Bầu Thắng thế chân Vingroup, số phận Gỗ Trường Thành sẽ ra sao?
CTCP Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (HoSE: TTF) thông báo đã hoàn tất đợt chào bán cổ phiếu riêng lẻ để hoán đổi cổ phần CTCP Sứ Thiên Thanh vào ngày 20/5.
Hoàn tất hoán đổi cổ phiếu để sáp nhập Sứ Thiên Thanh
Theo đó, tổng khối lượng cổ phần đã phân phối là 96,6 triệu cổ phiếu, tương ứng với tỷ lệ hoán đổi 8,21:1. Qua đó, gỗ Trường Thành đã tăng vốn điều lệ từ 2.146 tỷ lên 3.112 tỷ đồng. Lượng cổ phiếu mới phát hành chiếm 46,6% tổng số cổ phiếu đang lưu hành.
Sau sáp nhập, Sứ Thiên Thanh của Bầu Thắng sẽ chấm dứt tồn tại, Kỹ nghệ gỗ Trường Thành sẽ kế thừa toàn bộ quyền lợi, nghiệp vụ liên quan và chịu trách nhiệm đối với các giao dịch với các tổ chức, cá nhân. Như vậy là câu chuyện sáp nhập mảnh ghép Sứ Thiên Thanh để từng bước hoàn thiện hệ sinh thái nội thất như lời Tổng Giám đốc TTF - ông Mai Hữu Tín nói trong cuộc họp ĐHĐCĐ bất thường hồi cuối năm 2018 đến nay đã xong.
Trước đó, tại Đại hội bất thường năm 2018 của TTF, Sứ Thiên Thanh được giới thiệu là công ty thuộc CTCP Đồng Tâm với tỷ lệ sở hữu khoảng 47%. Ông Võ Quốc Thắng (bầu Thắng) làm Chủ tịch HĐQT của Đồng Tâm. Như vậy, sau hoán đổi cổ phiếu sáp nhập, tỷ lệ sở hữu của Đồng Tâm Group tại Gỗ Trường Thành đạt gần 14,6% và trở thành cổ đông lớn.
Danh sách các cổ đông Sứ Thiên Thanh nhận được nhiều cổ phần TTF nhất sau đợt sáp nhập (Nguồn TTF)
Việc hợp nhất cũng khiến các cổ đông hiện hữu của TTF giảm tỷ lệ sở hữu. Cổ đông lớn nhất CTCP Xây dựng U&I giảm từ 13,6% về 9,3%. Pyn Elite Fund giảm tỷ lệ từ 5,1% về 3,6% và không còn là cổ đông lớn.
Được biết, tại thời điểm thông qua qua Nghị quyết phát hành cổ phiếu để hoán đổi với Sứ Thiên Thanh theo phương án sáp nhập tại ĐHĐCĐ bất thường vào tháng 11/2018, đơn vị định giá giá trị của TTF và Sứ Thiên Thanh lần lượt là 3,747 đồng/cp và 30,600 đồng/cp.
Định giá này cũng là vấn đề gây nhiều khúc mắc nhất cho các cổ đông có mặt tại Đại hội và đã nổ ra không ít tranh cãi. Nhiều cổ đông lo ngại về tính hợp lý của mức định giá và hiệu quả kinh tế sau khi thực hiện sáp nhập.
Bức tranh tài chính "bết bát" của TTF
Báo cáo tài chính quý I/2019 của Gỗ Trường Thành cho thấy, lợi nhuận sau thuế của công ty chỉ vỏn vẹn 350 triệu đồng, trong khi quý I/2018 lãi gần 2,6 tỷ đồng.
Theo lý giải từ phía TTF, lợi nhuận hợp nhất của TTF giảm đến hơn 87% so với cùng kỳ năm trước do giảm sản lượng tiêu thụ đồng thời công ty đang đi vào ứng dụng phần mềm quản trị doanh nghiệp nên chi phí bán hàng và quản lý tăng cao.
Với kết quả này, lỗ lũy kế của công ty vẫn hơn 2.122 tỷ đồng. Theo đó, vốn chủ sở hữu chỉ còn 19,6 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh yếu kém, lợi nhuận của TTF còn bị nhấn chìm thêm một lần nữa bởi việc trích lập dự phòng các khoản phải thu thu khó đòi của doanh nghiệp vẫn trên 405 tỷ đồng
Hàng tồn kho cũng đang là vấn đề lớn hiên nay của TTF với số dư 1.039 tỷ đồng (sau trích lập dự phòng). Đây có thể tiếp tục là yếu tố ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của TTF trong các quý tiếp theo, hoặc trong năm tới, nếu Công ty không quyết liệt làm sạch tới cùng các tài sản đang sở hữu và lành mạnh hóa báo cáo tài chính.
Kết quả thua lỗ của TTF trong thời gian qua cùng dự báo lỗ lũy kế vượt mức vốn chủ đã được ban lãnh đạo TTF dự phòng trước đó, và cũng là cơ duyên sáp nhập Sứ Thiên Thanh nhằm tránh nguy cơ bị hủy niêm yết trên HoSE.
Với việc thua lỗ liên tục, cổ phiếu TTF trên sàn đang ở dạng kiểm soát và hiện có giá 3.480 đồng/cp. Mới đây công ty cũng xin gia hạn thời gian tổ chức Đại hội cổ đông thường niên 2019 chậm nhất trước ngày 30.6 thay vì phải họp trước tháng 5 theo quy định.
Còn nhớ, tại ĐHĐCĐ thường niên 2016 của TTF, công ty này đã thông qua việc phát hành 69,7 triệu cổ phiếu cho Công ty CP Đầu tư Xây dựng Tân Liên Phát, một công ty con của Tập đoàn Vingroup, để thực hiện hợp đồng vay chuyển đổi thành cổ phiếu. Thời điểm đó, Vingroup chi khoảng 1.200 tỷ đồng để trở thành cổ đông của TTF. Nhưng chỉ sau một năm, Tân Liên Phát đã bán cổ phiếu TTF để giảm sở hữu tại công ty Gỗ Trường Thành. Nguyên nhân là tình trạng lỗ của Gỗ Trường Thành giảm không đáng kể.
Sự rút lui của Vingroup và sự thế chân của Bầu Thắng liệu có thể giúp lãnh đạo TTF về đích theo đúng mục tiêu đã kỳ vọng?