Căng thẳng Biển Đỏ: Xuất khẩu dệt may của Việt Nam sang châu Âu sẽ bị ảnh hưởng?

16/03/2024 15:41 GMT+7
Báo cáo ASEAN Perspectives có tiêu đề "Biển Đỏ, cảnh báo đỏ?" được phát hành bởi Bộ phận Nghiên cứu toàn cầu của HSBC đã phân tích ảnh hưởng của căng thẳng chính trị ở Biển Đỏ đối với hoạt động thương mại của ASEAN.

Gián đoạn thương mại

Theo chuyên gia của HSBC, những gián đoạn ở Biển Đỏ có vẻ giống như một rủi ro đối với các nền kinh tế ASEAN vốn đang trông đợi thương mại toàn cầu tăng trở lại. 

Chẳng hạn, một tàu chở hàng từ Singapore đến Rotterdam thường mất 26 ngày nhưng giờ bị chậm 10 ngày. Mặc dù vậy, đây chưa hẳn là trường hợp cảnh báo đỏ ngay lập tức đối với thương mại của ASEAN bởi xuất nhập khẩu của khu vực này sang châu Âu và Trung Đông cũng tương đối hạn chế. Các điểm đến chính cho xuất khẩu của khu vực là nội khối ASEAN, Trung Quốc đại lục và Mỹ.

Căng thẳng Biển Đỏ: Xuất khẩu dệt may của Việt Nam sang châu Âu sẽ bị ảnh hưởng?- Ảnh 1.

Tuy nhiên, một số sản phẩm nhất định có thể dễ bị ảnh hưởng hơn các sản phẩm khác, chẳng hạn như dệt may và da giày từ Việt Nam và xuất khẩu ô-tô của Thái Lan. Mặc dù vậy, nhìn chung, sự giới hạn của thương mại giữa ASEAN và các khu vực bị ảnh hưởng cũng giúp bảo vệ trước những gián đoạn bắt nguồn từ địa chính trị.

Các chuyên gia của HSBC cho rằng phải đánh giá được tác động với các nền kinh tế khác nhau trong ASEAN bởi những gián đoạn ở Biển Đỏ càng kéo dài, một số chuỗi cung ứng nhất định càng bị ảnh hưởng nhiều hơn.

Qua phân tích từng lĩnh vực cụ thể, dệt may và da giày Việt Nam xuất sang châu Âu là lĩnh vực cần lưu tâm.

Mặc dù Mỹ là nước nhập mặt hàng này nhiều nhất, thị phần 20% của châu Âu cũng có ý nghĩa nhất định. Những lô hàng xuất sang châu Âu chưa bị ảnh hưởng bởi gián đoạn ở Biển Đỏ, minh chứng là tháng 1 ghi nhận mức tăng 30% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, các hiệp hội thương mại cũng cảnh báo tình hình khó khăn gia tăng trong việc nhận đơn hàng từ quý II/2024 nếu căng thẳng còn kéo dài.

Trên thực tế, một số doanh nghiệp xuất khẩu đã tìm kiếm giải pháp vận tải thay thế trong bối cảnh ngày càng nhiều công ty vận tải tìm tới giữ chỗ bằng vận chuyển đường hàng không. Điều đó khiến lượng hàng vận chuyển qua đường hàng không trên tuyến Việt Nam - châu Âu trong tháng 1 tăng lên, thậm chí vượt mức 6% là ngưỡng đỉnh của năm 2023.

Tác động lên xuất khẩu nông sản của ASEAN cũng hạn chế

Đối với lĩnh vực xuất khẩu lớn của ASEAN là điện tử, tác động cũng có giới hạn. Điều may mắn là thương mại nội khối vẫn chiếm chủ yếu với thị phần lên đến 70%, cho thấy chuỗi cung ứng công nghệ đang sắp xếp lại trong lòng châu Á, từ những nước thuộc Đông Bắc Á sang Đông Nam Á.

Lượng xuất khẩu điện tử của ASEAN sang châu Âu và Trung Đông chỉ ở mức 10% mặc dù ở một số mặt hàng thì tỷ lệ này có thể cao hơn, bao gồm xuất khẩu điện thoại thông minh từ Việt Nam (15% thị phần) và điều hòa không khí từ Thái Lan (21% thị phần).

Căng thẳng Biển Đỏ: Xuất khẩu dệt may của Việt Nam sang châu Âu sẽ bị ảnh hưởng?- Ảnh 2.

