Các tập đoàn khách sạn Mỹ tại Trung Quốc không lo lắng về chiến tranh thương mại

05/06/2019 07:57 GMT+7
Một số CEO điều hành các khách sạn lớn, sang trọng bậc nhất nước Mỹ mới đây cho hay tại Hội nghị Khách sạn NYU (New York), rằng Mỹ đang trở thành điểm du lịch kém hấp dẫn hơn trong mắt người Trung Quốc do ảnh hưởng của căng thẳng xung đột thương mại.

Ông Jonathan Tisch, CEO khách sạn Loews chia sẻ: “Mối quan tâm lớn nhất hiện tại là việc chúng tôi tiếp tục mất đi thị phần. Lần đầu tiên trong 15 năm, lượng khách du lịch Trung Quốc đến Mỹ đã suy giảm, theo dữ liệu từ Bộ Thương mại. Mỹ không còn là điểm đến được ưa thích.”

Một điều đáng ngạc nhiên là căng thẳng thương mại Mỹ - Trung không những không đẩy các nhà điều hành khách sạn Mỹ rút khỏi Trung Quốc mà còn là động lực cho họ mở rộng phát triển trên thị trường này. Hành động ấy nhằm mục tiêu xây dựng, quảng bá và nhấn mạnh thương hiệu của họ trước khách du lịch Trung Quốc - bộ phận quan trọng và chiếm tỷ trọng lớn trong lượng khách du lịch đặt chân đến Mỹ hàng năm.

Một ví dụ điển hình, 3 tập đoàn khách sạn lớn là Marriott, Hilton và Hyatt đều tích cực mở rộng tại thị trường Trung Quốc trong năm 2019.

CEO của Hyatt, Mark Hoplamazian nhận định: “Một trong những yếu tố thúc đẩy sự phát triển của ngành du lịch Mỹ là dòng chảy du lịch nước ngoài từ Trung Quốc”. Hyatt hiện vận hành hơn 70 khách sạn tại thị trường Trung Quốc, và con số này có thể tăng đến 100 trong năm nay.

Hyatt đang nỗ lực mở rộng tại thị trường Trung Quốc, với mục tiêu sở hữu 100 khách sạn trong năm 2019

Tập đoàn khách sạn Intercontinental, chủ sở hữu của hai thương hiệu khách sạn đình đám Trung Quốc là Holiday Inn và Kimpton Hotels, cũng đang tập trung mở rộng mạng lưới khách sạn khắp quốc gia này.

“Tôi vừa kết thúc chuyến công tác Trung Quốc 2 tuần trước. Tôi đã trò chuyện với các nhà phát triển khách sạn hàng đầu đại lục. Hợp đồng khách sạn thứ 400 của chúng tôi tại Trung Quốc vừa được ký, như một động lực phát triển tại thị trường này.” CEO IHG - ông Keith Barr chia sẻ với CNBC.

Trong khi nhiều thị trường khác dấy lên lo lắng về ảnh hưởng từ chiến tranh thương mại, các nhà điều hành khách sạn lại “làm ngơ” mối quan ngại này. “Chúng tôi chưa thấy dấu hiệu gì để mà lo lắng. Chúng tôi là đối tác quan trọng của nhiều tập đoàn lớn tại Trung Quốc, những tập đoàn đang sở hữu khách sạn mang thương hiệu Mỹ. Chúng tôi tạo thêm rất nhiều việc làm tại thị trường này. Một khi người Trung Quốc tẩy chay chúng tôi, doanh nghiệp đối tác Trung Quốc, bao gồm cả những doanh nghiệp nhà nước, mới là người thực sự gánh chịu ảnh hưởng từ làn sóng chủ nghĩa dân tộc”. CEO Mark Hoplamazian của Hyatt cho hay.

Hyatt và IHG cũng đang nhìn thấy những cơ hội tại thị trường Việt Nam, điểm du lịch mới nổi và ngày càng được ưa chuộng trên toàn cầu.

“Chúng tôi đã nhìn thấy sự tăng trưởng đột biến trong ngành bất động sản nghỉ dưỡng tại Việt Nam. Rất nhiều doanh nhân từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản...đã tìm đến đây để đầu tư. Với chúng tôi, đây là dấu hiệu của một thị trường hấp dẫn và hứa hẹn” - ông Hoplamazian nhận định.

Bất động sản nghỉ dưỡng tại Việt Nam đang ngày càng thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư quốc tế

Không chỉ ngành du lịch và bất động sản nghỉ dưỡng được các nhà đầu tư để mắt, mà Việt Nam hiện đang là quốc gia hưởng lợi lớn nhất từ xung đột thương mại Mỹ Trung, theo nhận định của CNBC. Các công ty nước ngoài đang tìm cách rời Trung Quốc và đổ về Việt Nam trong nỗ lực né tránh chính sách trả đũa thuế quan giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới. Một thống kê mới đây cho thấy, GDP quý I/2019 của Việt Nam đã tăng trưởng 7,9% do đón nhận dòng vốn FDI hàng chục tỷ USD từ các nhà đầu tư nước ngoài.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục