Bỏ việc ngân hàng về làm nhà nông thời 4.0

07/05/2020 10:02 GMT+7
Theo anh Phạm Hồng Sơn, trong khoảng từ 5 đến 7 năm nữa, việc ứng dụng công nghệ cao với người nông dân là tất yếu, nó sẽ giải quyết được bài toán 5 không của ngành nông nghiệp, đó là không chuyên nghiệp; không công nghệ; không liên kết; không thông tin thị trường; không hỗ trợ.

Trước tác động kép tiêu cực từ dịch Covid-19 và dịch tả lợn châu Phi đến ngành chăn nuôi hiện tại, anh Phạm Hồng Sơn, Giám đốc Công ty cổ phần công nghệ phát triển nông nghiệp Việt Nam FAGO cho rằng, đây là thời cơ của những doanh nghiệp lĩnh vực chăn nuôi công nghệ cao trong việc tiếp cận và thay đổi thói quen chăn nuôi của người dân.

Bỏ việc ngân hàng về làm nhà nông thời 4.0

Tốt nghiệp khoa Tài chính ngân hàng, Trường Đại Học Công Đoàn, anh Phạm Hồng Sơn (Hưng Yên) từng làm nhân viên trong một ngân hàng thương mại tại tỉnh nhà. Trong quá trình làm việc tại đây, Sơn có cơ hội tiếp xúc với nhiều người nông dân vùng lân cận, đó là những khách hàng thường xuyên vay vốn để sản xuất kinh doanh, đầu tư cây trồng, chăn nuôi...

Năm 2017, thị trường lợn hơi trong nước xảy ra cuộc khủng hoảng thừa, khiến giá thịt sụt giảm xuống mức rất thấp, người nông dân gặp không ít điêu đứng, xã hội phải cùng chung tay "giải cứu" thịt lợn.

Chứng kiến khách hàng là những người nông dân chịu cảnh thất thu, phá sản, và mất khả năng trả nợ, Sơn nung nấu ý tưởng giúp đỡ người nông dân có giải pháp kinh doanh an toàn, hạn chế tối đa những thiệt hại trong quá trình sản xuất mang lại.

"Khi đó, tôi từ bỏ tư duy của một nhân viên ngân hàng làm công ăn lương và bắt đầu nhen nhóm những ý tưởng, mong muốn giúp đỡ người nông dân làm sao có cuộc sống ổn định, tránh lâm vào bước đường cùng, tuyệt vọng như vậy", Sơn chia sẻ.

Bỏ việc ngân hàng về làm nhà nông thời 4.0 - Ảnh 1.

Phạm Hồng Sơn - Công ty cổ phần công nghệ phát triển nông nghiệp Việt Nam FAGO.

Bắt tay thực hiện công việc này, Sơn dành 3 năm tiếp theo để nghiên cứu về hình thức, thói quen chăn nuôi của người dân. Tìm kiếm giải pháp khắc phục khó khăn, vướng mắc mà nông dân đang gặp phải dưới vai trò phó giám đốc kinh doanh của một công ty thức ăn chăn nuôi. Sau đó, chàng trai trẻ nhận ra số hóa nông nghiệp sẽ là lời giải cho những thách thức đó.

Tiếp đó, Sơn kết hợp cùng những người anh em, bạn bè chung lý tưởng "lấy lợi ích bà con nông dân làm động lực", thành lập Công ty cổ phần công nghệ phát triển nông nghiệp Việt Nam FAGO, chính thức trở thành người nông dân thời đại 4.0 để phát triển chăn nuôi công nghệ cao.

Chia sẻ về những ngày đầu khởi nghiệp, Sơn cho biết, về ứng dụng công nghệ cao vào chăn nuôi thì đó vẫn là một thách thức lớn, là năm thứ 3 gắn bó với người chăn nuôi, song anh vẫn thấy khả năng tiếp nhận của người nông dân trong công nghệ để ứng dụng vào sản xuất vẫn đang bị hạn chế rất lớn.

Thời gian đầu, Sơn gặp không ít khó khăn, bởi vấn đề không phải ai cũng đủ nguồn lực để tham gia mô hình. Làm nghề chăn nuôi không thể dùng đòn bẩy tài chính như kiểu làm bất động sản được, rủi ro lại rất cao.

Ngoài ra, để ứng dụng tốt công nghệ, thường là những người quản lý trẻ, có xu hướng sử dụng công nghệ mới tiếp thu được. Hiệu quả của công nghệ phải cần thời gian chứ không thể như thuốc tây tiêm phát khỏi nhanh, nên quá trình tiếp cận với người nông dân không được dễ dàng.

