Bức tranh tài chính "u ám" của chủ dự án Khu đô mới thị Thịnh Liệt

08/10/2022 16:13 GMT+7
Dữ liệu cho thấy, Công ty TNHH MTV Nhà ở và Đô thị Licogi thuộc Tổng công ty Xây dựng và Phát triển hạ tầng (Tổng công ty Licogi) - Chủ đầu tư dự án Khu đô thị mới Thịnh Liệt làm ăn khá "u ám". Năm 2021 công ty không ghi nhận doanh thu, lãi chỉ 1 triệu đồng, trong khi nợ phải trả là 463 tỷ đồng.

Năm 2004, UBND TP.Hà Nội có quyết định thu hồi khoảng 35 ha đất tại các phường Tương Mai, Hoàng Văn Thụ, Thịnh Liệt thuộc quận Hoàng Mai, tạm giao cho Licogi tổ chức điều tra, lập phương án giải phóng mặt bằng, chuẩn bị triển khai dự án này.

Chức năng chính dự án này là các khu nhà ở đáp ứng số lượng dân khoảng 9.000 người, nghiên cứu quy hoạch gồm: biệt thự, nhà vườn, nhà ở cao tầng, công trình hỗ hợp, công trình công cộng, thương mại dịch vụ, trụ sở hành chính, trường học...

[Biz Insider] Bức tranh tài chính "u ám" của chủ dự án Khu đô mới thị Thịnh Liệt - Ảnh 1.

Xung quanh dự án bỏ hoang cỏ mọc um tùm (Ảnh: Quang Anh)

Dự án Khu Đô thị mới Thịnh Liệt ban đầu do Tổng công ty Xây dựng và Phát triển hạ tầng (Tổng công ty Licogi; UPCoM: LIC) triển khai. Sau đó Tổng công ty đã lập Công ty TNHH MTV Nhà ở và Đô thị Licogi và chuyển giao sang cho công ty này thực hiện dự án từ ngày 20/7/2016.

Dữ liệu Cổng thông tin Quốc gia về đăng ký doanh nghiệp cho biết, Công ty Nhà ở và Đô Thị Licogi thành lập vào ngày 12/4/2016. Công ty có địa chỉ tại quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội. Ngành nghề chính là kinh doanh bất động sản. Licogi hiện nắm 100% vốn của Nhà ở và Đô Thị Licogi.

Tuy nhiên, gần 2 thập kỷ trôi qua, dự án vẫn chỉ là bãi đất trống hoang hóa, nhếch nhác, cỏ mọc um tùm… Không những thế, người dân khu vực cho hay dự án này còn làm đảo lộn cuộc sống, mất kế sinh nhai của họ.

Chủ đầu tư Khu đô thị mới Thịnh Liệt - Nhà ở và Đô thị Licogi làm ăn thế nào?

Dữ liệu cho thấy giai đoạn 2017-2021, Nhà ở và Đô thị Licogi chưa ghi nhận doanh thu. Lợi nhuận năm 2017 đạt 81 triệu đồng, năm 2018 đạt 43 triệu đồng, năm 2019 tăng lên 157 triệu đồng, năm 2020 ghi nhận lãi 96 triệu đồng và đến năm 2021 lãi chỉ còn vỏn vẹn 1 triệu đồng.

Trong khi đó, nợ phải trả tăng vọt theo từng năm. Cụ thể, năm 2017 công ty nợ 153 tỷ đồng; năm 2018 nợ tăng 80% lên 275 tỷ đồng; năm 2019 nợ gần 30% lên 356 tỷ đồng; năm 2019 nợ tăng lên 411 tỷ đồng và năm 2021 nợ tăng 12,6% lên 463 tỷ đồng.

Vốn chủ sở hữu giai đoạn 2017-2021 là 400 tỷ đồng.

Công ty con làm ăn bết bát nhưng tình hình tài chính của Tổng Công ty Licogi cũng không mấy tươi sáng.

Cụ thể năm 2016, Licogi ghi nhận doanh thu gần 3.000 tỷ đồng nhưng lãi sau thuế âm 436,6 tỷ đồng. Đến năm 2017, doanh thu Tổng Công ty đạt 2.606 tỷ đồng và lỗ gần 72 tỷ đồng.

Đến năm 2018, doanh thu Tổng Công ty đạt 2.600 tỷ đồng và có lãi 46,5 tỷ đồng. Năm 2019, doanh thu giảm 11,3% xuống 2.305 tỷ đồng và lỗ hơn 64 tỷ đồng. Năm 2020, doanh thu tiếp tục giảm xuống 2.187 tỷ đồng và lãi 23 tỷ đồng.

Năm 2021, mặc dù doanh thu giảm 10% nhưng lãi 103,5 tỷ đồng - đây là mức lãi cao nhất trong gần 10 năm trở lại đây.

Năm 2022, tại BCTC soát xét bán niên, doanh thu thuần Licogi 856,5 tỷ đồng, giảm 11% so với cùng kỳ năm trước, lãi sau thuế đạt 6,4 tỷ đồng, cùng kỳ lỗ 28 tỷ đồng.

[Biz Insider] Bức tranh tài chính "u ám" của chủ dự án Khu đô mới thị Thịnh Liệt - Ảnh 2.

