"Bão giá" nhiên liệu, "ông lớn" hàng hải tiếp tục tái cơ cấu nợ
Hàng hải dự báo giá cước chững lại
Theo báo cáo của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC), sáu tháng đầu năm 2022, sản lượng vận tải biển đạt 10,9 triệu tấn, đạt 89% cùng kỳ 2021 và chiếm 57% kế hoạch 2022. VIMC cũng có sản lượng hàng thông qua cảng là 64 triệu tấn, đạt 94% cùng kỳ 2021 và chiếm 48% so kế hoạch năm nay 2022.
Báo cáo của VIMC cho thấy, với lượng vận tải hàng hóa thông qua lớn, doanh thu hợp nhất của VIMC đạt 7.972,8 tỷ đồng, lợi nhuận hợp nhất đạt 2.225 tỷ đồng, trong đó Công ty mẹ đạt 1.192 tỷ đồng doanh thu và 425,7 tỷ đồng lợi nhuận.
Doanh thu của VIMC có được chủ yếu đến từ khối vận tải biển khi trong sáu tháng đầu năm 2022 tiếp tục ghi nhận kết quả tích cực mặc dù thị trường nhiều biến động, lợi nhuận toàn khối ước đạt 1.766,7 tỷ đồng (bằng 137% kế hoạch 2022).
Các đơn vị của VIMC đã bám sát, tận dụng cơ hội thị trường tốt vào thời điểm cuối tháng Hai và đầu tháng Ba để kịp thời điều chỉnh, ký hợp đồng với mức cao, tiếp tục duy trì các hợp đồng định hạn với mức giá tốt.
Bên cạnh đó, khối cảng biển đều có kết quả lợi nhuận cao như Cảng Hải Phòng (410 tỷ đồng), Cảng Sài Gòn (200 tỷ đồng), Cảng Đà Nẵng (160,8 tỷ đồng)…
Tiếp tục tái cơ cầu nợ khi hàng hải có sự tăng trưởng
Theo đánh giá của lãnh đạo VIMC, dự kiến thị trường vận tải biển sáu tháng cuối năm sẽ phụ thuộc rất lớn vào diễn biến của cuộc xung đột Nga - Ukraine và giá dầu sẽ diễn biến khó lường. VIMC dự báo giá cước cũng đã có dấu hiệu chững lại và suy giảm nhẹ kể từ sau khi chuỗi cung ứng toàn cầu ổn định trở lại.
Trong khi đó, các hãng tàu hàng rời trên toàn cầu đều nhận định thị trường tàu hàng khô nửa cuối năm 2022 sẽ chứng kiến sự suy giảm so với đầu năm do các nguyên nhân tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm, nhu cầu hàng hoá thiếu ổn định đến từ Trung Quốc cũng như các chính sách bảo hộ để kiểm soát lạm phát của nhiều quốc gia.
Mặt khác, thị trường container sau sáu tháng đầu năm đã chứng kiến sự suy giảm mạnh và sẽ tiếp tục giảm trong nửa cuối năm. Lạm phát toàn cầu tăng cao sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức mua của thị trường châu Mỹ khiến sản lượng hàng hoá xuất khẩu từ châu Á giảm mạnh.
Thị trường tàu dầu được dự báo sẽ tiếp tục diễn biến tốt trong thời gian tới, nhất là khi cuộc xung đột Nga-Ukraine chưa cho thấy dấu hiệu của sự kết thúc.
Mặc dù các nước châu Âu đã tuyên bố cấm vận dầu đến từ Nga, nhưng điều nay mở ra cơ hội cho các tuyến vận chuyển toàn cầu mới với khoảng cách xa hơn.
Dự kiến sản lượng dầu toàn cầu cần vận chuyển trong nửa cuối năm sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao với các tuyến vận chuyển dài hơn giúp các chủ tàu duy trì được mức giá cho thuê tốt.
VIMC nghiên cứu phát triển và triển khai các dịch vụ mới như vận tải ven biển; kết nối hệ thống cảng của đơn vị; triển khai dịch vụ sà lan kết nối các cảng với khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long.
Doanh nghiệp cảng biển khẩn trương có giải pháp để hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh được giao; tiếp tục phát triển thêm các tuyến dịch vụ mới về hệ thống cảng, phát triển tuyến dịch vụ container.
VIMC tiếp tục tái cơ cấu nợ Công ty mẹ và các doanh nghiệp thành viên; hỗ trợ các doanh nghiệp thành viên xử lý nợ tại các ngân hàng thương mại; tập trung quản trị chi phí, chỉ đạo các doanh nghiệp thành viên tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả quản lý sử dụng vốn tại các doanh nghiệp thành viên...