Bộ trưởng Tài chính: Vốn vay nước ngoài phải được sử dụng một cách hiệu quả nhất
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng chào mừng ông Ousmane Dione cùng đoàn công tác tới thăm và làm việc với Bộ Tài chính
Chào mừng ông Ousmane Dione cùng đoàn công tác của WB tới thăm và làm việc với Bộ Tài chính. Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng, đây là cơ hội tốt để hai bên trao đổi những vấn đề cùng quan tâm về tình hình kinh tế, các chính sách của Chính phủ trong việc ổn định kinh tế vĩ mô và phát triển bền vững; cũng như các định hướng, biện pháp nhằm tăng cường hơn nữa mối quan hệ đối tác giữa Việt Nam và WB thời gian tới; thảo luận về Chiến lược sử dụng nguồn vốn IBRD, dự kiến nguồn vốn vay và ưu tiên sử dụng vốn, các dự án trong giai đoạn 2020 – 2021, kế hoạch phân bổ nguồn vốn trong năm 2019, đồng thời tháo gỡ những vướng mắc về tình hình giải ngân cũng như chiến lược sử dụng vốn IDA tiết kiệm được trong quá trình rà soát các dự án khác trong năm 2020.
Ông Ousmane Dione trân trọng cảm ơn và đánh giá cao mối quan hệ hợp tác rất hiệu quả giữa Bộ Tài chính với WB trong thời gian qua. Theo ông: Đó là tiền đề tốt để thúc đẩy hợp tác chặt chẽ, hiệu quả hơn nữa với Bộ Tài chính trong thời gian tới. Chia sẻ về định hướng hợp tác giữa WB và Việt Nam thời gian tới, ông Ousmane Dione một lần nữa khẳng định: WB luôn ủng hộ những biện pháp về kỷ luật kỷ cương tài chính mà Việt Nam đang thực hiện. WB cũng đánh giá cao những sáng kiến của Bộ Tài chính trong việc đề ra những chương trình, kế hoạch trung hạn 3 năm và những dự án ưu tiên của Việt Nam, từ đó, có thể giúp cho WB hỗ trợ Việt Nam một cách hiệu quả nhất.
Ông Ousmane Dione cho biết thêm: WB hiện đang dự thảo kế hoạch hoạt động hợp tác giữa hai bên, cũng như những chiến lược liên quan tới sử dụng nguồn vốn IBRD cho các chương trình, dự án cho năm tài khóa 2020, vì vậy, WB mong muốn được tham vấn của Bộ Tài chính đề phù hợp với mục tiêu và những ưu tiên của Chính phủ Việt Nam trong thời gian tới.
“Hiện nay, để chuẩn bị cho năm tài khóa tới, sau khi rà soát hiện có khoản dư từ nguồn vốn của các dự án IDA và sẽ được sử dụng để thực hiện các dự án khác cùng năm tài khóa. Đây là nguồn vốn vẫn tiếp tục sử dụng các điều kiện và điều khoản của IDA với mức lãi suất tương đương với mức lãi suất hỗn hợp, vì vậy, nguồn vốn này nên sử dụng cho các địa phương khó khăn và có năng lực tài chính thấp, khả năng vay ít, hoặc sử dụng trong lĩnh vực về xã hội môi trường mà các dự án đó không có khả năng thu hồi vốn".
"Để tiết kiệm hiệu quả về chi phí liên quan tới vận hành quản lý vốn vay, ông Ousmane Dione đề xuất không phân nhỏ khoản vay này cho nhiều các hoạt động, mà chỉ sử dụng vào một dự án. với cách làm như vậy sẽ tận dụng được hết các nguồn vốn để mang lại hiệu quả và tác động phát triển một cách cao nhất”. Ông Ousmane Dione cho biết thêm.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng tại buổi làm việc
Đề cập tới dự kiến nguồn vốn vay và ưu tiên sử dụng vốn, các dự án trong giai đoạn 2020 – 2021, Bộ trưởngĐinh Tiến Dũng cho biết, đã giao Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) hoàn thiện các thông tin liên quan đến danh mục dự án đàm phán giai đoạn 2019-2021, báo cáo Bộ Tài chính phê duyệt khung để có sự thống nhất về nguyên tắc với WB. Bộ trưởng cho biết thêm, theo Luật Quản lý nợ công năm 2017, Bộ Tài chính là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thống nhất quản lý về nợ công. Chính vì vậy, Bộ Tài chính đề xuất tăng cường trao đổi, đối thoại cấp cao về chính sách mới của WB và của Việt Nam liên quan đến việc quản lý nợ công, quản lý ngân sách, định hướng lớn trong việc sử dụng vốn vay nước ngoài của Chính phủ.
Cũng theo Bộ trưởng, xuất phát từ bối cảnh Việt Nam chỉ được tiếp cận nguồn vốn kém ưu đãi (vốn vay IBRD, IDA chuyển đổi) từ WB, việc lựa chọn lĩnh vực sử dụng vốn vay cần được cân nhắc trên cơ sở điều kiện tài chính của nguồn vốn.
Về công tác xây dựng danh mục vay vốn, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đề nghị, hai bên sẽ tổ chức các cuộc làm việc cấp kỹ thuật về danh mục dự kiến để đi đến thống nhất danh mục dự án và tiến độ chuẩn bị cho từng khoản vay trong năm, cũng như nắm được danh mục trong kỳ trung hạn (3 năm) để Bộ Tài chính chủ động rà soát, đưa vào kế hoạch trung hạn và chuẩn bị cho việc thẩm định dự án, đàm phán, ký kết. Danh mục được rà soát, cập nhật hàng năm, những khoản vay không còn phù hợp sẽ thống nhất đưa khỏi danh mục.
Bộ trưởng cho rằng, nguồn vốn Chính phủ vay về ưu tiên sử dụng cho ngân sách hoặc dành cho địa phương vay lại để đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội. Đối với các lĩnh vực doanh nghiệp có thể tiếp cận vốn vay có điều kiện thương mại, đề nghị WB nghiên cứu, tạo điều kiện để doanh nghiệp có thể trực tiếp tiếp cận vốn vay WB, hoặc WB hỗ trợ thúc đẩy để doanh nghiệp vay thương mại cho đầu tư sản xuất.
Trong chiến lược hợp tác giữa hai bên thời gian tới, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đề nghị hai bên cần tiếp tục nghiên cứu, thảo luận để đơn giản hóa thủ tục và nguồn vốn vay phải được sử dụng và kiểm soát một cách hiệu quả cao nhất, cũng như tăng cường tính kỷ luật, kỷ cương tài chính, nâng cao trách nhiệm giải trình của người quản lý và người sử dụng vốn vay.