Bộ trưởng Phạm Hồng Hà nói gì về các công trình tâm linh chiếm nhiều diện tích đất?

05/06/2019 07:53 GMT+7
Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết, trong các quy định pháp luật, chưa xác định cụ thể rõ loại hình công trình tâm linh nằm trong quy hoạch du lịch hay quy hoạch đô thị và đang kiểm soát bằng công cụ chủ yếu là giấy phép xây dựng.

Trả lời đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) về các dự án tâm linh kết hợp du lịch sinh thái chiếm nhiều diện tích đất, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà thừa nhận trong thời gian vừa qua đã xuất hiện một số dự án kết hợp mục đích tâm linh và tôn giáo.

“Hiện nay chúng ta kiểm soát bằng công cụ chủ yếu là giấy phép xây dựng. Trong giấy phép xây dựng đã có những quy định rất cụ thể. Trong đó có quy định về cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới những công trình tín ngưỡng, công trình tôn giáo phải thực hiện theo quy định của pháp luật cũng như phải có sự đồng ý của cơ quan quản lý tôn giáo địa phương”, Bộ trưởng Hà nêu thực trạng.

Vừa qua, những khu chùa có quy mô nghìn ha đã làm “dậy sóng” dư luận.

Cũng theo Bộ trưởng Phạm Hồng Hà, hiện nay tồn tại trong các quy định pháp luật, chưa xác định cụ thể rõ loại hình công trình tâm linh nằm trong quy hoạch du lịch hay quy hoạch đô thị. Do đó, các địa phương vận dụng cũng còn chưa thống nhất. Bộ trưởng cho biết tới đây Bộ Xây dựng cũng sẽ có quy định cụ thể hơn về vấn đề này.

“Thứ hai là quy chuẩn, tiêu chuẩn trong việc sử dụng đất ở những dự án hỗn hợp như thế này. Bộ cũng sẽ có những quy định cụ thể hơn để đảm bảo phân biệt rõ ràng đất cho mục đích tâm linh và du lịch hay mục đích khác”, Bộ trưởng nói thêm.

Cũng tại phiên chất vấn Bộ trưởng Phạm Hồng Hà, một số đại biểu tiếp tục nêu câu hỏi. Đại biểu Nguyễn Minh Đức (TP.HCM) chỉ ra báo cáo chuyên đề của Quốc hội về quy hoạch, mật độ xây dựng đô thị của Hà Nội và TP.HCM được điều chỉnh từ 24,6% lên 40%, tầng cao bình quân từ 20,73 tầng lên 40 tầng.

Đại biểu cho rằng điều này đã làm phá vỡ quy hoạch tổng thể của đô thị, gây quá tải hạ tầng giao thông. Ông yêu cầu Bộ Xây dựng nên quan điểm về vấn đề này.

Đại biểu Đức cũng nêu thực trạng hiện nay xuất hiện nhà đầu tư là người nước ngoài móc nối với một bộ phận người Việt Nam mua bán, chuyển nhượng bất động sản trái phép. “Xin bộ trưởng rõ nguyên nhân, trách nhiệm và hướng giải quyết từ Bộ Xây dựng”, ông đặt câu hỏi.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) đề cập việc rất nhiều cử tri quan tâm về những khu du lịch tâm linh.

“Người ta so sánh chùa chiền thì xây vài trăm ha là đủ nhưng những khu này thì tới hàng nghìn ha. Việc thực hiện như thế có sự nhập nhằng đầu tư công - tư. Thực tế, việc Nhà nước đưa tiền làm đường vào khu vực đó mà cuối cùng nhà đầu tư tư nhân khai thác thì có công bằng không?”, ông Nghĩa chất vấn.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng - Phạm Hồng Hà

Những vấn đề này sẽ được Bộ trưởng Bộ Xây dựng trả lời vào sáng mai (5/6).

Trước đó, phát biểu tại phiên thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị ngày 27/5, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng, việc tổ chức thực hiện chính sách pháp luật về quy hoạch quản lý đất đai đã đi vào nề nếp, công tác giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư đã được các địa phương thực hiện tốt…

Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện các dự án về quy hoạch chuyên ngành còn chậm, thiếu đồng bộ, kết nối bên trong và bên ngoài các dự án phát triển nhà ở, dịch vụ, thương mại không đáp ứng được nhu cầu về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Nhà cao tầng tại các đô thị lớn phát triển nhanh gây quá tải, tăng dân số cơ học, ách tắc giao thông; công viên, khu vui chơi giải trí, bãi đậu xe bị lấn chiếm, thu hẹp ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người dân.

Đặc biệt, tình trạng lờ đi các dự án thu hồi đất, xây dựng các công trình văn hóa tâm linh để khai thác quỹ đất lập lờ, chưa tách bạch rõ ràng giữa đất và tín ngưỡng tôn giáo và đất thương mại dịch vụ là vấn đề cần làm rõ để tránh lãng phí tài nguyên đất, đảm bảo hiệu quả kinh tế.

(Dân Việt)
Cùng chuyên mục