Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: “VN có thể làm những thứ thế giới chưa làm”

17/09/2019 15:30 GMT+7
Phát biểu tại lễ ra mắt mạng xã hội thuần Việt Lotus, tối 16/9 Hà Nội, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, việc xây dựng MXH dựa trên sự sáng tạo của những người dùng giúp thúc đẩy sức mạnh của Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá, Internet có chu kỳ 15 năm. Chu kỳ 15 năm thứ nhất là xây dựng hạ tầng và nền tảng của một thế giới trực tuyến với những tên tuổi như Cisco, Microsoft.

Chu kỳ thứ hai là điện thoại di động, truyền thông xã hội, là kinh tế nền tảng với những tên tuổi như Facebook, Google và Apple.

Hai chu kỳ này đều gắn với các công ty Internet, phần nhiều là các công ty toàn cầu. Chu kỳ thứ 3 có thể coi bắt đầu từ năm 2015, khi internet sẽ được tích hợp vào mọi phần của cuộc sống con người. Những tên tuổi mới sẽ xuất hiện, sẽ không chỉ là các công ty internet nữa. Cần phải có thêm ngữ cảnh sinh động, không chỉ giới hạn nội dung và cộng đồng nữa.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông phát biểu tại lễ ra mắt mạng xã hội Lotus tối 16/9.

“Mạng xã hội Lotus chính là sản phẩm của làn sóng Intertnet thứ ba, một tiếp cận theo cách mới”, Bộ trưởng Hùng nhấn mạnh.

Theo ông Hùng đánh giá, với sự phát triển của internet, MXH hiện đại phải theo xu thế cộng đồng được kiểm soát luật chơi chứ không phải là nạn nhân của những thuật toán được giấu kín… Doanh nghiệp nền tảng cũng phải bảo vệ cá nhân người dùng không như một số doanh nghiệp gần đây bán dữ liệu cho bên thứ ba.

"Mạng xã hội Lotus hôm nay được khai trương chính là sản phẩm của làn sóng Internet thứ ba, tiếp cận theo cách mới, với những cam kết cá thể hoá, nội dung lành mạnh, cam kết tiếp cận có ngữ cảnh, cam kết bảo mật cá nhân… Những cam kết này là để giải quyết nhu cầu xã hội mới thông qua những công nghệ mới nhất.” Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Bên cạnh đó, ông Hùng cho rằng, cần trân trọng sự dấn thân của VCCcorp khi đầu tư vào một thị trường khó, đã bị thống trị bởi những gã khổng lồ toàn cầu, làm một việc mà không ít doanh nghiệp Việt Nam khác đã thử và thất bại.

"Nhưng nếu VCCorp không làm, và không ai làm nữa. Không chỉ ở đây mà nhiều lĩnh vực khác thì Việt Nam chúng ta sẽ ra sao. Việt Nam là nước đi sau, sẽ không có việc gì dễ còn lại cho chúng ta nhưng chúng ta không nhìn đó là thách thức mà là cơ hội. Bởi vì việc dễ không tạo ra người tài, việc trung bình tạo ra người trung bình, việc khó tạo ra người giỏi và việc vĩ đại tạo ra người vĩ đại", Bộ trưởng Hùng chia sẻ.

Trong buổi lễ ra mắt MXH Lotus, sau khi lắng nghe câu chuyện của những người tạo nên mạng xã hội thuần Việt Lotus, Bộ trưởng cho biết: "Hơn chục năm rồi, tôi mới được nghe mọi người nói về một cách tiếp cận mới, và có một niềm tin là người Việt Nam có thể làm ra những thứ mà thế giới chưa chưa từng làm".

"Khi nghe anh Tân (Tổng Giám đốc VCCorp) giới thiệu, tôi nghĩ rằng tại sao chúng ta không nghĩ rằng có rất nhiều Steve Jobs Việt Nam? Sự thành công của mạng xã hội Lotus phụ thuộc rất nhiều vào chúng ta. Chính những người dùng trải nghiệm Lotus cùng đóng góp, phát triển sản phẩm cùng với doanh nghiệp sẽ tạo nên sức mạnh".

Trước đó, nói về sự cấp thiết cần phải ra đời MXH “Made in VietNam”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đánh giá, đã đến lúc chúng ta cần phải có mạng xã hội mới, công cụ tìm kiếm mới, nhân văn hơn, coi trọng khách hàng hơn và đưa người dùng làm chủ thể. Nếu Việt Nam không có MXH của riêng mình thì “não người Việt ở nước ngoài”.

“Việt Nam đặt mục tiêu xây dựng MXH để số người dùng sản phẩm trong nước tương đương với MXH nước ngoài, não người Việt phân tán đều, để không bất kỳ nhà mạng nào nào thu thập được tất cả thông tin”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Tại buổi lễ ra mắt MXH Lotus, trong phần giới thiệu, ông Nguyễn Thế Tân, Tổng giám đốc VCCorp cho biết, một trong những tính năng đáng chú ý nhất của Lotus đó là cho phép người dùng kể chuyện bằng hình ảnh, đồng thời tạo ra các ghi chú giàu hình ảnh (rich media note), và tập trung chú trọng trải nghiệm song song cả hai nền tảng là máy tính (PC), và thiết bị di động (mobile).

Thanh Phong
Cùng chuyên mục