"Để giải quyết khó khăn này, tôi lựa chọn giải pháp đầu tư, tận dụng nguồn lực trí tuệ làm vốn ban đầu. Từ bạn bè xung quanh, tôi liên lạc đến với những người có chuyên môn trong từng lĩnh vực cụ thể, như công nghệ, trang trại, chăn nuôi, nông nghiệp...", Sơn nói.

Lý tưởng giúp đỡ bà con nông dân đã kết nối mọi người lại, mỗi người sử dụng chuyên môn đặc thù của mình, chung tay sản xuất ra hệ thống IOT trong trang trại quy mô nhỏ. Công ty xem hệ thống này là một lời giải cho bài toán số hóa nông nghiệp, từ sản xuất thuần túy sang việc ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp.

Hệ thống IOT xem môi trường trong trang trại là yếu tốt quan trọng nhất, nếu môi trường tốt sẽ giúp vật nuôi khỏe mạnh, lớn nhanh. Các cảm biến trong sản phẩm của Fago giúp theo dõi nhiệt độ, độ ẩm từ đó cung cấp cho người nông dân cách điều chỉnh phù hợp nhất.

"Trong thực tiễn, những khảo sát hiệu quả của chăn từ ứng dụng công nghệ có những sự khác biệt. Ví dụ vật nuôi bị chết, đột tử do thay đổi thời tiết giảm đến 60%, tăng trưởng sản xuất đầu ra về trọng lượng tăng hơn 5% so với chăn nuôi bình thường", Sơn chia sẻ.

Ứng dụng công nghệ cao là xu thế tương lai của ngành chăn nuôi

Theo anh Phạm Hồng Sơn, trong khoảng từ 5 đến 7 năm nữa, việc ứng dụng công nghệ cao với người nông dân là tất yếu, nó sẽ giải quyết được bài toán 5 không của ngành nông nghiệp, đó là không chuyên nghiệp; không công nghệ; không liên kết; không thông tin thị trường; không hỗ trợ.

Bỏ việc ngân hàng về làm nhà nông thời 4.0 - Ảnh 2.

Ứng dụng công nghệ cao vào lĩnh vực thức ăn chăn nuôi là xu hướng tất yếu.

Sơn đánh giá, một trong những vấn đề khiến thu nhập của người nông dân trở thành phập phù, khi được giá thì mất mùa - khi được mùa thì mất giá chính là thông tin hỗ trợ nhau vẫn đang yếu. Giải quyết được bài toán này thì người dân sẽ nắm bắt thông tin tốt hơn, cơ cấu hoạt động sản xuất kinh doanh chuyên nghiệp, ứng dụng khoa học công nghệ nhanh hơn, sẽ thúc đẩy được kết quả sản xuất kinh doanh.

Từ yếu tố chuyên nghiệp, bà con sẽ bắt đầu quan sát thêm thông tin thị trường, theo dõi tổng cung - cầu, những yếu tố giảm thiểu rủi ro. Từ đó, hình thành sự liên kết, trao đổi thông tin giữa những đơn vị chăn nuôi, tiếp thu những mô hình sáng tạo khác tốt hơn, ngoài cách riêng của bản thân.

Tuy nhiên, Sơn cho rằng, khi sử dụng công nghệ vào chăn nuôi, người dân cần theo dõi cho tiết mọi quá trình. Song, phần lớn nông dân lại rất ngại vấn đề này, mọi người ban đầu ghi chép số liệu cụ thể, một thời gian sau lại không theo sát quá trình, dẫn đến việc mất đi thông số để điều chỉnh quá trình ảnh hưởng đến hiệu quả sau cùng. "Đây cũng xem như là điểm khó khăn nhất cần khắc phục", Sơn cho hay.

Để hỗ trợ người dân trong quá trình tái đàn, ngoài việc tập trung mọi nguồn lực công ty đang có để đẩy nhanh quá trình tiếp cận với người dân. Sắp tới, Công ty cổ phần công nghệ phát triển nông nghiệp Việt Nam FAGO cũng triển khai kết hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hưng Yên cùng Sở Khoa học công nghệ Hưng Yên tiến hành tặng thiết bị cho 100 trang trại chăn nuôi tại tỉnh này để giúp người dân vượt qua được giai đoạn khó khăn vì dịch Covid-19 gây ra.

Quang Dân
Cùng chuyên mục