Đà Nẵng: Thanh Khê tích cực ứng dụng công nghệ số trong quản lý tín dụng chính sách
Thời gian qua, Phòng giao dịch NHCSXH quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng đã tích cực tổ chức triển khai ứng dụng quản lý tín dụng chính sách đến toàn thể Thành viên Ban đại diện HĐQT NHCSXH quận, cán bộ Phòng giao dịch NHCSXH quận Thanh Khê; Lãnh đạo và một số cán bộ làm công tác ủy thác của tổ chức chính trị - xã hội quận; Chủ tịch UBND phường, cán bộ Ban Giảm nghèo phường, Hội đoàn thể phường, tổ trưởng tổ tiết kiệm & vay vốn (TK&VV), tổ trưởng tổ dân phố.
Phối hợp với Hội đoàn thể nhận ủy thác, UBND phường tổ chức tập huấn, hướng dẫn, cài đặt ứng dụng cho các đối tượng người dùng theo hướng dẫn, quy định của NHCSXH và theo dõi việc vận hành ứng dụng. Nhờ đó, tạo sự thuận tiện, nhanh chóng trong các hoạt động giao dịch, quản lý tín dụng chính sách, góp phần nâng cao chất lượng tín dụng của đơn vị.
Chất lượng tín dụng được nâng cao
Ông Nguyễn Văn Ba – Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH quận Thanh Khê cho biết: Ứng dụng quản lý tín dụng chính sách là phần mềm được cài đặt và chạy trên các thiết bị thông minh, điện thoại di động sử dụng hệ điều hành Android hoặc IOS như một cẩm nang điện tử dễ sử dụng, mang đến cho người dùng nhiều tiện ích, trong đó có quy trình nghiệp vụ như: Thu lãi, thu tiền gửi tiết kiệm, chuyển khoản trả lãi, trả gốc và số liệu hoạt động tín dụng chính sách của tổ TK&VV; kết quả giao dịch; tra cứu biên lai thu lãi của tổ viên.
Ông Ba cho biết thêm, qua triển khai ứng dụng công nghệ trong quản lý tín dụng chính sách cho thấy, đây là hoạt động thiết thực góp phần phổ biến, minh bạch hóa các giao dịch tín dụng chính sách, giúp thành viên Ban đại diện HĐQT NHCSXH quận, lãnh đạo, cán bộ NHCSXH và tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác nắm bắt được hiệu quả trong quá trình hoạt động, giám sát, quản lý, điều hành tín dụng chính sách xã hội. Hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được tiếp cận với các sản phẩm, dịch vụ tài chính của NHCSXH, góp phần nâng cao hiểu biết tài chính, phát huy hiệu quả sử dụng vốn, từng bước làm quen với công nghệ số.
Theo ông Ba, mô hình ứng dụng phần mềm qua điện thoại di động (Mobile App) sử dụng thuận tiện, giúp cán bộ NHCSXH có thông tin số liệu nhanh chóng, chính xác; số liệu hoạt động của các tổ chức hội và phường đều được cập nhật kịp thời trên ứng dụng, giúp các tổ trưởng tổ TK&VV, tổ trưởng tổ dân phố, Hội đoàn thể nhận ủy thác nắm bắt nhanh chóng thông tin số liệu hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của tổ tiết kiệm và vay vốn, chất lượng tín dụng tại đơn vị.
"Phần mềm ứng dụng quản lý tín dụng chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ NHCSXH, Chủ tịch UBND các phường, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, các tổ TK&VV trong công tác giám sát, quản lý tín dụng chính sách thông qua ứng dụng phần mềm trên điện thoại di động về hoạt động tín dụng chính sách, các chương trình tín dụng cho vay, cơ sở dữ liệu, quy trình cho vay, trả lãi và gốc của khách hàng, kết quả kiểm tra đối chiếu cho vay và các văn bản hướng dẫn", ông Ba chia sẻ.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong hoạt động chính sách
Đến nay, Phòng giao dịch NHCSXH quận Thanh Khê đã triển khai tập huấn, hướng dẫn sử dụng cho 100% các tổ trưởng tổ TK&VV, tổ chức chính trị - xã hội cấp phường tham gia thực hiện giao dịch tổ, truy vấn thông tin trên ứng dụng.
Việc triển khai ứng dụng công nghệ trong quản lý tín dụng chính sách trên địa bàn đã giúp người dùng tương tác, nắm bắt tình hình thực tế để đưa ra các giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách, giúp việc giao dịch giữa tổ trưởng tổ TK&VV, cán bộ NHCSXH tại điểm giao dịch được thuận tiện, nhanh chóng.
Bà Trần Thị Huệ - Tổ trưởng tổ TK&VV, phường Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng cho biết: "Từ khi cài đặt và sử dụng phần mềm quản lý tín dụng chính sách vào công việc đã giúp chúng tôi nắm bắt thông tin hộ vay, khoản vay, thời hạn trả cho đến tình trạng trả nợ, nợ quá hạn một cách dễ dàng. Nhờ vậy, đã tạo điều kiện thuận lợi để chúng tôi quản lý tốt các khoản vay, báo cáo kịp thời với cấp trên. Bên cạnh đó, các hoạt động giao dịch, ủy thác cho vay của tổ thuận lợi, hiệu quả hơn hẳn. Tổ của tôi hiện có 46 hộ vay, với tổng dư nợ hơn 2,3 tỷ đồng, không có nợ quá hạn".
Tổng doanh số cho vay trên địa bàn quận Thanh Khê lũy kế đến 31/11/2024 trên 300 tỷ đồng, với 4.952 khách hàng được vay vốn, doanh số thu nợ 11 tháng đầu năm 225 tỷ đồng. Đến 31/11/2024, toàn quận Thanh Khê có 13.422 khách hàng còn dư nợ, tổng dư nợ đạt 725 tỷ đồng, tăng 75 tỷ đồng (tăng 11,5%) so năm 2023, trên địa bàn có 323 tổ tiết kiệm và vay vốn, bình quân dư nợ đạt hơn 2,24 tỷ đồng/tổ TK&VV.
"Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai phần mềm cũng gặp một số khó khăn, nhất là một số tổ trưởng tổ TK&VV lớn tuổi, ít tiếp xúc với công nghệ thông tin, sử dụng điện thoại thông minh chưa thành thạo. Để khắc phục, chúng tôi lập nhóm Zalo, cán bộ cùng cán bộ Hội đoàn thể các phường chủ động theo dõi, hỗ trợ tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các tổ trưởng tổ TK&VV trong sử dụng để triển khai đồng bộ và có hiệu quả phần mềm quản lý tín dụng chính sách", ông Nguyễn Văn Ba – Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH quận Thanh Khê.