Bánh tro, rượu nếp, hoa quả đắt hàng dịp Tết Đoan Ngọ

25/06/2020 13:57 GMT+7
Ngay từ sáng sớm, khu chợ truyền thống đã tấp nập người mua kẻ bán. Những mặt hàng phổ biến vào ngày Tết Đoan Ngọ (5/5 Âm lịch) luôn là gánh rượu nếp, nếp cẩm, hoa quả, bánh tro

Theo quan niệm dân gian, Tết Đoan Ngọ hay còn gọi là Tết diệt sâu bọ, người Việt thường chuẩn bị lễ cúng, thắp hương tạ ơn trời đất ban cho mùa màng bội thu, đồng thời bày tỏ mong ước diệt trừ sâu bọ cho cây cối tươi tốt, diệt trừ sâu bọ trong cơ thể để giữ gìn sức khỏe. Các sản phẩm bán chạy trong ngày này như lá xông, bánh ú nước tro, cơm rượu gạo nếp, hoa tươi, trái cây… là những sản phẩm người dân chọn mua.

Ở nhiều nơi thì người ta lại thắp hương bánh tét như tết cổ truyền. Chị Ngô Thị Yến - bán bánh tét đã gần 20 năm - cho biết: “1 tuần trước Tết Đoan ngọ, tôi đã có khách đặt bánh tét để cúng ông bà. 3 năm qua, lượng khách đặt ngày một nhiều, số lượng lên đến cả trăm đòn bánh. Nay đã có bánh được gói bằng máy, nhưng gia đình tôi vẫn làm mọi công đoạn thủ công để giữ được nét truyền thống”. 

Bánh tro, rượu nếp, hoa quả đắt hàng dịp Tết Đoan Ngọ - Ảnh 1.

Banh ú tro. Ảnh minh họa.

Giá bánh ú tro tại các chợ truyền thống dao động trong khoảng 45.000 - 50.000 đồng/chục. Bánh ú loại lớn giá 65.000 – 70.000 đồng/chục.

Bánh tro, rượu nếp, hoa quả đắt hàng dịp Tết Đoan Ngọ - Ảnh 2.

Giá cả các mặt hàng phục vụ cho ngày Tết Đoan Ngọ tăng so với ngày thường, trung bình một gói nhỏ rượu nếp có giá 10.000 - 50.000 đồng tuỳ trọng lượng.

Bánh tro, rượu nếp, hoa quả đắt hàng dịp Tết Đoan Ngọ - Ảnh 3.

Với nhiều gia đình miền Bắc, việc đầu tiên phải làm vào sáng sớm ngày Tết Đoan Ngọ là ăn hoa quả để "giết sâu bọ"

Không chỉ chợ truyền thống, chợ online cũng tấp nập những ngày "vào tết". Các sản phẩm cũng phong phú, đa dạng, đặc biệt còn được giao tận nhà.

Bánh tro, rượu nếp, hoa quả đắt hàng dịp Tết Đoan Ngọ - Ảnh 4.

Theo khảo sát, trên các chợ mạng, rượu nếp cẩm được rao bán với giá từ 60.000 - 85.000 đồng/kg.

Dẫu không ồn ào nhưng Tết Đoan ngọ vẫn âm thầm hiện hữu, men dòng chảy thời gian và được nhà nhà lưu truyền đến tận ngày nay. Đây không chỉ là dịp để tạ ơn thần linh, mà còn là cơ hội để thắp hương ông bà tổ tiên, nhớ về nguồn cội; là một nét đẹp truyền thống cần được bảo tồn và phát huy.

Mai Trang (t/h)
Cùng chuyên mục