Cần Thơ: Các dự án du lịch sinh thái tạo nên thế mạnh thu hút đầu tư

17/04/2019 06:57 GMT+7
Với tiềm năng du lịch vốn có của địa phương cũng như việc đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, TP Cần Thơ đã và đang trở thành mảnh đất “màu mỡ” cho BĐS du lịch.

Nhiều dự án mới

Đầu tư cho du lịch sinh thái là thế mạnh của Cần Thơ, tiềm năng tự nhiên ở đây thu hút nhiều ông lớn trong ngành bất động sản ghé thăm như Tập đoàn FLC, Tập đoàn C.E.O, Tập đoàn Đất Xanh, Novaland,…

Theo như phê duyệt của UBND thành phố Cần Thơ về chủ trương đầu tư 3 dự án đầu tư xây dựng mới, dự án khu du lịch Cồn Sơn do Công ty cổ phần Toàn Cầu TMS được giao làm chủ dự án với quy mô 74,4ha tại khu vực Cồn Sơn, quận Bình Thủy. Đây là dự án triển khai khai thác thành khu vui chơi giải trí cao cấp kết hợp du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng đặc thù sông nước.

Dự án Khu du lịch Cồn Sơn với quy mô diện tích khoảng 74,4ha và có số vốn đầu tư 1570 tỷ đồng.

Bên canh đó, các dự án được giới bất động sản chú ý đầu tư như dự án Khu du lịch sinh thái Cù Lao Tân Lộc tại Cù Lao Tân Lộc, quận Thốt Nốt với quy mô diện tích khoảng 41ha, vốn đầu tư khoảng 915 tỷ đồng; dự án Khu du lịch sinh thái Phong Điền tại xã  Nhơn Ái, huyện Phong Điền với quy mô diện tích khoảng 40ha, vốn đầu tư khoảng 890 tỷ đồng; Dự án Cáp treo và Khu du lịch phường Cái Khế tại quận Ninh Kiều với quy mô diện tích khoảng 60ha, vốn đầu tư 1.500 tỷ đồng,…

UBND thành phố Cần Thơ cũng đã phê duyệt các dự án đô thị như dự án Khu đô thị mới Lô số 14A với quy mô diện tích khoảng 51ha, vốn đầu tư 1.620 tỷ đồng; dự án Khu đô thị mới Cồn Khương với quy mô diện tích khoảng 51ha, vốn đầu tư 4.900 tỷ đồng,…

Du lịch “lên ngôi”, hạ tầng được đầu tư nâng cấp

Theo thống kế của Hiệp hội Du lịch thành phố Cần Thơ, trong năm 2018, TP Cần Thơ đã đón hơn 8,4 triệu lượt khách du lịch, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm 2017, đạt 106% kế hoạch năm. Tổng nguồn thu từ du lịch năm vừa qua đạt 3.785 tỷ đồng, tăng 30,6% so với năm 2017 và đạt trên 108% kế hoạch năm.

Các doanh nghiệp lưu trú trên địa bán TP Cần Thơ cũng đã phục vụ hơn 2,6 triệu lượt khách lưu trú, tăng 21,7% so với năm 2017. Số lượt khách quốc tế lưu trú đạt trên 360 nghìn lượt khách, khách nội đạt đạt trên 2,2 triệu lượt khách.

UBND thành phố Cần Thơ đã có ban hành Chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch thành phố Cần Thơ giai đoạn 2018 – 2020 và được định hướng đến năm 2030.  Trong tương lai, ngành du lịch Cần Thơ sẽ được tăng cường đầu tư, ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch đồng thời thu hút các nhà đầu tư để khai thác tối đa tiềm năng du lịch của vùng.

Với tiềm năng phát triển du lịch trong đó nổi bật là du lịch sinh thái miệt vườn với nhiều loại cây trái, nền văn hóa đậm chất Nam Bộ, Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Cần Thơ đánh giá rất cao những dự án du lịch sinh thái

Trước đó, trong buổi làm việc với đại diện Tập đoàn Novaland và đơn vị tư tư vấn phát triển du lịch Công ty BCG (The Boston Consulting group) vào khoảng giữa tháng 3/2019, Ông Trương Quang Hoài Nam, Phó chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ cũng nhấn mạnh đến đầu tư du lịch tại khu vực ĐBSCL: “Năm 2019 là thời gian vàng để chúng ta đầu tư vào du lịch ở khu vực ĐBSCL, cho nên các nhà đầu tư cần mau chóng đầu tư vào ĐBSCL và Cần Thơ càng sớm càng tốt…”

Ông Nam cũng cho rằng những thế mạnh của ĐBSCL đã và đang hiện hữu sẽ là kích thích các nhà đầu tư. Để kết nối giao thông, UBND thành phố Cần Thơ cũng đã phê duyệt kết nối dự án mới với Quốc lộ 6. Đây là cơ hội xúc tiến đầu tư rất lớn được bắt đầu từ năm 2018.

Trong buổi họp bàn về giải pháp thúc đẩy phát triển hoạt động Cảng hàng không Quốc tế Cần Thơ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, Sở Giao thông Vận tải thành phố Cần Thơ cho biết, từ 3-5/2019, Cần Thơ sẽ có thêm 7 đường bay mới, trong đó có 2 đường bay quốc tế phục vụ cho nhu cầu đi lại của người dân. Điều này sẽ tạo điều kiện cho du lịch của thành phố phát triển cùng với đó sẽ kích thích các nhà đầu tư tìm kiếm thêm nhiều cơ hội.

Ông Võ Thành Thống, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ cho biết thêm: Phải xác định cho được những vấn đề mấu chốt ở Cần Thơ và vùng ĐBSCL, trước tiên hạ tầng du lịch, sau đó là hạ tầng giao thông. Đồng thời phải có dự báo về tính khả thi tương đối chính xác trong việc thực hiện và tổ chức thực hiện các dự án trên địa bàn và cho vùng.

Các dự án đang được xúc tiến, cơ sở hạ tầng nâng cấp cùng với tiềm năng vốn có của địa phương cho thấy, tiềm năng đầu tư vào du lịch tại Cần Thơ nói riêng và ĐBSCL nói chung sẽ là điểm mới cho thị trường bất động sản phía Nam.

Phương Thảo
Cùng chuyên mục