Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: “Nông sản dễ tổn thương nhất khi có xáo trộn, đối đầu trên thế giới”
Hội thảo “CPTPP: Cơ hội và thách thức cho nông sản Việt” diễn ra tại Hà Nội ngày 2/7.
Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho rằng, Hội nhập là một lựa chọn không thể đảo ngược của nước ta, nhất là khi chúng ta đã ký kết 13 hiệp định thương mại tự do, trong đó có những hiệp định với các tiêu chuẩn cao như CPTPP và EVFTA.
Thế nhưng, bức tranh Hội nhập không phải là màu hồng do những nguyên nhân từ chủ quan đến khách quan. Trong đó, nông sản thường là hàng hóa dễ tổn thương nhất khi có xáo trộn, đối đầu trên thế giới.
Phát biểu đề dẫn tại Hội thảo “CPTPP: Cơ hội và thách thức cho nông sản Việt”, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh bày tỏ ấn tượng với khẩu hiệu của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam: “Đoàn kết – Đổi mới – Chủ động – Hội nhập – Phát triển bền vững”. Theo Bộ trưởng, Hội nhập rõ ràng là một lựa chọn không thể đảo ngược của nước ta, nhất là khi chúng ta đã ký kết 13 hiệp định thương mại tự do, trong đó có những hiệp định với các tiêu chuẩn cao như CPTPP và EVFTA.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói, “Hội nhập kinh tế quốc tế đã được thể hiện toàn diện trong các lĩnh vực đời sống kinh tế, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, lĩnh vực đang là nơi làm việc, sinh sống của hơn 60 triệu người, chiếm hơn 64 dân số cả nước.
Đến nay, Việt Nam đã có một số ngành trong nông nghiệp phát triển thuộc hàng đi đầu trên thế giới như: xuất khẩu cà phê thứ 2 thế giới, gạo thứ 3 thế giới; xuất khẩu thủy sản đứng thứ tư thế giới; xuất khẩu đồ gỗ đứng thứ 5 thế giới…Các Hiệp định FTA, trong đó có CPTPP và EVFTA là cơ hội để tăng xuất khẩu, góp phần xây dựng nhiều ngành mũi nhọn hơn nữa cũng như nâng cao giá trị gia tăng của các ngành sản xuất nông nghiệp”.
Hiệp định CPTPP đã chính thức có hiệu lực đối với với Việt Nam từ ngày 14/1/2019. Hiệp định CPTPP là một FTA thế hệ mới, tiêu chuẩn cao, có phạm vi cam kết rộng và mức độ cam kết sâu hơn so với các cam kết khi gia nhập WTO và trong các FTA mà Việt Nam đã tham gia từ trước tới nay. CPTPP được kỳ vọng sẽ đem lại nhiều cơ hội cũng như thách thức to lớn cho Việt Nam.
Để tận dụng tốt các cơ hội và đối phó hiệu quả với các thách thức mà các FTA mang lại là vấn đề mà Chính phủ, doanh nghiệp và người dân cần sẵn sàng chuẩn bị càng sớm càng tốt. Với tinh thần đó, để triển khai và sớm đưa Hiệp định CPTPP đi vào cuộc sống, 24/1/2019, chỉ 10 ngày sau khi Hiệp định chính thức có hiệu lực đối với Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 121/QĐ-TTg về phê duyệt Kế hoạch thực hiện Hiệp định CPTPP.
“Tôi vui mừng nhận thấy, là cho đến nay gần như toàn bộ tất cả các Bộ, ngành và các tỉnh, thành tham gia Hội thảo ngày hôm nay đã hoàn tất Kế hoạch hành động và gửi cho Bộ Công Thương đăng lên trên trang thông tin điện tử chính thức của Chính phủ về Hiệp định CPTPP”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh thêm.
Chưa kể, ngày 30/6, Việt Nam và Liên minh Châu Âu đã ký kết Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA), đánh dấu thêm một cột mốc đáng nhớ nữa trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Việt Nam là quốc gia thứ hai trong ASEAN ký kết FTA với EU. Đây là kết quả của chặng đường dài, thể hiện các bước tiến lớn để đưa nước ta từ một nước đi sau, lần đầu tiên vươn lên thuộc nhóm nước đi đầu trong khu vực trong tiến trình chủ động hội nhập kinh tế quốc tế.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, việc sớm triển khai Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có ý nghĩa hết sức quan trọng. Đây là hiệp định dự kiến có tác động rất tích cực đến nền kinh tế Việt Nam, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp.
Theo hiệp định này, EU cam kết xóa bỏ thuế quan ngay khi EVFTA có hiệu lực đối với hàng hóa của Việt Nam thuộc 85,6% số dòng thuế trong biểu thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào EU.
Trong vòng 7 năm kể từ khi EVFTA có hiệu lực, EU cam kết xóa bỏ 99,2% số dòng thuế trong biểu thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào EU.
Đối với 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại (bao gồm: 1 số sản phẩm gạo, ngô ngọt, tỏi, nấm, đường và các sản phẩm chứa hàm lượng đường cao, tinh bột sắn, cá ngừ đóng hộp), EU cam kết mở cửa cho Việt Nam theo hạn ngạch thuế quan (TRQs) với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%.
Như vậy, có thể nói gần 100% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau một lộ trình ngắn. Cho đến nay, đây là mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho ta trong các hiệp định FTA đã được ký kết. Lợi ích này đặc biệt có ý nghĩa khi EU liên tục là một trong hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của ta hiện nay.
EU là một liên minh gồm 28 quốc gia ở khu vực châu Âu. Năm 2018, EU là đối tác thương mại lớn thứ 5 của Việt Nam, và là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam. Đặc điểm nổi bật trong cơ cấu xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và EU là tính bổ sung rất lớn, ít mang tính cạnh tranh đối đầu trực tiếp.
“Nói như vậy không có nghĩa là chúng ta lạc quan hoàn toàn vì ai cũng biết nông sản thường là hàng hóa dễ tổn thương nhất khi có xáo trộn, đối đầu trên thế giới. Châu Âu lại là thị trường rất khó tính, đòi hỏi các tiêu chuẩn cao cho nông sản. Tôi hi vọng, tại hội thảo này chúng ta cùng thảo luận về những vấn đề mà ngành nông nghiệp cần tập trung giải quyết để tận dụng được những lợi thế mà cả hai hiệp định CPTPP và EVFTA mang lại”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh bày tỏ hy vọng.