Bưởi tiến vua rớt giá thê thảm
Bưởi Đại Minh (huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái) là giống bưởi quý được phát hiện cách nay hơn 300 năm, hiện vẫn còn nhiều cây bưởi cổ trên 100 tuổi, được mệnh danh là “bưởi tiến vua” gắn với gia tộc họ Nguyễn trên vùng đất ven sông Chảy.
Chuyện rằng: Ngô Vi Lã, một đại thần cuối thời vua Lê trung hưng, do chán ghét triều đại đã suy tàn, chế độ mục ruỗng quan lại thi nhau đục khoét của dân, chiến tranh liên miên cuộc sống người dân vô cùng cực khổ, nhân một lần được triều đình cử đi thu thuế vùng phía Bắc sông Hồng, ông đóng một số thuyền lớn đưa cả gia tộc lên những chiếc thuyền đó với mục đích theo Chúa Bầu Vũ Công Mật đóng đô ở Tuyên Quang. Khi gần tới nơi thì nghe tin Chúa Bầu mất, quân tướng thất tán, ông rẽ vào sông Chảy lấy đất Đại Minh lập trang ấp và thay tên đổi họ để tránh sự truy lùng của triều đình.
Nơi đây có rừng bưởi quí, quả chỉ to hơn chiếc bát ăn cơm một chút, khi chín có màu vàng nhạt, múi đều, tôm mọng và ráo, ăn ngọt mát. Hàng năm quan lại địa phương chọn những quả đẹp để tiến vua, vì thế nên gọi là “bưởi tiến vua”.
Bưởi Đại Minh được trồng rộng rãi ở khắp huyện Yên Bình với tổng diện tích gần 400 ha, sản lượng mỗi năm trên 8.000 tấn, thu nhập của người dân khoảng 85-90 tỷ. Ngày 16/11/2016 Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp nhãn hiệu bảo hộ độc quyền “Bưởi Đại Minh” cho huyện Yên Bình. Bưởi Đại Minh là một trong 6 sản phẩm OCOP hạng 4 sao của tỉnh Yên Bái năm 2020.
Ông Nguyễn Khắc Hiếu thôn Khả Lĩnh nhà có hơn trăm gốc bưởi đều trên 40 năm, bưởi của gia đình ông thuộc loại ngon nhất vùng. Bước vào vụ thu hái năm nay ông cứ phập phồng lo giá bưởi lên xuống, ông cho hay: Gia đình tôi mỗi năm thu trên 2 vạn quả bưởi, những năm trước khi bưởi to hơn nắm tay thì thương lái đến tận vườn mua. Họ mua cả vườn, năm kia bán được 200 triệu, từ năm ngoái giá bưởi xuống, nhưng cũng bán được gần 100 triệu. Năm nay mới đầu họ trả 80 triệu, gia đình chần chừ không bán đợi giá lên. Vừa rồi họ đến trả 30 triệu, thôi cũng đành bán, nếu cứ giữ lại, đến lúc lại không bán được khi đó xôi hỏng bỏng không…
Nhiều năm trước, gia đình ông Hiếu và những gia đình ở thôn Khả Lĩnh chẳng lo chuyện bán bưởi, khách đến tận vườn, nhìn vườn bưởi ước tính lượng số quả rồi thỏa thuận giá cả, thuận mua vừa bán. Hai năm nay giá bưởi trồi sụt không biết đâu mà lần, có nhà khách đặt cọc rồi đến khi thu hái nếu giá bưởi xuống quá, thì hai bên thương lượng, nếu chủ nhà đồng ý thì họ hái, nếu không thì họ bỏ luôn số tiền đặt cọc, chịu thiệt chứ ôm cả vạn quả bưởi không bán được thì sạt nghiệp.
Những năm trước, bưởi ngon thì 50.000đ/quả, trung bình 25.000-30.000đ/quả. Muốn có bưởi ngon thì phải vào tận nhà, không mấy người mang ra đường bán. Ông Nguyễn Quốc Ân, nguyên Phó GĐ Trung tâm nước sạch-Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Yên Bái, quê xã Đại Minh biết nhà nào có bưởi ngon, nên dẫn tôi vào tận nhà mua, chứ không mua ở ngoài đường vì không đáng tin cậy.
Năm 2017, sau lễ hội bưởi lần thứ nhất tháng 11/2017, giá bưởi bình quân 20.000-30.000đ/quả, gần Tết thì không có mà mua, Lễ hội bưởi lần thứ hai ngày 2/11/2019 giá bưởi bắt đầu xuống, nhưng vào vụ bưởi năm nay thì không tin nổi giá bưởi lại xuống thê thảm chỉ còn 10.000-15.000đ/quả. Ông Hiếu ngán ngẩm: Giá bưởi rẻ như vậy nhưng không có người mua, nhiều nhà giữ vườn bưởi chờ giá lên đang đứng ngồi không yên...
Gia đình ông Tạ Minh Tân cũng ở thôn Khả Lĩnh có 500 gốc bưởi Đại Minh và bưởi Diễn mỗi năm ông bán được 600-700 triệu, từ đầu vụ đến giờ ông đã bán được khoảng 600 triệu. Ông bảo: Bưởi của gia đình tôi ngon nhất ở đây, nên người ta mua về cho Văn phòng Chính phủ và Văn phòng Quốc hội tiếp khách. Giá năm nay gia đình tôi bán 20.000-30.000đ/quả, hiện còn một ít không đáng kể. Nói rồi ông cho biết, gia đình anh Đoàn Văn Thụ người hàng xóm, vườn bưởi nhà anh Thụ năm ngoái bán được 190 triệu, năm nay chỉ bán được 50 triệu. Ông cười bảo: Cả vườn bưởi nhà anh ấy không bằng nhà tôi bán 4-5 gốc. Nhiều nhà cũng chỉ bán 10.000đ/quả thôi, nhận trái đắng mà không biết kêu ai...
Công bằng mà nói, vùng bưởi tiến vua Đại Minh không mấy nhà có bưởi ngon như gia đình ông Tạ Minh Tân, nên giữ được giá, nhiều nhà thiếu sự chăm sóc, bưởi ra bao nhiêu quả thì để bấy nhiêu. Thành ra nhiều quả hấy, lên gạo vì thiếu dinh dưỡng, khách mua phải những quả đó không còn tin bưởi Đại Minh ngon nữa. Rồi danh tiếng bưởi Đại Minh gắn cho nhiều sạp bưởi bán dọc đường, nên khách hàng không biết đâu là bưởi Đại Minh thật, đâu là giả. Một điều đáng bàn nữa, do phát triển giống bưởi Đại Minh tràn lan khắp huyện, nên vùng bưởi tiến vua không còn giữa thế độc tôn, nên giá bưởi xuống là điều dễ hiểu.
Tôi hỏi ông Nguyễn Khắc Hiếu: Một số nhà đã mua phân và rắc vôi cho vườn bưởi, còn gia đình ông vẫn chưa thấy động tĩnh gì? Ông Hiếu lắc đầu: Tôi đang nghe ngóng tình hình, nếu giá bưởi cứ như thế này thì không dám đầu tư, còn cứ đầu tư hết vào vườn bưởi không khéo lại lỗ chỏng vó, nên sợ lắm…