[Biz Insider] Từ dự án The Summit 216 hé lộ "cơ ngơi" của nữ đại gia Trịnh Thị Hà
Dự án The Summit 216 'đổi chủ' bao giờ sẽ 'đổi vận'?
Tháng 8/2019, toàn bộ dự án Nhà ở cao tầng kết hợp dịch vụ thương mại - Summit Building (tên thương mại hiện nay The Summit 216) được UBND TP.Hà Nội cho phép Công ty cổ phần Veracity nhận chuyển nhượng từ Liên danh Công ty TNHH Hoa Phượng Thăng Long Hà Nội và Công ty TNHH Thương mại đầu tư bất động sản 216.
The Summit 216 là dự án nhà ở cao tầng kết hợp dịch vụ thương mại tọa lạc tại số 216 đường Trần Duy Hưng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội. Được biết, The Summit 216 có tổng vốn đầu tư khoảng 791,8 tỷ đồng. Dự án The Summit 216 có 35 tầng nổi, 4 tầng hầm (bao gồm 1 tầng lửng), với tổng diện tích dự án 2.373m2, diện tích xây dựng 1.186,5m2, mật độ xây dựng 50%, với 288 căn hộ. Tổng diện tích sàn xây dựng khoảng 52.217,5 m2 (gồm tổng diện tích sàn tầng hầm khoảng 10.690 m2, tổng diện tích sàn xây dựng công trình khoảng 41.527,5 m2; không bao gồm diện tích tum thang khoảng 352 m2). Tiến độ thực hiện dự án từ quý IV/2016 - quý IV/2019.
Tháng 9/2019, Công ty Veracity - chủ mới của The Summit 216 đã cầm cố dự án tại ngân hàng.
Đến nay, The Summit 216 là một trong những dự án hiếm hoi nằm trên trục đường Trần Duy Hưng chưa thể hoàn thành sau nhiều năm khởi công.
Theo dữ liệu, Công ty Veracity tiền thân là Công ty Cổ phần khai khoáng Phương Minh Đăng, được thành lập ngày 9/10/2017 với vốn điều lệ 20 tỷ đồng. Cơ cấu cổ đông sáng lập bao gồm Công ty Cổ phần Khai thác nhà Hà Nội (góp 90%), ông Phạm Quang Thảo (góp 5%), ông Nguyễn Viết Ngọc (góp 5%).
Tháng 11/2017, doanh nghiệp đổi tên thành Công ty TNHH Veracity. Danh sách thành viên có sự biến động khi Công ty Cổ phần Khai thác nhà Hà Nội thoái toàn bộ vốn khỏi Công ty Veracity, thay vào đó có sự góp mặt của cổ đông mới là ông Nguyễn Hải Lưu với 60% cổ phần, ông Nguyễn Viết Ngọc cũng nâng vốn góp của mình lên 35%, 5% còn lại vẫn do ông Phạm Quang Thảo nắm giữ.
Đến tháng 10/2018, nhóm cổ đông này nâng vốn điều lệ của Công ty Veracity từ 20 tỷ lên 290 tỷ đồng.
Theo giới thiệu trên Website của Công ty Veracity, bà Trịnh Thị Hà đang đảm nhiệm vai trò giám đốc điều hành tại doanh nghiệp. Bà Trịnh Thị Hà có hơn 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực xây dựng sản phẩm, vận hành và kinh doanh các dự án bất động sản. Tham gia các dự án lớn với những đối tác hàng đầu tại Việt Nam và trong khu vực..
Hé mở những dự án bất động sản của bà Trịnh Thị Hà
Bên cạnh dự án The Summit 216, bà Trịnh Thị Hà còn đảm nhiệm vai trò giám đốc kiêm người đại diện pháp luật Công ty Cổ phần Familia (Công ty Familia) - chủ đầu tư dự án chung cư Discovery Complex 3 tại số 254 đường Hoàng Quốc Việt (Hà Nội), một dự án đang bị "mắc kẹt".
