Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Thiếu khuôn khổ pháp lý quản lý bán hàng trên mạng xã hội và Youtube
Trong phiên trả lời chất vấn trước Quốc hội chiều 9/11, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đã giải đáp nhiều nội dung liên quan đến tình hình chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng cũng như vấn đề quản lý thương mại điện tử được nhiều đại biểu đặt câu hỏi trước đó.
Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đi cùng với nền kinh tế thị trường, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu rộng với nhiều nước trên thế giới là nguồn lợi nhuận có được từ việc buôn lậu hàng giả, hàng nhái rất cao đã khuyến khích nhiều đối tượng, tổ chức tham gia sâu vào hoạt động này.
Trong bối cảnh đó, việc đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả trở thành nhiệm vụ của cả hệ thống đòi hỏi sự đồng bộ của các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương.
Về kết quả chống hàng lậu, hàng gian lận thương mại trên môi trường trực tiếp, Bộ trưởng Bộ Công thương cho biết, trong năm 2019, 2020 lực lượng quản lý thị trường phối hợp với các lực lượng của địa phương và trung ương tập trung đánh mạnh vào các hệ thống buôn lậu được tổ chức rất tinh vi ở các vùng.
Mới đây nhất, lực lượng quản lý thị trường đã bắt một trung tâm hàng giả, hàng nhái ở Lào Cai có quy mô 10.000m2 với 200.000 chủng loại hàng hóa. Hay các trung tâm sản xuất hàng lậu, hàng giả ở Ninh Hiệp (Gia Lâm), Hải Dương rồi các trung tâm thương mại lớn chuyên buôn hàng lậu và hàng giả tại TP HCM, TP Hà Nội, Quảng Ninh… cũng bị lực lượng quản lý thị trường bắt quả tang và xử lý.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ trưởng cũng thừa nhận vẫn còn rất nhiều vấn đề cần phải tăng cường hơn nữa vai trò của lực lượng chức năng ngay từ biên giới để ngăn chặn tình trạng thẩm lậu hàng hóa vào trong nước.
"Ở biên giới, trên đất liền lực lượng quản lý thị trường phải tập trung quyết liệt hơn để đảm bảo việc đấu tranh với những hàng "nóng", hàng giả cũng như những trung tâm về hàng giả, hàng nhái" - Bộ trưởng nhấn mạnh.
Về môi trường thương mại điện tử, Bộ trưởng cũng cho rằng đây là vấn đề mới và rất phức tạp. Việc lừa đảo và gian lận thương mại trên môi trường mạng đang phát triển rất nhanh.
Nguyên nhân được Bộ trưởng chỉ ra là do thương mại điện tử hiện đang có sự tăng trưởng nhanh chóng do tính chất dễ dàng cũng như đối tượng tham gia rất lớn, đặc biệt là môi trường thương mại xuyên biên giới. Trong khi đó, hệ thống quản lý các cơ sở pháp lý của chúng ta hiện nay còn thiếu cũng như chưa có sự phối hợp trong một số cơ quan chức năng.
"Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công thương, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước đang còn thiếu khuôn khổ pháp lý để quản lý các hoạt động thương mại điện tử không chỉ trên các trang thương mại điện tử, các website thương mại điện tử mà ngay cả hoạt động bán hàng trên mạng xã hội cũng như trên Youtube"- Bộ trưởng nói.
Do đó, theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, thời gian tới, nhiệm vụ đầu tiên của Bộ Công thương là xây dựng lại Nghị định 52 trong đó xác định trách nhiệm của tất cả các cơ chế có liên quan từ đấu tranh ngăn chặn và đảm bảo thu thuế cũng như đấu tranh với gian lận thương mại điện tử gắn với các hoạt động quảng cáo cũng như giới thiệu hàng hóa trên môi trường mạng. Các Bộ ngành sẽ cùng phối hợp để triển khai trong thời gian tới.
Thứ hai, các chế tài mà chúng ta đã ban hành như Nghị định 98 và một số nghị định mới ban hành sẽ đảm bảo tính răn đe, thực hiện tốt nhiệm vụ chống buôn lậu, gian lận thương mại trên môi trường điện tử.
Thứ ba, theo Bộ trưởng, công việc không thể thiếu đó là công tác tuyên truyền pháp luật. Vì tập quán thói quen tiêu dùng của người tiêu dùng Việt đối với hàng giả, hàng nhái cũng đã có định hình trong thời gian dài.
"Đây là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị. Hy vọng rằng sẽ có sự đồng bộ trong các biện pháp chung của các lực lượng trong đó có lực lượng quản lý thị trường" - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.