[Biz Insider] Giải mã biến động tại Angimex - "vua gạo" An Giang

07/06/2021 09:54 GMT+7
Cổ phiếu AGM tăng 113%, cổ đông lớn Đầu tư và Phát triển Nguyễn Kim đã thoái vốn. Angimex đã có công bố triệu tập Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2021, dự kiến tổ chức ngày 22/07/2021.

"Đổi chủ" ngay sau khi cổ phiếu tăng trần 13 phiên liên tiếp

Tháng 5/2021 có thể được xem như giai đoạn biến động mạnh nhất của CTCP Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex, HOSE: AGM) trong nhiều năm trở lại đây.

Trong tháng 5, cổ phiếu AGM đã có 13 phiên tăng trần liên tiếp (từ ngày 4 - 20/5), đưa AGM từ vùng giá chỉ 15.000 đồng/cp lên đến 32.000 đồng/cp, tương ứng mức tăng 113%, đạt đỉnh lịch sử.

Trước đà tăng phi mã,  CTCP Đầu tư và Phát triển Nguyễn Kim (NKID), tổ chức nắm 51,85% vốn của Angimex đã đăng ký toàn bộ hơn 9,4 triệu cổ phiếu AGM nhằm bổ sung vốn cho hoạt động của NKID. Các giao dịch dự kiến diễn ra trong khoảng thời gian từ ngày 25/04 - 18/06/2021, theo phương thức thỏa thuận.

[Biz Insider] Giải mã biến động tại Angimex - "vua gạo" An Giang - Ảnh 1.

Lịch sử giao dịch AGM. Nguồn dữ liệu: Cafef

Điểm đáng lưu ý rằng, NKID liên quan đến 2 người nội bộ AGM gồm ông Lê Huỳnh Gia Hoàng - Chủ tịch HĐQT và ông Nguyễn Ái – Trưởng Ban Kiểm soát. Và 2 vị lãnh đạo này vừa mới được bầu giữ chức vụ ngay sau ĐHĐCĐ thường niên diễn ra ngày 29/04.

Tại phiên giao dịch 27/5 xuất hiện giao dịch thoả thuận hơn 9,4 triệu cổ phiếu AGM, đúng bằng số lượng cổ phiếu Nguyễn Kim đăng ký bán, với tổng giá trị 297,3 tỷ đồng. Angimex cũng đã có công bố thông tin về việc Nguyễn Kim đã bán hết số cổ phiếu đăng ký vào ngày 27/05/2021. Điều này đồng nghĩa, NKID đã bán hơn 9,4 triệu cổ phiếu AGM với giá 31.500 đồng/cp, gần tương đương thị giá.

Đáng chú ý, ngay sau ngày thoái vốn của Công ty mẹ, dàn HĐQT, BKS của AGM đều xin từ nhiệm. Trong đó có Chủ tịch HĐQT và Trưởng Ban kiểm soát vừa mới được bổ nhiệm chỉ gần 1 tháng. Song song đó, Tổng Giám đốc Trần Hoàng An cũng xin từ nhiệm.

Trên thị trường, giới đầu tư cho rằng, nhiều khả năng Nguyễn Kim đã bán thỏa thuận lượng cổ phiếu AGM nói trên cho Louis Agro của doanh nhân Đỗ Thành Nhân - một trong những đơn vị hàng đầu trong lĩnh vực xuất khẩu gạo Việt Nam. Hiện thông tin công bố cho thấy, Louis Agro đã mua vào hơn 1,4 triệu cổ phiếu AGM vào ngày 27/05/2021 để nâng sở hữu của Louis Agro tại Angimex từ 0,27% lên 8,16%. Cũng trong phiên 27/05/2021, ngoài hơn 9,4 triệu cổ phiếu AGM được giao dịch thành công qua phương thức thỏa thuận, chỉ có gần 159 nghìn cổ phiếu giao dịch qua phương thức khớp lệnh.

Được biết, Louis Agro đang cấp tập chuẩn bị sẵn sàng cho việc IPO của doanh nghiệp, dự kiến sẽ diễn ra vào quý III/2021.

