Bị Mỹ siết thòng lọng, Huawei báo cáo doanh thu tụt mạnh quý thứ hai liên tiếp
Trong quý I/2021, doanh thu của Huawei giảm 16,5% so với cùng kỳ năm ngoái xuống còn 152,2 tỷ NDT Trung Quốc (23,5 tỷ USD), theo kết quả tài chính chưa kiểm toán được công ty tiết lộ hôm thứ Tư. Đây là quý thứ hai liên tiếp gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc báo cáo doanh số sụt giảm.
Nguyên nhân chủ yếu đến từ hoạt động kinh doanh tiêu dùng của Huawei, bao gồm doanh số smartphone và các thiết bị khác giảm sút mạnh.
Huawei được cho là sắp bắt đầu tính phí bản quyền với các nhà sản xuất smartphone sử dụng công nghệ 5G đã được cấp bằng sáng chế của hãng. Gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc kỳ vọng hàng nghìn bằng sáng chế 5G mà hãng nắm trong tay có thể mang lại một phần nguồn thu mới để bù đắp lại doanh thu sụt giảm trong các lĩnh vực khác.
Sau khi bị đưa vào danh sách đen của Mỹ hồi tháng 5/2019, Huawei đã không thể xuất xưởng điện thoại sử dụng hệ điều hành Android của Google. Điều này khiến doanh số smartphone Huawei giảm mạnh 41% trong quý IV/2020.
Đến tháng 11 năm ngoái, Huawei chính thức bán mảng kinh doanh smartphone giá rẻ Honor cho một tập đoàn nội địa - Công ty Công nghệ thông tin Shenzhen Zhixin.
Thỏa thuận bán lại thương hiệu Honor cho Shenzhen Zhixin được tiến hành trong bối cảnh chính quyền Trump siết chặt các lệnh cấm vận nhằm vào Huawei, qua đó chặn đứng nguồn cung chip toàn cầu của hãng này. Sự thiếu hụt nguồn cung chip buộc nhà sản xuất smartphone lớn thứ hai thế giới buộc phải lựa chọn con đường cay đắng: chỉ tập trung vào dòng smartphone cao cấp.
“Mảng kinh doanh tiêu dùng của Huawei đã phải đối diện với áp lực lớn chưa từng có từ trước đến nay. Nguyên nhân là do sự thiếu hụt linh kiện kỹ thuật cần thiết cho hoạt động kinh doanh smartphone” - tuyên bố của Huawei nêu rõ.
Hồi tháng 5/2020, Washington đã siết chặt hàng loạt quy tắc hạn chế xuất khẩu nhắm trực tiếp vào nguồn cung linh kiện của Huawei. Theo đó, mọi nhà cung cấp sử dụng thiết bị sản xuất chip của Mỹ phải được Bộ Thương mại Mỹ cấp phép nếu muốn xuất khẩu cho Huawei. Từ thời điểm đó, Huawei gần như không thể mua thêm chip từ các nhà cung cấp quen thuộc như TSMC (Đài Loan) để sử dụng trong sản xuất smartphone và chip bộ xử lý mạng 5G.
Vào tháng 1/2021, ngay trước thềm chuyển giao quyền lực cho đội ngũ kế nhiệm Joe Biden, chính quyền Trump đã từ chối 116 đơn xin cấp phép xuất khẩu của doanh nghiệp Mỹ cho Huawei với tổng giá trị xuất khẩu lên tới 119 tỷ USD. Bộ Thương mại khi đó chỉ phê duyệt 4 giấy phép xuất khẩu duy nhất trị giá 20 triệu USD. Hầu hết các đơn xin cấp phép bị từ chối thuộc 3 lĩnh vực chính là linh kiện chip, thiết bị cầm tay và ứng dụng mạng.
Eric Xu, Chủ tịch luân phiên của Huawei từng cho biết trong một tuyên bố: “Năm 2021 sẽ là một năm đầy thách thức đối, nhưng cũng là năm mà chiến lược phát triển trong tương lai của Huawei bắt đầu hình thành… Bất kể thách thức nào xảy đến, chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì khả năng kinh doanh. Không chỉ để tồn tại, mà còn hướng tới phát triển bền vững”.
Hồi cuối tháng 2, Huawei đã bày tỏ kỳ vọng sẽ có cuộc đàm phán riêng biệt với chính quyền Biden để giải quyết các vấn đề như lệnh hạn chế xuất khẩu và vụ việc giam giữ bà Mạnh Vãn Châu.
“Chúng tôi muốn có cuộc thảo luận riêng biệt với chính quyền Mỹ (thay vì thảo luận chung với Bắc Kinh). Chúng tôi không muốn bị cuốn vào cuộc thảo luận (giữa Washington và Bắc Kinh)” - trích lời ông Tim Danks, phó chủ tịch quản lý rủi ro và quan hệ đối tác tại Mỹ của Huawei.
Theo ông Tim, kể từ khi ông Biden nhậm chức hồi tháng 1 đến nay, Huawei vẫn chưa có cuộc trao đổi nào với tân chính quyền nhưng hy vọng sẽ sớm bắt đầu thảo luận. "Chúng tôi nghĩ vấn đề Huawei là câu chuyện riêng biệt cần được giải quyết riêng biệt (với mâu thuẫn địa chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc). Nếu có thể thảo luận riêng như vậy, chúng tôi hy vọng sẽ đưa ra được các giải pháp thực tế về những lo ngại của chính phủ Mỹ và cùng nhau tìm ra hướng đi".