Bloomberg: Dân chuyển hướng nuôi bò, đà điểu, Việt Nam có nguy cơ thiếu thịt lợn

29/05/2019 12:49 GMT+7
Dịch tả lợn lan rộng trên cả nước suốt thời gian qua đã khiến ông Trần Văn Chiến - chủ một trang trại lợn tại Hà Nội - mất đi đàn lợn hơn 6.000 con chỉ trong thời gian ngắn.

Chỉ 3 tháng sau khi dịch cúm lợn Châu Phi bùng phát, ông Chiến đã phải từ bỏ nghề chăn nuôi lợn đã gắn bó hơn 20 năm để chuyển sang những loại gia súc gia cầm khác như gà, bò và đà điểu. Nhu cầu thịt bò và thịt đà điểu ngày càng tăng để phục vụ chế biến các món ăn như bít tết hay phở.

“Những rủi ro và tổn thất từ chăn nuôi lợn quá lớn, tôi sẽ không nuôi lợn nữa” - ông Chiến cho hay.

Trên cả nước, ông Chiến chỉ là một trong số rất nhiều hộ chăn nuôi lợn gánh chịu thiệt hại và từ bỏ loài vật nuôi này. Việt Nam hiện đang khuyến khích các hộ nông dân chuyển hướng sang chăn nuôi nhiều vật nuôi khác để hạn chế thiệt hại từ dịch tả lợn Châu Phi - nguyên nhân khiến nền kinh tế bị thiệt hại nặng nề trong thời gian qua.

Trên cả nước, có tới 1.7 triệu con lợn bị tiêu hủy kể từ tháng 2/2019. Con số này thậm chí vượt xa cả Trung Quốc, nước có sản lượng thịt lợn gấp 20 lần Việt Nam và đã sống chung với dịch tả lợn suốt 10 tháng nay.

Tại Đồng Nai, vùng chăn nuôi lợn lớn nhất cả nước, số lượng lợn hiện chỉ còn khoảng 2 triệu con, giảm tới 20% do ảnh hưởng của dịch tả. Nhiều hộ nông dân đã chuyển hướng sang chăn nuôi gà vịt, thậm chí là đà điểu, để hạn chế rủi ro. Thịt đà điểu hiện được bán với mức giá gấp 3 lần thịt lợn.

Đà điểu trong trang trại Trung Kiên, Hải Dương 

Một thống kê cho thấy quy mô đàn gia cầm trên cả nước trong tháng 4/2019 đã tăng 6.8% so với cùng kỳ năm trước, trong khi đàn bò tăng 3.1%. Còn tại Đồng Nai, số lượng vịt thậm chí tăng gấp đôi.

“Các trang trại vịt ở Đồng Nai đang mọc lên ngày càng nhiều” ông Nguyễn Kim Đoan, Phó chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi tỉnh Đồng Nai cho biết.

Nhưng đi kèm với dịch tả lợn bùng phát và sự chuyển hướng của người nông dân, một tương lai thiếu thịt lợn đang trở thành mối quan ngại. Người Việt từ lâu đã chọn loại thịt này làm nguồn cung cấp protein chính trong bữa ăn hàng ngày. Chỉ tính trong năm 2018, thịt lợn chiếm 70% lượng thịt tiêu thụ trong nước, thịt gà chiếm 20% và thịt bò chiếm chưa đầy 10%, còn lại là các loại thịt khác.

Sự bùng phát dịch tả lợn sau đó khiến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phải lên tiếng huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc phòng chống dịch tả lợn châu Phi, đồng thời kêu gọi đưa ra các biện pháp cần thiết để đảm bảo cân bằng trong ngành chăn nuôi, đảm bảo nguồn cung thực phẩm sạch cho người dân.

Hà Nội hiện đã có kế hoạch đẩy mạnh chăn nuôi bò gấp 3 lần vào năm 2025, sau cảnh báo của Hiệp hội chăn nuôi Hà Nội về việc thiếu nguồn cung thịt lợn vào cuối năm một khi chính phủ không đảm bảo lượng cung các loại thịt khác. Nhà nước cũng khuyến khích nhập khẩu thịt lợn từ các quốc gia không xuất hiện dịch tả lợn Châu Phi như Hàn Quốc, Mỹ, Úc… để đảm bảo cung ứng một phần nhu cầu thịt lợn tránh tình trạng giá cả leo thang.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục