Các doanh nghiệp bất động sản nói ra khó khăn, vướng mắc hiện nay: Vốn hay thủ tục hành chính?

23/04/2023 20:21 GMT+7
Đa số các doanh nghiệp bất động sản nêu ra vấn đề của thị trường bất động sản hiện tại bên cạnh vướng mắc về nguồn vốn do ngân hàng siết chặt vốn vay. Cùng với đó, thị trường bất động sản sụt giảm vì thiếu hụt nguồn cung do tình trạng pháp lý khiến các dự án bị ngưng trệ.

Theo ông Trương Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tư vấn - Thương mại - Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân cho biết doanh nghiệp bất động sản này đã phát triển được 25 dự án nhà ở xã hội cho tới nay.

Trong đó, đã hoàn thành 10 dự án với khoảng 10.000 căn. Riêng tại TP.HCM, doanh nghiệp bất động sản này cũng đã hoàn thành 4.000 căn nhà ở xã hội. Bên cạnh đó, đang phát triển 15 dự án, trong đó đã triển khai xây dựng là 12 dự án và 3 dự án còn lại cũng đang xúc tiến hoàn thành xin giấy phép xây dựng, tổng số căn dự kiến là 15.000 căn.

"Vấn đề khó khăn lớn nhất mà doanh nghiệp gặp phải khi làm nhà ở xã hội là quỹ đất. Tại TP.HCM, quỹ đất công không còn nhiều, nên gây ra khó khăn lớn cho các đơn vị muốn tham gia vào phân khúc này. Bên cạnh quỹ đất, quy định dành 20% quỹ đất làm nhà ở xã hội hiện nay cũng gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp", ông Tuấn cho biết.

Một khó khăn nữa với doanh nghiệp bất động sản phát triển nhà ở xã hội là dòng vốn hỗ trợ. Từ năm 2002 đến 2022, doanh nghiệp tập trung vào việc phát triển mảng nhà ở xã hội với 10 dự án được hoàn thành, quy mô khoảng 10.000 căn. Tuy nhiên, khi gói tín dụng 30.000 tỷ đồng kết thúc, thị trường đi xuống, doanh nghiệp này đã gặp khá nhiều khó khăn.

"Thủ tục thực hiện các dự án nhà ở xã hội hiện nay cũng còn nhiều khó khăn. Thủ tục hành chính hiện nay phải 5 - 10 năm mới hoàn thành dự án. Hiện nay, để có quỹ đất làm nhà ở xã hội, thời gian lâu và vướng mắc. Cần có sự đột phá về thủ tục hành chính ở các địa phương lớn như TP.HCM", ông Tuấn cho biết thêm.

Các doanh nghiệp bất động sản chỉ ra khó khăn, vướng mắc hiện nay - Ảnh 1.

Vướng mắc từ pháp lý và vốn là 2 khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp bất động sản

Đồng quan điểm về khó khăn từ vướng mắc pháp lý đối với doanh nghiệp bất động sản, ông Lê Quốc Bình, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM cho biết đầu tư bất động sản hiện có khó khăn lớn nhất là pháp lý với dự án bất động sản. Gần đây, khi đặt vấn đề làm thế nào để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thành phố, thì giải quyết pháp lý thông suốt cho các dự án bất động sản là hút tiền vào.

"Chúng tôi có 2 dự án từ 2009 đến 2023 đến giờ vẫn chưa đủ điều kiện pháp lý để triển khai. Cụ thể, Luật Đấu thầu yêu cầu lựa chọn nhà đầu tư, sử dụng đất thì phải đấu thầu. Trong khi đó, theo Luật Kinh doanh bất động sản, doanh nghiệp nào có đất thì là chủ đầu tư. Còn một dự án khác thì vướng tình trạng đất ở xen lẫn đất nông nghiệp. Hiện đã có quy định về xử lý đất công xen cài trong dự án thì giao cho chủ đầu tư triển khai dự án, tức về lý thuyết thì làm được. Tuy vậy, không ai dám làm, không ai ký", ông Bình cho biết.

Trước những khó khăn lớn về pháp lý và nguồn vốn, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp bất động sản kỳ vọng các chính sách, Nghị quyết từ Chính phủ sẽ giúp thị trường bất động sản hồi phục trong thời gian tới.

Theo ông Hoàng Văn Tăng, Tổng giám đốc Tổng Đầu tư Phát triển Xây dựng, khó khăn với thị trường bất động sản thì ai cũng đã nhìn thấy, các doanh nghiệp cũng đã cảm nhận. Tuy nhiên, giai đoạn khó khăn nhất với thị trường bất động sản sắp qua.

"Chính phủ đã nhiều lần gửi thông điệp chính thức nhằm tháo gỡ thị trường bất động sản, sau nhiều cuộc họp và chỉ đạo của Chính phủ, các địa phương vào cuộc mạnh mẽ hơn. Các cuộc họp tập trung bàn giải pháp tháo gỡ cho thị trường bất động sản. Trong đó, đặc biệt là hướng đến các nhóm giải pháp, chính sách tập trung tháo gỡ vấn đề đang nóng nhất của thị trường, gồm pháp lý và vốn. Nếu tháo gỡ được vấn đề pháp lý thì nhiều dự án được giải tỏa…, nhưng trên hết là củng cố niềm tin cho thị trường", ông Tăng chia sẻ.


Thái Nguyễn
Cùng chuyên mục