Châu Âu mắc kẹt giữa chiến tranh thương mại Mỹ - Trung

29/05/2019 17:23 GMT+7
Những căng thẳng leo thang giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ trong thời gian qua đang buộc các quốc gia khác, đặc biệt là những đồng minh của hai nền kinh tế hàng đầu thế giới, phải đưa ra lựa chọn.

Liên Minh Châu Âu - khối thương mại lớn nhất thế giới, đồng thời là đối tác thương mại hàng đầu của cả Trung Quốc và Mỹ, đang “mắc kẹt” ở giữa căng thẳng Mỹ - Trung trong bối cảnh Washington gia tăng áp lực lên Bắc Kinh và chính quyền ông Tập Cận Bình không có dấu hiệu thỏa hiệp.

“Các quốc gia Châu Âu giờ đây bị đặt vào một tình thế khó khăn, bởi quan hệ hợp tác tốt đẹp với cả Mỹ và Trung Quốc trước đó.” - Gal Luft, Giám đốc viện phân tích an ninh toàn cầu tại Washington nhận định.

Vào đầu tháng 5 vừa qua, khi xung đột thương mại nóng lên bởi hàng loạt động thái trừng phạt thuế quan và hạn chế thương mại của Mỹ, các quan chức Chính phủ Mỹ và Trung Quốc liên tục tìm kiếm sự ủng hộ của những đồng minh trên toàn thế giới, trong đó có Liên minh Châu Âu.

Ông Vương Kỳ Sơn, Phó Chủ tịch ĐCS Trung Quốc đang có chuyến thăm cấp nhà nước tại Đức và Hà Lan. Vài ngày trước đó, ông Lật Chiến Thư, Ủy viên Ban thường trực Bộ chính trị nước này vừa kết thúc chuyến công du đến Hungary, Áo và Na Uy.

Ông Vương Kỳ Sơn - cánh tay phải của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang có chuyến công du Châu Âu

Trong khi ông Vương Kỳ Sơn đang có mặt tại Đức, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng có kế hoạch đến Berlin hội đàm với Thủ tướng Angela Merkel vào thứ Sáu. Thông tin từ Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, ông Pompeo sẽ ghé thăm Hà Lan, Thụy Sĩ và Anh sau khi rời Berlin. Việc Ngoại trưởng Mỹ thăm 4 nước Châu Âu được xem như bước mở đường cho chuyến công du sắp tới của Tổng thống Trump tại Anh và Pháp trong tháng 6.

EU đang cố gắng giữ vị thế trung lập trong xung đột thương mại, khi mối quan hệ Mỹ - Trung ngày càng xấu đi cùng nhiều diễn biến căng thẳng. 

Hồi tháng 3, Thủ tướng Đức Angela Merkel từng khẳng định với nhà cầm quyền ĐCS Trung Quốc, ông Tập Cận Bình trong một cuộc gặp gỡ tại Paris, rằng Đức chưa có ý định cấm sử dụng công nghệ Huawei vì “người Châu Âu rất thực dụng và thực tế”. Dù Mỹ liên tiếp cáo buộc Huawei đe dọa an ninh quốc gia, nhưng chính quyền Tổng thống Trump lại không đưa ra được bằng chứng nào cụ thể.

Tamas Matura, Chủ tịch Trung tâm nghiên cứu Châu Á và Trung Âu cho rằng: “EU về cơ bản đồng ý với những cảnh báo và chỉ trích mà Mỹ nhằm vào Trung Quốc, nhưng không đồng ý với cách thức trừng phạt và đối đầu.”

“Các thành viên EU quan tâm đến một nền kinh tế tự do, lành mạnh và ổn định. Sự gián đoạn hợp tác từ bất cứ phía nào cũng là điều không mong muốn”.

Từ trái sang: Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel đón tiếp Chủ tịch Tập Cận Bình tại Pháp hồi tháng 3

John Seaman, nhà nghiên cứu thuộc Viện Quan hệ Quốc tế Pháp cũng đồng quan điểm khi nhận định liên minh Châu Âu chia sẻ các mối quan ngại của Mỹ về Trung Quốc, bao gồm sự cạnh tranh thương mại không lành mạnh, rủi ro an ninh, vấn đề nhân quyền và đặc biệt là sự phát triển nóng trong lĩnh vực công nghệ của quốc gia Châu Á này. “Chính quyền ông Trump đang tìm cách tận dụng quyền lực của Mỹ để cản bước Trung Quốc”.

Trước đó, các quan chức Mỹ đã cáo buộc Trung Quốc đi ngược lại cam kết chấm dứt những chính sách thương mại không phù hợp, dẫn đến động thái áp thuế 25% lên số hàng hóa trị giá 200 tỷ USD nhập khẩu từ Trung Quốc. Ở phía ngược lại, Bắc Kinh đáp trả Washington bằng lệnh trừng phạt thuế quan với số hàng hóa trị giá 60 tỷ USD của Mỹ. Việc áp đặt lệnh hạn chế thương mại lên Huawei và 70 chi nhánh của tập đoàn này cũng là một hành động gia tăng áp lực lên Bắc Kinh của chính quyền ông Trump.

Washington trong nhiều tháng vừa qua đã đồng thời gây áp lực lên các đồng minh để tạo thành một “liên minh quốc tế” quay lưng với Huawei sau những cáo buộc gián điệp, ăn cắp bí mật thương mại và vi phạm lợi ích an ninh quốc gia. Úc, New Zealand là những quốc gia đã “cấm cửa” Huawei trên thị trường. Trong khi đó, Châu Âu vẫn chưa có hành động thể hiện quan điểm của mình.

Trong chuyến công du Châu Âu tới đây, Trump và Pompeo được cho là sẽ tiếp tục gây sức ép lên các đồng minh của Mỹ ở Châu Âu, mặc cho các nhà lãnh đạo Anh, Pháp, Đức, Hà Lan khẳng định quan điểm trung lập.

Bất chấp cảnh báo từ phía Mỹ, các quan chức Châu Âu khẳng định họ có những quy tắc và tiêu chuẩn bảo mật khắt khe đối với những nhà cung cấp thiết bị viễn thông di động, và họ hoàn toàn tin tưởng vào hệ thống tiêu chuẩn này.

Rất khó để EU đứng ngoài xung đột thương mại Mỹ - Trung, nhất là khi Washington coi EU như một “mục tiêu”, một “chiến trường” còn EU lại phụ thuộc cả vào Mỹ và Trung Quốc trong nhiều lĩnh vực an ninh, kinh tế.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục