Các ứng dụng Trung Quốc đang "bòn rút" trăm triệu USD người Mỹ như thế nào?

11/11/2019 15:32 GMT+7
Các ứng dụng có nguồn gốc Trung Quốc đang kiếm hàng trăm triệu USD từ người tiêu dùng Mỹ, một thống kê mới đây chỉ ra. Rõ ràng, những công ty công nghệ Trung Quốc đang không ngừng mở rộng thị trường ra toàn cầu bất chấp áp lực ngày càng gia tăng từ phía Mỹ.
Các ứng dụng Trung Quốc đang "bòn rút" trăm triệu USD người Mỹ như thế nào? - Ảnh 1.

Tiktok - một ứng dụng Trung Quốc thu hút lượt download kỷ lục tại Mỹ

Một dữ liệu thống kê bởi Sensor Tower chỉ ra rằng chỉ trong quý III/2019, người dùng Mỹ đã chi tới 745 triệu USD cho các ứng dụng được phát triển bởi tập đoàn Trung Quốc hoặc tập đoàn có chủ đầu tư lớn người Trung Quốc. 22% trong số 3,34 tỷ USD mà người dùng chi cho 100 ứng dụng phổ biến nhất nước Mỹ đổ vào túi các ứng dụng Trung Quốc, một con số đáng báo động về tính đại chúng của các ứng dụng này.

Thống kê được thực hiện trong 100 ứng dụng có lượt tải về và doanh thu lớn nhất trên App Store và Google Play Store trên nước Mỹ. Có 25 ứng dụng Trung Quốc lọt vào danh sách, tăng từ con số 21 ứng dụng hồi quý III/2018, trong đó đa số là các ứng dụng game và mạng trực tuyến được phát triển bởi hai công ty công nghệ Tencent và Giant. Thống kê chỉ ra xu hướng tăng chi tiêu của người dùng cho các ứng dụng, mức tăng lên tới 65% so với cùng kỳ năm ngoái. Nằm trong xu hướng đó, tỷ lệ chi tiêu cho các ứng dụng Trung Quốc cũng tăng lên đáng kể.

Như vậy, bất chấp diễn biến căng thẳng của chiến tranh thương mại, các ứng dụng Trung Quốc vẫn ngày càng phổ biến với người dùng Mỹ, đặc biệt là người dùng giới trẻ.

Hồi tháng 5/2019, Bộ Thương mại Mỹ đã đưa tập đoàn viễn thông lớn nhất toàn cầu Huawei vào danh sách đen như một động thái cảnh báo sự giám sát chặt chẽ hơn của Nhà Trắng với lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc. Mới đây, thêm nhiều công ty Trung Quốc như tập đoàn sản xuất camera giám sát lớn nhất hành tinh Hikvision, tập đoàn phát triển công nghệ giám sát ứng dụng trí tuệ nhân tạo Dahua Technology...cũng lọt danh sách đen bất chấp sự phản đối kịch liệt của Bắc Kinh. Là một phần trong danh sách đen thương mại, các thực thể này bị hạn chế nhập khẩu công nghệ và linh kiện từ doanh nghiệp Mỹ, tức gần như bị chặt đứt chuỗi cung ứng sản xuất.

Có rất nhiều nguyên nhân phía Mỹ đưa ra để bào chữa cho danh sách đen của Bộ Thương mại nước này. Trong trường hợp của Huawei, nghi vấn gián điệp và ăn cắp bí mật thương mại được Bộ Thương mại nhấn mạnh trước giới truyền thông. Còn Hikvision, Dahua Technology và 6 công ty công nghệ khác bị Mỹ cáo buộc tham gia vào các hoạt động vi phạm nhân quyền tại khu vực Tân Cương.

Một trường hợp khác là Tiktok, ứng dụng Trung Quốc thuộc sở hữu của ByteDance có lượt tải xuống kỷ lục tại Mỹ - 110 triệu lượt, mới đây đã bị các nhà lập pháp kêu gọi điều tra do quan ngại kiểm duyệt nội dung theo sự chỉ đạo chính trị từ Bắc Kinh. Sau khi Thượng nghị sĩ Marco Rubio đề nghị mở cuộc điều tra Tiktok hồi tháng 10, Ủy ban Lập pháp Mỹ CFIUS mới đây xác nhận đã thành lập tổ điều tra lật lại thương vụ Tiktok mua lại Musical.ly cách đây 2 năm. Sự bất thường rõ rệt được chỉ ra là việc trên Tiktok không xuất hiện các chủ đề nhạy cảm với Chính phủ Trung Quốc như biểu tình ở Hồng Kông hay Quảng trường Thiên An Môn. Các quan chức Mỹ lo ngại thương vụ mua lại nói trên có thể đã gây ra những rủi ro an ninh nhất định.

Ông Serkan Toto, CEO Kantan Games, một trong những công ty dẫn đầu trong ngành công nghiệp trò chơi ở Mỹ nhận định: “Người dùng Mỹ có thể không biết rằng các ứng dụng họ đang sử dụng đến từ những nhà phát triển Trung Quốc”. Và nếu có biết, “tôi nghĩ rằng đa số người dùng Mỹ cũng không quan tâm đến điều đó” - ông Serkan nói về những cảnh báo bảo mật dữ liệu mà Washington lo ngại lâu nay.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục