu do không còn ghi nhận doanh thu từ hoạt động bán lẻ. Trước đó, vào tháng 12/2019, Tập đoàn Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã quyết định chuyển nhượng 2 chuỗi bán lẻ lớn nhất của mình cho Công ty Hàng tiêu dùng Masan của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang.

Nếu loại doanh thu lĩnh vực bán lẻ trong quý I/2019 để so sánh tương đương, doanh thu quý I/2020 tăng 4% cùng kỳ.

Ngoài ra, trong cơ cấu doanh thu, doanh thu từ chuyển nhượng bất động sản chiếm phần lớn tỷ trọng trong cơ cấu doanh thu, đạt hơn 6.883 tỷ đồng. Doanh thu từ cho thuê bất động sản đầu tư và các dịch vụ liên quan đạt 1.797 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ năm trước.

Doanh thu từ hoạt động du lịch và vui chơi giải trí đạt 1.806 tỷ đồng, giảm 7%. Doanh thu từ hoạt động sản xuất trong kỳ đạt 3.259 tỷ đồng, tăng 165% do trong năm 2019, doanh thu bán ô tô bắt đầu được ghi nhận từ tháng 6.

Bán Vinmart cho ông Nguyễn Đăng Quang, Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng giảm lãi 50% - Ảnh 1.

Báo cáo tài chính quý I/2020 của Vingroup

Trong kỳ, Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng ghi nhận doanh thu hoạt động tài chính gấp 2,6 lần cùng kỳ lên mức gần 9.000 tỷ đồng, phần lớn là lãi từ thanh lý các khoản đầu tư tài chính và chuyển nhượng công ty con. Trong kỳ, Vingroup ghi nhận khoản lỗ trong liên doanh, liên kết gần 123 tỷ đồng.

Khấu trừ các chi phí và thuế thì lợi nhuận sau thuế của Vingroup trước thuế đạt 3.428 tỷ đồng, tăng 78% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 505 tỷ đồng, giảm 50% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ là 438 tỷ đồng, giảm 58%.

Tại ngày 31/3, tổng tài sản Vingroup đạt 413.613 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu đạt 122.112 tỷ đồng, tăng lần lượt 2,4% và 1%. Nợ phải trả của Tập đoàn này tăng lên 291.500 tỷ đồng từ mức 283.152 tỷ đồng hồi đầu năm. Trong đó, vay nợ tài chính ngắn và dài hạn chiếm tỷ trọng khá lớn trong cơ cấu nợ, khoản dư nợ này tăng gần 8.721 tỷ đồng so hồi đầu năm.

Đây là nguyên nhân khiến cho chi phí lãi vay trong kỳ của Vingroup tăng nhanh gần gấp đôi cùng kỳ, từ mức 1.400 tỷ lên 2.617 tỷ đồng.

Trong quý này, Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng ghi nhận khoản đầu tư góp vốn lên tới gần 2.180 tỷ đồng vào công ty CP kinh doanh Bất động sản MV Việt Nam. Doanh thu chưa thực hiện tăng 1.000 tỷ đồng, lên 6.026 tỷ

Liên quan đến hoạt động của Tập đoàn, trong một Hội nghị gần đây đại diện thừa nhận, lĩnh vực nào của Tập đoàn cũng chịu thiệt hại vì Covid-19. Theo tính toán, Vingroup lỗ 10.000 tỷ đồng lĩnh vực sản xuất ôtô, xe máy; lỗ trước thuế dịch vụ du lịch khoảng 3.000 tỷ…

Cụ thể, dịch Covid-19 đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất công nghiệp ô tô, xe máy, điện thoại... khi thiếu linh kiện phụ tùng nên đang bị ngưng trệ. Theo tính toán, Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng lỗ 10.000 tỷ đồng trong lĩnh vực ô tô, xe máy. Mảng thiết bị điện thoại cũng "thiệt hại" vì Covid-19.

Với lĩnh vực du lịch, vui chơi giải trí do các hãng hàng không ngừng bay, toàn bộ hệ thống nghỉ dưỡng, du lịch, vui chơi giải trí của Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng dừng hoạt động. Theo tính toán, lỗ trước thuế dịch vụ du lịch khoảng 3.000 tỷ.

Tương tự, mảng bất động sản, trung tâm thương mại cũng gặp khó khăn khi các cửa hàng phải đóng cửa chống dịch. Giải đua F1 cũng phải hoàn lại 100% tiền vé cho khách hàng đã mua. Hoạt động giáo dục, Vinschool cũng phải đóng cửa.

Nhật Minh
Cùng chuyên mục