Kiến nghị thêm gói vay mua nhà ở xã hội lãi suất ưu đãi không quá 3%/năm

22/05/2023 22:40 GMT+7
Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội vẫn chưa thể giải ngân, nguyên nhân được chỉ ra do thiếu nguồn cung nhà ở mới. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất thêm gói tín dụng lãi suất ưu đãi không quá 3%/năm, thời gian vay không thấp hơn 25 năm để để đảm bảo với mức thu nhập.

Thực hiện Quyết định số 338/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân công nghiệp giai đoạn 2021-2030" Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đã dự kiến kế hoạch để phát triển hiệu quả các dự án nhà ở xã hội.

Trong đó, để đề án xây 1 triệu căn nhà ở xã hội của Thủ tướng hoàn thành mục tiêu tiến độ, ông Phan Văn Anh, Phó chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Việt Nam đề xuất được thí điểm xây dựng 7 dự án trên toàn quốc với trên 10.000 căn hộ, nguồn vốn của tổ chức công đoàn khoảng 3.000 tỷ đồng.

Đối với công trình nhà ở thuộc quy hoạch khu thiết chế Công đoàn, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cũng kiến nghị Chính phủ giao Bộ Xây dựng chủ trì nghiên cứu, xây dựng và trình Quốc hội xem xét, ban hành "Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội" trong đó có giao Tổng Liên đoàn trực tiếp tham gia đầu tư dự án nhà ở bằng nguồn vốn tổ chức công đoàn để cho công nhân thuê.

Kiến nghị thêm gói vay mua nhà ở xã hội lãi suất ưu đãi không quá 3%/năm - Ảnh 1.

Kiến nghị bổ sung thêm gói lãi suất ưu đãi vay mua nhà ở xã hội không quá 3%/năm (Ảnh: TN)

Bên cạnh đó, Chính phủ xem xét trình Quốc hội sửa đổi bổ sung các luật: Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản, Luật Đất đai, Luật Đầu tư công, Luật quản lý tài sản công... để đồng bộ, thống nhất ghi nhận Tổng Liên đoàn là một chủ thể đầu tư, xây dựng và quản lý vận hành khu thiết chế Công đoàn.

Tổng Liên đoàn lao động cũng kiến nghị Chính phủ sớm ban hành các Nghị định hướng dẫn thủ tục lựa chọn chủ đầu tư nhà ở xã hội, nhà ở công nhân theo hướng đơn giản hóa thủ tục.

Đặc biệt, bên cạnh gói tín dụng 120.000 tỷ đã ban hành, Chính phủ xem xét ban hành thêm gói tín dụng dành riêng cho công nhân, người lao động mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân với mức lãi suất ưu đãi không quá 3%/năm, thời gian vay không thấp hơn 25 năm để đảm bảo với mức thu nhập.

Theo Quyết định số 1729/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Tổng Liên đoàn đang phối hợp với UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương kêu gọi nhà đầu tư xây dựng nhà ở thuộc quy hoạch khu thiết chế công đoàn, dự kiến giai đoạn 2023-2025 kêu gọi tại 35 địa phương và dự kiến đến năm 2030 là 15 địa phương. Tuy nhiên, việc này phụ thuộc vào UBND tỉnh, thành phố và sự tham gia tích cực của các nhà đầu tư.

Theo Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, việc lựa chọn, chấp thuận chủ đầu tư dự án nhà ở thuộc khu quy hoạch thiết chế công đoàn phải trải qua nhiều thủ tục hành chính kéo dài dẫn đến sau hơn 02 năm kể từ khi có kết quả đánh giá và giới thiệu các nhà đầu tư của Tổng Liên đoàn đến nay mới có 02 địa phương có văn bản chấp thuận chủ đầu tư dự án là tỉnh Hà Nam và tỉnh Bình Định.

Trong đó, tại tỉnh Bình Định, UBND tỉnh đã tổ chức khởi công dự án nhà ở thuộc quy hoạch khu thiết chế Công đoàn tại Bình Định ngày 19/5/2023 với quy mô 1.498 căn hộ, dự kiến đến quý IV/2024 bàn giao căn hộ đầu tiên.

Nếu được Quốc hội thông qua nội dung Tổng Liên đoàn trực tiếp tham gia đầu tư dự án nhà ở tại khu thiết chế công đoàn để cho công nhân thuê như dự thảo tại Luật nhà ở thì Tổng Liên đoàn sẽ chủ động trong việc đầu tư và dự kiến đến năm 2030 sẽ xây dựng ít nhất tại 7 địa phương như: Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, Đà Nẵng, Đồng Nai, Bình Dương và TP.HCM.


Thái Nguyễn
Cùng chuyên mục