Tác động lên xuất khẩu nông sản của ASEAN cũng hạn chế. Nhìn vào hai nước xuất khẩu nông nghiệp lớn, cả Việt Nam (17% thị phần) và Thái Lan (13% thị phần) đều không xuất nhiều sang EU và Trung Đông. Khoảng 60 - 70% xuất khẩu nông sản của hai nước này là phục vụ khách hàng châu Á, đặc biệt là gạo, trong đó 50% - 80% nhập khẩu gạo của các quốc gia trong khu vực đếu đến từ Việt Nam và Thái Lan.

Nhưng một số mặt hàng khác có thể bị ảnh hưởng. Gần 50% xuất khẩu cà phê của Việt Nam có điểm đến là châu Âu. Nhưng may mắn là nhu cầu của Trung Quốc gần đây gia tăng đối với nhiều loại nông sản của Việt Nam có thể dư sức bù đắp cho bất kỳ gián đoạn thương mại tiềm ẩn nào, chuyên gia HSBC đánh giá.

Tương tự, thị phần nhập khẩu của ASEAN từ EU và Trung Đông cũng không qua lớn, cao nhất cũng chỉ ở mức 20%. Trên thực tế, Trung Quốc đại lục là điểm đến đơn lẻ lớn nhất về nhập khẩu đối với mỗi nền kinh tế trong khu vực và thị phần có thể lên cao đến 35%. Mặc dù vậy, một mặt hàng cần theo dõi sát sao là dầu thô ASEAN nhập khẩu từ Trung Đông vì khu vực này đặc biệt dễ bị ảnh hưởng bởi biến động giá dầu.

Tuy tổng thị phần thương mại của ASEAN với Trung Đông thì thấp nhưng khu vực này lại nhập một lượng lớn dầu thô từ Trung Đông.

Ngoại trừ Indonesia, thị phần của các nước còn lại ít nhất lên đến trên 50%. May mắn là, dòng chảy thương mại dầu ở eo biển Hormuz không bị gián đoạn, trong khi UAE và Saudi Arabia là hai quốc gia xuất khẩu dầu nhiều nhất sang ASEAN với thị phần khổng lồ hơn 70%. Do vậy, gần 70% dầu nhập khẩu của ASEAN từ Trung Đông không bị tác động bởi những gián đoạn ở Biển Đỏ.

Mặc dù vậy, một mặt hàng cần theo dõi sát sao là dầu thô ASEAN nhập khẩu từ Trung Đông vì khu vực này đặc biệt dễ bị ảnh hưởng bởi biến động giá dầu.

Chú ý tới lạm phát

Báo cáo của HSBC cho biết, thị phần nhập khẩu của ASEAN từ EU và Trung Đông không đạt mức cao, cao nhất chỉ đạt 20%. Trong khi đó, Trung Quốc chiếm tỷ lệ lớn nhất với 35%. Dầu thô từ khu vực Trung Đông đóng vai trò quan trọng trong thương mại với ASEAN, đặc biệt là từ UAE và Saudi Arabia. 

Tuy nhiên, gần 70% tổng lượng dầu không đi qua Biển Đỏ, giảm thiểu rủi ro cho nguồn cung. Mặc dù giá dầu thế giới đang ổn định, nhưng căng thẳng ở Biển Đỏ có thể dẫn đến tăng chi phí vận chuyển, đặc biệt là đối với các quốc gia như Singapore và Thái Lan. ASEAN dễ bị tác động bởi giá năng lượng, với Philippines và Thái Lan là những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Malaysia và Indonesia cũng dễ bị tác động, tuy mức độ khác biệt. 

Xu hướng giảm lạm phát năng lượng hiện đang diễn ra, nhưng vẫn cần cảnh giác trước các biến động tiềm ẩn. Chính sách trợ giá dầu diesel, xăng và điện đang được áp dụng ở một số quốc gia như Thái Lan. Mặc dù không có dấu hiệu rõ ràng về rủi ro lớn ngay lập tức, nhưng các nhà quản lý cần duy trì sự cảnh giác đối với tình hình biến đổi khó lường trước mắt. 

Trong bối cảnh này, sự ổn định về giá cả và chu trình kinh tế cần được theo dõi chặt chẽ để đảm bảo rằng ASEAN có thể đối phó linh hoạt với bất kỳ thách thức nào có thể phát sinh.

"Tựu trung lại, chúng tôi chưa thấy rủi ro trước mắt đối với thương mại và lạm phạt nhưng vẫn cần thận trọng", báo cáo nêu.

O.L
Cùng chuyên mục