Cấm công ty đòi nợ sau 21h có khả thi?
Bắt đầu từ 1/1/2020, Thông tư 18/2019 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định cho vay tiêu dùng của công ty tài chính thay thế, sửa đổi chính thức có hiệu lực.
Theo Điểm đ Khoản 2 Điều 7 được sửa đổi, bổ sung như sau: Biện pháp đôn đốc, thu hồi nợ phù hợp với đặc thù của khách hàng, quy định của pháp luật và không bao gồm biện pháp đe dọa đối với khách hàng, trong đó số lần nhắc nợ tối đa 05 (năm) lần/01 (một) ngày, hình thức nhắc nợ, thời gian nhắc nợ do các bên thỏa thuận trong hợp đồng cho vay tiêu dùng nhưng phải trong khoảng thời gian từ 7 (bảy) giờ đến 21 (hai mươi mốt) giờ.
Không nhắc nợ, đòi nợ, gửi thông tin về việc thu hồi nợ của khách hàng đối với tổ chức, cá nhân không có nghĩa vụ trả nợ cho công ty tài chính, trừ trường hợp có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
Các công ty tài chính phải bảo mật thông tin khách hàng theo quy định của pháp luật.
Tại Khoản 4 Điều 10 Thông tư 18/2019 cũng quy định, công ty tài chính phải cung cấp cho khách hàng dự thảo hợp đồng cho vay tiêu dùng, giải thích chính xác, đầy đủ, trung thực các nội dung cơ bản tại hợp đồng cho vay tiêu dùng, trong đó bao gồm cả quyền và nghĩa vụ của khách hàng vay tiêu dùng, các biện pháp đôn đốc, thu hồi nợ, biện pháp xử lý trong trường hợp khách hàng không thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng cho vay tiêu dùng và có xác nhận của khách hàng về việc đã được công ty tài chính cung cấp thông tin theo quy định tại khoản này, để khách hàng xem xét, quyết định trước khi ký kết hợp đồng cho vay tiêu dùng.
Trước thực trạng đòi nợ gây nhức nhối thời gian qua, Thông tư 18 ra đời được đánh giá là rất cần thiết và hợp lý. Theo đánh giá, Thông tư mới sẽ xử lý các bất cập, vướng mắc trong quá trình thực hiện các quy định liên quan đến hoạt động cho vay tiêu dùng, bảo vệ tốt hơn quyền lợi người tiêu dùng, tạo môi trường phát triển bền vững cho các công ty tài chính. Tuy nhiên, cũng có không ít ý kiến bày tỏ về tính khả thi của Thông tư.
Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, quy định mới ra đời là rất hợp lý, bởi việc đòi nợ là vấn đề gây nhức nhối thời gian qua. Có không ít người dân phản ánh, một số công ty tài chính thực hiện đòi nợ gián tiếp qua điện thoại, email, mạng xã hội, hay trực tiếp mang tính chất quấy rối, gây phiền nhiễu, thậm chí đe dọa, khủng bố tinh thần… gây hoảng sợ, bức xúc. Không những vậy, những người không có nghĩa vụ đối với khoản nợ nhưng vẫn bị gây phiền nhiễu, thậm chí cũng bị đe dọa.
Tuy nhiên, theo ông Hiếu, quy định này cũng có kẽ hở cần bàn đến. Đó là việc khi các công ty tài chính có thể lách luật bằng cách thuê công ty khác thực hiện nhắc, đòi nợ thuê. "Trong trường hợp các đơn vị khác thực hiện việc đòi nợ không đúng theo quy định như nhắn tin, gọi điện sau 21 giờ hoặc làm phiền đến những người không có nghĩa vụ với khoản nợ khiến/ép người vay phải trả nợ; hoặc các cá nhân khác gọi điện cho khách hàng liên tục thì sẽ xử lý thế nào?", ông Hiếu bày tỏ băn khoăn.
Cũng cùng ý kiến này, ông Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Basico cho biết, hiện nhiều nước trên thế giới cũng có những quy định tương tự, thậm chí họ còn cụ thể như được nhắc nợ vào những ngày nào. Dù người vay dẫn đến mất khả năng trả nợ, phá sản cũng không thể "khủng bố", đe dọa như thời gian qua, kể cả những người thân trong họ hàng của người đi vay cũng phải hứng chịu.
Dù đánh giá cao việc ra đời của Thông tư, tuy nhiên luật sư Trương Thanh Đức cũng bày tỏ lo ngại khi áp dụng quy định vào thực tế, đặc biệt là việc chế tài xử lý sẽ rất khó khăn.
Ông Đức lấy ví dụ, trong trường hợp những số điện thoại nhắc, đòi nợ không phải của công ty mà do cá nhân hay tổ chức khác thực hiện, điện cho người vay và bạn bè, người thân đòi nợ thì ai sẽ đứng ra giải quyết, nếu không thì quy định vô tác dụng.
Việc quy định hình thức, thời gian nhắc nợ do hai bên thỏa thuận, nhưng người vay lúc nào cũng ở thế yếu, chấp nhận hay không chứ làm gì có thể thỏa thuận được với các công ty tài chính.
Theo luật sư Trương Thanh Đức, khó nhất hiện nay là không có hợp đồng mẫu, người vay là cá nhân khó có thể biết được những quy định nào nên và không nên. Do đó, cần có hợp đồng mẫu cho vay cá nhân để bảo vệ người vay. Ngoài ra, cần có quy định chung về các hình thức đòi nợ, nhắc nợ cho tất cả các hình thức cho vay trong xã hội chứ không riêng gì công ty tài chính.
Quy định tại Thông tư mới 18 chỉ có hiệu lực với các công ty tài chính, còn những hoạt động cho vay, đòi nợ của những doanh nghiệp, cá nhân khác như cầm đồ, cho vay ngang hàng... lại không thấy đề cập. Như vậy, khi các công ty tài chính thuê công ty khác đòi nợ, vi phạm những quy định tạ Thông tư 18, thì Ngân hàng Nhà nước cũng không thể xử lý những công ty đòi nợ thuê vì không quản lý những đơn vị này. Do đó, muốn giảm tình trạng khủng bố đòi nợ trong xã hội thời gian qua cần có những quy định chung, áp dụng cho mọi doanh nghiệp, cá nhân.