Công ty Familia có mã số doanh nghiệp 0101217880, được thành lập ngày 13/3/2002 tại Hà Nội, tiền thân là Công ty Cổ phần Doanh nghiệp trẻ Hà Nội. Trước năm 2017, người đại diện pháp luật là ông Trần Đức Minh. Đến ngày 25/1/2017, bà Trịnh Thị Hà đảm nhiệm vai trò giám đốc kiêm người đại diện pháp luật.
Cũng trong năm 2017, Công ty Familia đã thế chấp dự án chung cư Discovery Complex 3 tại số 254 đường Hoàng Quốc Việt cho 2 khoản vay trị giá 2.000 tỷ tại ngân hàng. Ở thời điểm hiện tại, tại địa chỉ 254 Hoàng Quốc Việt chỉ ghi nhận khu đất bỏ không, được quây tôn xung quang.
Thế chấp dự án thu về hàng nghìn tỷ đồng, thế nhưng đến cuối năm 2022, tổng tài sản của Familia gần 700 tỷ đồng, trong đó tiền và các khoản tương đương tiền của Công ty Familia còn hơn 7 triệu đồng. Doanh nghiệp này không phát sinh doanh thu, đồng thời đang gánh khoản lỗ luỹ kế gần 99 tỷ đồng.
Tuy dang dở với hai dự án bất động sản có vị trí đẹp tại TP. Hà Nội, nhưng dữ liệu giao dịch đảm bảo cho thấy bà Trịnh Thị Hà sở hữu loạt bất động sản "không phải dạng vừa" tại Hà Nội.
Đơn cử, bà Hà đã sử dụng 2 lô đất thuộc Dự án Khu đô thị mới Nam đường 32 (tên thương mại dự án là WEST POINT) tại thị trấn Trạm Trôi, huyện Hoài Đức (Hà Nội), 1 căn hộ chung cư tại dự án Hà Nội Paragon, địa chỉ phường Dịch Vọng Hậu (Hà Nội) để thế chấp tại các nhà băng.
Ngoài ra, bà Hà còn sở hữu 3.000.000 cổ phần tại Công ty cổ phần giải pháp năng lượng gió HBRE. Số cổ phần này được bà Trịnh Thị Hà làm tài sản thế chấp tại một Ngân hàng.
Chủ của The Summit 216 - Doanh thu không bù nổi chi phí bán hàng
Sau hơn 3 năm nắm quyền tại Công ty Veracity, bà Trịnh Thị Hà chưa thể đưa đến được một kết thúc đẹp cho dự án The Summit 216 và khách hàng đã mua căn hộ ở đây. Hoạt động kinh doanh Công ty Veracity liên tục thua lỗ.
Kết thúc năm 2022, Công ty Veracity ghi nhận doanh thu gần 29 tỷ đồng, tăng 61% so với cùng kì. Đáng chú ý, toàn bộ doanh thu của Công ty Veracity đều đến từ hoạt động cung cấp dịch vụ, do vậy doanh nghiệp không phát sinh giá vốn bán hàng trong kỳ.
Tuy nhiên, do chi phí bán hàng hơn 29 tỷ đồng và gần 4 tỷ đồng chi phí quản lý doanh nghiệp khiến Công ty Veracity lỗ sau thuế gần 5 tỷ đồng năm 2022, trong khi năm 2021 doanh nghiệp cũng lỗ gần 3 tỷ đồng.
Lũy kế đến ngày 31/12/2022, Công ty Veracity đang gánh khoản lỗ hơn 16 tỷ đồng, khiến vốn chủ sở hữu bị ăn mòn về còn 274 tỷ đồng, trong khi vốn góp chủ sở hữu 290 tỷ đồng.
Tại ngày cuối cùng của năm 2022, tổng tài sản Công ty Veracity khoảng 1.884 tỷ đồng. Chiếm chủ yếu trong đó là hàng tồn kho với 1.307 tỷ đồng. Ở bên kia bảng cân đối kế toán, nợ phải trả Công ty Veracity còn hơn 1.610 tỷ đồng, cao gấp 5,8 lần vốn chủ sở hữu.