Trong một diễn biến khác có liên quan, Angimex cũng nằm trong danh sách 88 doanh nghiệp mà Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) dự kiến thoái vốn trong năm 2021.

Angimex có gì?

Theo tìm hiểu, tiền thân của Angimex là Công ty Ngoại thương An Giang, được thành lập ngày 23/07/1976. Đến năm 1992, đổi tên thành Công ty Xuất Nhập khẩu An Giang. Năm 2008, chính thức chuyển đổi thành CTCP.

Hiện vốn điều lệ AGM là 182 tỷ đồng và duy trì ở mức từ năm 2011 đến nay. Trong cơ cấu cổ đông (tính đến ngày 31/12/2020) AGM có 2 cổ đông lớn là Nguyễn Kim sở hữu 51,85% và SCIC nắm giữ 28,17%. Tuy nhiên, trước những biến động trên, AGM chính thức không còn là công ty con của Nguyễn Kim.

Angimex hoạt động trong lĩnh vực lương thực, vật tư nông nghiệp, … với ngành hàng chủ lực là lúa, gạo. Doanh nghiệp này có thể sản xuất cao nhất 2.200 tấn gạo/ngày - 350.000 tấn gạo/1 năm và là một trong những công ty xuất nhập khẩu gạo lớn nhất nước ta, "vua gạo" của tỉnh An Giang.

Hiện Angimex có ba công ty con là Công ty TNHH Lương thực Angimex (Angimex Food), Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Angimex (Angimex Trading), Công ty TNHH Dịch vụ Phát Triển Nông Nghiệp Đồng Tháp – DASCO.

Bên cạnh đó, AGM đang sở hữu và quản lý, sử dụng nhiều khu đất. Cụ thể, AGM có các nhà máy và kho chứa nguyên liệu, cửa hàng phân bón, cửa hàng dịch vụ sửa chữa và kinh doanh xe Honda, văn phòng công ty tại tỉnh An Giang… tổng diện tích đất sở hữu hơn 30.000 m2.

[Biz Insider] Giải mã biến động tại Angimex - "vua gạo" An Giang - Ảnh 2.

Diện tích các kho chứa lúa gạo của Angimex


Ngoài ra AGM còn có hơn 75.371 m2 đất thuê Nhà nước với thời gian thuê đa phần đến 2054 - 2058, trong đó có những lô đất lớn là nhà máy và kho chứa nguyên liệu gần 20.000 m2 tại khóm Thạnh An, thành phố Long Xuyên; tương tự các nhà máy và kho chứa lớn khác 8.300 m2…

Hoạt động kinh doanh của Angimex không có đột biến, thậm chí còn giảm so với cùng kỳ. Năm 2020, Angimex đạt 1.961 tỷ đồng doanh thu, giảm 7,5% so với năm trước đó; lợi nhuận sau thuế giảm gần 39% xuống khoảng 25 tỷ đồng.

Quý I/2021 vừa qua, Angimex đạt 371 tỷ đồng doanh thu, giảm tới 100 tỷ đồng - tương ứng giảm 21% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế sụt giảm 14% xuống còn 2,6 tỷ đồng.

[Biz Insider] Giải mã biến động tại Angimex - "vua gạo" An Giang - Ảnh 3.

Nguồn: Angimex

Dù vậy, AGM là doanh nghiệp đảm bảo cổ tức bằng tiền cho cổ đông khá đều đặn trong nhiều năm qua. Cho phần cổ tức năm 2020 Đại hội đồng cổ đông của AGM đã thông qua tỷ lệ chia 30%.

[Biz Insider] Giải mã biến động tại Angimex - "vua gạo" An Giang - Ảnh 3.

Nguồn: Báo cáo tài chính AGM

Trước đó, SCIC đã từng nhiều lần thất bại với việc thoái vốn tại AGM thông qua phương thức đấu giá, khi mức giá khởi điểm được cho là quá cao so với thị giá của AGM tại thời điểm đó. Chẳng hạn năm 2016, với giá dưới mệnh giá, nhưng giá khởi điểm đấu giá AGM là 19.000 đồng/cp; năm 2017 là 19.400 đồng/cp.




 




Quang Dân
Cùng chuyên mục