[Biz Insider] Cú “bẻ lái” Bình Minh (Đắk Lắk) - Từ trồng rừng sang đầu tư đổi hạ tầng lấy đất
Như Etime đã đề cập tại bài viết "Diễn biến mới tại Dự án Khu dân dư và du lịch hồ Ea Cuôr Kắp, TP Buôn Ma Thuột", tỉnh Đắk Lắk, Công ty TNHH Bình Minh là một liên danh thực hiện dự án, có trụ sở tại 273 đường Lê Hồng Phong, TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.
Vốn điều lệ tăng nhanh, Bình Minh liên tiếp trúng thầu
Theo bản đăng ký kinh doanh, Công ty Bình Minh được thành lập từ năm 1996, tháng 7/2017 sau 2 lần tăng vốn đột biến, Bình Minh có vốn điều lệ 150 tỷ đồng, ngành nghề kinh doanh chính là trồng rừng và chăm sóc rừng với số lượng lao động đăng ký là 2, chủ sở hữu là 2. Bên cạnh đó, công ty còn đăng ký ngành nghề xây dựng công trình kỹ thuật và công trình công ích.
Điểm đáng chú ý ở Bình Minh, chính là hành trình tăng vốn đăng ký nhanh gọn từ khoảng cuối năm 2016 đến tháng 7/2017 từ mức 56 tỷ đồng lên 150 tỷ đồng.
Cụ thể, ngày 3/11/2010, công ty thay đổi vốn điều lệ từ mức hơn 11,3 tỷ đồng lên 56 tỷ đồng. Ngày 06/12/2016, công ty thay đổi thông tin vốn điều lệ và ngành nghề kinh doanh, với vốn điều lệ tăng 56 tỷ đồng lên 90 tỷ đồng, điều chỉnh thông tin ngành nghề kinh doanh khớp mã với hệ thống ngành kinh tế Việt Nam gồm các ngành xây dựng các công trình đường sắt và đường bộ; xây dựng công trình công ích; xây dựng công trình kỹ thuật dân dụng khác.
Ngày 7/7/2017, công ty thay đổi thông tin với vốn điều lệ tăng từ 90 tỷ đồng lên 150 tỷ đồng.
Nhưng ấn tượng hơn vốn điều lệ của Bình Minh đã tăng lên, gấp 3 lần mức vốn mới chỉ trong 3 năm từ 2018 -2020. Đến tháng 9/2020, vốn điều lệ Công ty Bình Minh là 450 tỷ đồng. Cơ cấu cổ đôn bao gồm ông Nguyễn Duy Cường sở hữu 52,68% vốn và bà Trần Thị Minh Hậu nắm giữ 47,32% vốn còn lại.
Gắn với quá trình tăng vốn của Bình Minh là việc doanh nghiệp liên tiếp trúng các gói thầu tại Đăk Lắk.
Đơn cử như cuối năm 2017, Bình Minh được tỉnh Đắk Lắk lựa chọn theo hình thức chỉ định thầu, thực hiện dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư - Đường Giải Phóng, đoạn từ Nguyễn Chí Thanh đến Bùng binh Km5, Quốc lộ 26, TP. Buôn Ma Thuột. Lý do chỉ định thầu vì chỉ có 1 nhà đầu tư vượt qua sơ tuyển.
Được biết, dự án đường Giải Phóng, đoạn từ Nguyễn Chí Thanh đến Bùng binh Km5, Quốc lộ 26 có tổng mức đầu tư của dự án 371,949 tỷ đồng, diện tích sử dụng đất là 7,887 ha. Quỹ đất thanh toán cho dự án BT là khu đất dọc hai bên tuyến để nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư cơ sở hạ tầng theo quy hoạch được duyệt.
Theo đề xuất dự án được phê duyệt trước đó, tuyến đường được xây dựng theo tiêu chuẩn đường cấp 3, chiều dài tuyến 2,177 km, mặt cắt ngang 35m. Tổng diện tích đất dự kiến thanh toán cho nhà đầu tư là 202.301 m2.
Tiếp đó, đến tháng 8/2019, Bình Minh trong vai trò liên danh chính cùng Công ty TNHH XD-CĐ Đức Nguyên, Công ty TNHH Xây dựng công trình Ngọc Minh & Công ty TNHH Xây dựng thương mại dịch vụ Đức Tài đã trúng gói thầu "thi công xâu dựng (Đã bao gồm chi phí hạng mục chung", do bên mời thầu là Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình Dân dụng và Công nghiệp tỉnh Đắk Lắk với giá trúng thầu 67,2 tỷ đồng.
Tháng 2/2020, Bình Minh trong vai trò liên danh phụ tiếp tục trúng gói thầu xây lắp số 1: Cầu số 2, đường giao thông, hạ tầng kỹ thuật, hệ thống điện nhà quản lý, dọn lòng hồ phục vụ thi công (đã bao gồm hạng mục chung) do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thành phố Buôn Ma Thuột làm chủ đầu tư với mức giá 193,2 tỷ đồng.
Như vậy, trước khi liên danh cùng Tân Thành Đô INCOLAND đề xuất gửi UBND tỉnh Đắk Lắk tài trợ kinh phí lập Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 dự án Khu dân cư, du lịch và nghỉ dưỡng ven hồ Ea Cuôr Kăp có tổng diện tích quy hoạch 150ha với tổng mức đầu tư dự kiến 1.200 tỷ đồng, Công ty Bình Minh đã có kinh nghiệm liên danh với các doanh nghiệp thực hiện nhiều hạng mục tại tỉnh Đắk Lắk.
Bước "lãi mỏng" của Bình Minh
Tuy nhiên, dù liên tiếp trúng thầu trong giai đoạn gần đây, đưa về doanh thu ổn định cho doanh nghiệp qua từng năm, song mức lợi nhuận sau thuế Bình Minh nhận được lại "mỏng" đến bất ngờ.
Cụ thể, năm 2016, doanh thu Bình Minh đạt 66,4 tỷ đồng, lỗ ròng -823,9 triệu đồng. Doanh thu Bình Minh giảm nhẹ xuống còn 62,5 tỷ đồng năm 2017 và báo lỗ sau thuế -344 triệu đồng.
Doanh nghiệp có lãi hơn 70 triệu đồng vào năm tiếp theo (năm 2018) khi doanh thu nhích nhẹ lên ngưỡng 66,9 tỷ đồng.
Hai năm gần nhất, Bình Minh ghi nhận doanh thu lần lượt 59,3 tỷ đồng và 73,8 tỷ đồng, trong khi lãi sau thuế dương 192 triệu đồng năm 2019, đạt đỉnh hơn 3,5 tỷ đồng năm 2020.
Như vậy, giai đoạn 5 năm gần nhất Công ty Bình Minh đưa về gần 330 tỷ đồng doanh thu, song số lãi sau thuế nhận về trên sổ sách chỉ hơn 2,5 tỷ đồng. Điều này đặt ra câu hỏi về năng lực quản trị chi phí, hoặc doanh nghiệp đã chủ động trong quản lý chi phí đầu vào, chi phí hoạt động nhằm giảm gánh nặng thuế thu nhập.
Khác với lợi nhuận "tí hon", tổng tài sản của Bình Minh tăng trưởng mạnh qua các năm. Từ ngưỡng 204,7 tỷ đồng năm 2016 lên mức 345,5 tỷ đồng năm 2020.
Đi kèm với đó, vốn chủ sở hữu cũng tăng nhanh, đạt 293,6 tỷ đồng năm 2020. Nợ phải trả cuối năm ngoái của Bình Minh còn 51,9 tỷ đồng.