Các dự án trọng điểm TP.HCM đang thực hiện đến đâu?

07/03/2023 07:11 GMT+7
Bước cuối cùng trong công tác thi công tuyến Metro số 1 vào cuối năm 2023 để chuyển giao sang công tác vận hành, khai thác trong năm 2024 đã được khởi công.

Báo cáo kinh tế - xã hội TP.HCM tháng 2/2023 phát hành đầu tháng 3/2023 cho thấy, những dự án trọng điểm của thành phố đang gấp rút đẩy nhanh tiến độ. 

Cụ thể, với Dự án tuyến đường sắt Metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên), chủ đầu tư đã khởi công xây dựng tòa nhà văn phòng Công ty vận hành và khai thác (O&M) có chức năng vận hành toàn tuyến Metro số 1 tại Depot Long Bình thành phố Thủ Đức. Diện tích xây dựng là 1.568,1 m2 với quy mô chủ yếu gồm 02 tầng với diện tích sử dụng khoảng 3.104 m2.

Đây là hạng mục đánh dấu những bước cuối cùng trong công tác thi công tuyến Metro số 1 vào cuối năm 2023 để chuyển giao sang công tác vận hành, khai thác trong năm 2024.

Các dự án trọng điểm TP.HCM thực hiện đến đâu? - Ảnh 1.

Bước cuối cùng trong công tác thi công tuyến Metro số 1 vào cuối năm 2023 để chuyển giao sang công tác vận hành, khai thác trong năm 2024 đã được khởi công. Ảnh thesaigontimes.vn

Liên quan đến dự án này, mới đây, Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản gửi Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp về việc bổ sung vốn điều lệ cho Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1 TP.HCM (đơn vị vận hành metro số 1).

Theo Văn phòng Chính phủ, xét đề xuất, kiến nghị của Bộ Tài chính và ý kiến Bộ Tư pháp, Phó Thủ tướng Lê Minh Khải có ý kiến chỉ đạo để gỡ khó cho đơn vị vận hành tuyến metro số 1.

Theo đó, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu: Bộ trưởng Bộ Tài chính trực tiếp làm việc với Bộ trưởng Bộ Tư pháp và Thủ trưởng cơ quan liên quan để trao đổi, thống nhất về cơ sở pháp lý ban hành Nghị quyết của Chính phủ về việc đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho đơn vị vận hành metro số 1 theo đề xuất của Bộ Tài chính.

Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính hoàn thiện hồ sơ trình, báo cáo đề xuất Thủ tướng Chính phủ theo quy định trước ngày 8/3. Đồng thời, Bộ Tài chính chịu trách nhiệm toàn diện về nội dung báo cáo đề xuất.

Trước đó, Bộ Tài chính đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ bổ sung vốn điều lệ cho Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1 TP.HCM - đơn vị vận hành tuyến metro số 1.

Theo Bộ Tài chính, Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1 là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước do UBND TP.HCM là chủ sở hữu. Công ty có tổng mức vốn điều lệ tại thời điểm thành lập là 14 tỉ đồng.

Các năm qua, đơn vị vận hành tuyến metro số 1 đã gặp nhiều khó khăn do thiếu kinh phí hoạt động. Theo đó, nhân viên công ty chưa được trả lương, số tiền nợ lương đến nay là hơn 2,9 tỉ đồng.

Với Dự án tuyến đường sắt đô thị số 2 Bến Thành - Tham Lương, thành phố đã cơ bản hoàn thành công tác thẩm định, phê duyệt thiết kế dự toán bồi thường và đang tiến hành đấu thầu xây lắp di dời công trình điện; dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2024 để sẵn sàng bàn giao mặt bằng cho các nhà thầu chính (thi công đoạn đi ngầm, trên cao) vào năm 2025.

Để đẩy nhanh tiến độ Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố đã yêu cầu Sở, ban, ngành, quận, huyện khẩn trương, tập trung trong công tác phối hợp, tham gia ý kiến góp ý đối với lĩnh vực phụ trách. Thành phố chuẩn bị thành lập tổ công tác chuyên trách về mỏ vật liệu xây dựng để rà soát số lượng, trữ lượng mỏ vật liệu xây dựng cùng phương án khai thác mỏ đảm bảo nguồn cung vật liệu để khởi công dự án đường vành đai 3 vào tháng 6/2023.

Thành phố cũng đã đề xuất làm tuyến đường sắt Thành phố Hồ Chí Minh - Cần Thơ, đoạn tuyến qua địa bàn thành phố có chiều dài khoảng 174km, đường khổ đôi 1.435mm, tốc độ thiết kế khoảng 190km/h cho tàu khách và 120km/h cho tàu hàng. Tổng vốn đầu tư sơ bộ của dự án trên 9 tỷ USD. Theo phương án nghiên cứu tiền khả thi, tuyến đường sắt có điểm đầu là ga An Bình (Bình Dương), điểm cuối là ga Cái Răng. Toàn tuyến có 13 nhà ga, đi qua 6 tỉnh, thành gồm Bình Dương, TP.HCM, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long và Cần Thơ.


An Vũ
Cùng chuyên mục