Tại Báo cáo soát xét bán niên năm 2022 của Tổng Công ty Licogi, khoản phải thu ngắn hạn tại Ban quản lý dự án Khu đô thị Thịnh Liệt rơi vào nợ xấu với 56 tỷ đồng. Licogi cho biết, đây là khoản tạm ứng cho Ban quản lý dự án Khu đô thị mới Thịnh Liệt trong quá trình thực hiện. Ban Tổng Giám đốc Licogi đánh giá khả năng thu hồi của khoản tạm ứng này là thấp nên đã trích lập dự phòng 100% với các khoản tạm ứng đã tồn đọng từ lâu.

Bên cạnh đó, tại BCTC soát xét Công ty TNHH Kiểm toán Quốc tế iCPA - đơn vị kiểm toán của Licogi cho biết, tính đến thời điểm 01/01/2022, Tổng Công ty đã thực hiện vốn hóa lãi vay vào khoản mục “Chí phí sản xuất, kinh doanh dở dang dài hạn” của dự án Khu đô thị mới Thịnh Liệt với  giá trị lũy kế là 393,1 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2022, Tổng Công ty tiếp tục thực hiện vốn hóa lãi vay vào “Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang dài hạn” là 1,4 tỷ đồng. 

Tính tới 30/6/2022, cổ đông lớn của Licogi gồm Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) sở hữu 40,71% vốn điều lệ; Công ty TNHH Đầu tư và Kinh doanh bất động sản Khu Đông sở hữu 35% vốn điều lệ; Công ty TNHH Đầu tư Gia Cường sở hữu 19,4% vốn điều lệ; và nhóm cổ đông khác 5,05%.

Như vậy tính đến cuối tháng 6/2022, tổng giá trị chi phí lãi vay được vốn hóa của dự án này là 394,5 tỷ đồng.

Giải trình về vấn đề này Licogi cho biết, đến thời điểm hiện tại dự án vẫn đang trong trong quá trình đền bù giải phóng mặt và tiếp tục thực hiện trong thời gian tới. Theo đó, Tổng Công ty vẫn tiếp tục vốn hóa chi phí lãi vay liên quan đến dự án mà không tạm dừng vốn hóa chi phí lãi vay.

Khi lập các Công ty con là Công ty TNHH MTV nhà ở đô thị Licogi và Công ty TNHH và MTV Đầu tư và Xây dựn Licogi 2, Tổng Công ty xác định các chi phí lãi vay vốn hóa này là một phần tài sản góp vốn khi thành lập được công ty con.

Licogi cho biết, vấn đề này được khắc phục khi Công ty nhà thực hiện kinh doanh, có lợi nhuận, Tổng công ty thu hồi được vốn đã đầu tư.

Tổng công ty Licogi bị phạt và truy thu hơn 1 tỷ đồng

Cục Thuế TP. Hà Nội mới đây đã quyết định việc xử lý vi phạm hành chính về thuế đối với Tổng công ty Licogi về các hành vi vi phạm.

Về thuế GTGT, Công ty kê khai khấu trừ thuế GTGT của hóa đơn mua hàng hóa dịch vụ của doanh nghiệp bỏ địa chỉ kinh doanh; kê khai chỉ tiêu 39 đối với phần thuế GTGT đã nộp của hoạt động kinh doanh xây dựng cùng tỉnh, thành phố trực thuộc...

Thứ hai, về thuế thu nhập cá nhân, Công ty chưa thực hiện kê khai điều chỉnh tăng thuế thu nhập cá nhân phải nộp năm 2018 theo kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước. Tổng hình phạt bằng tiền là 234,68 triệu đồng. 

Ngoài ra, Công ty cũng phải nộp bổ 872,68 triệu đồng. Trong đó, 806,17 triệu đồng là số tiền thuế thu nhập cá nhân năm 2018 còn thiếu; và 66,51 tỷ đồng là tiền chậm nộp tiền thuế thu nhập cá nhân thiếu.

Tổng số tiền truy thu và nộp bổ sung là hơn 1,1 tỷ đồng.

Trên thị trường chứng khoán, đóng cửa phiên giao dịch 7/10, cổ phiếu LIC giảm 5,06% xuống 16.900 đồng/cp.

Licogi được thành lập năm 1995 trên cơ sở sắp xếp lại Liên hiệp các xí nghiệp thi công cơ giới và Công ty Xây dựng số 18. Năm 2017, cổ phiếu LIC giao dịch trên thị trường UPCoM.

Công ty hoạt động chính trong các lĩnh vực Thi công và xử lý nền móng các loại công trình, khoan nổ mìn, các công trình ngầm; Sản xuất và kinh doanh xuất nhập khẩu các sản phẩm cơ khí, vật tư, máy móc thiết bị, nguyên nhiên liệu, các chủng loại vật liệu xây dựng, công nghệ xây dựng; Đầu tư kinh doanh các dự án về nhà ở, khu đô thị, khu công nghiệp, đầu tư và kinh doanh phát triển hạ tầng kỹ thuật; Xây dựng các công trình thủy lợi, cấp thoát nước, thủy điện, nhiệt điện, bưu điện; Cung ứng và quản lý nguồn nhân lực.

An Vũ
Cùng chuyên mục