Chi tiết về đề xuất tăng gấp đôi thuế tài sản gia tăng của ông Biden

04/05/2021 16:49 GMT+7
Đề xuất đánh thuế tài sản gia tăng gần gấp đôi với những người Mỹ giàu có là nội dung trọng tâm trong Kế hoạch Gia đình Mỹ trị giá 1,8 nghìn tỷ USD của Tổng thống Joe Biden.

Trong một bài phát biểu trước Quốc hội Mỹ tuần này, Tổng thống Biden cho rằng đề xuất tăng thuế là một phần giải pháp tài chính để tài trợ cho kế hoạch Gia đình Mỹ, đồng thời nhấn mạnh những người Mỹ giàu có sẽ là người phải gánh phần thuế để đảm bảo công bằng xã hội.

Sự khác biệt giữa tăng thuế thu nhập và tăng thuế tài sản gia tăng nằm ở chỗ: đánh thuế thu nhập đồng nghĩa hầu hết mọi người Mỹ phải nộp thêm thuế, còn đánh thuế tài sản gia tăng có nghĩa chỉ những nhà đầu tư giàu có chứng kiến tài sản cá nhân tăng vọt mới phải nộp thêm thuế.

Nhưng liệu đề xuất tăng thuế tài sản gia tăng có giúp thu hẹp bất bình đẳng xã hội như những gì Tổng thống Joe Biden mong muốn hay không?

Chi tiết về đề xuất tăng gấp đôi thuế tài sản gia tăng của ông Biden - Ảnh 1.

Đề xuất đánh thuế tài sản gia tăng gần gấp đôi với những người Mỹ giàu có là nội dung trọng tâm trong Kế hoạch Gia đình Mỹ trị giá 1,8 nghìn tỷ USD của Tổng thống Joe Biden.

Để trả lời câu hỏi này, cần làm rõ khái niệm tài sản gia tăng là gì. Về mặt khái niệm, đó là phần lợi nhuận mà nhà đầu tư kiếm được từ một khoản đầu tư, chẳng hạn như trái phiếu, cổ phiếu, tiền điện tử, kim loại quý, đá quý, bất động sản… sau khi bán nó.

Như vậy, thuế tài sản gia tăng là số tiền mà nhà đầu tư phải trả cho chính phủ dựa trên lợi nhuận họ kiếm được khi bán tài sản đó.

Hiện tại, những người Mỹ giàu có đang chứng kiến lợi nhuận thu được từ các khoản đầu tư lớn hơn tương đối so với mức thuế họ phải nộp. Cụ thể, mức thuế tài sản gia tăng với tài sản sở hữu từ một năm trở lên có thể dao động từ 0-20% tùy vào nhiều yếu tố, chẳng hạn thu nhập chịu thuế. Trong khi đó, thuế suất đánh vào thuế thu nhập dao động từ mức 10%-37%, tức cao hơn đáng kể.

Ở cấp độ liên bang, Tổng thống Mỹ Joe Biden muốn tăng thuế suất tài sản gia tăng dài hạn với các hộ gia đình có thu nhập hàng năm trên 1 triệu USD. Mức thuế tăng từ 20% lên 39,6%, theo đề xuất của ông Biden. 

Tuy nhiên, do chương trình tài trợ bảo hiểm sức khỏe cho người Mỹ có tên Obamacare bao gồm 3,8% thuế tài sản đầu tư ròng cho người Mỹ. Do đó, trên thực tế, việc tăng thuế tài sản gia tăng sẽ buộc những người Mỹ giàu có đối diện khung thuế kết hợp cao nhất lên tới 43,4%.

Theo một phân tích của Mô hình Ngân sách Penn Wharton, việc tăng thuế tài sản gia tăng như đề xuất của ông Biden có thể làm giảm doanh thu ngân sách tới 33 tỷ USD trong 10 năm tiếp theo thay vì tăng thu. Nguyên nhân là do các nhà đầu tư tận dụng mọi chiến lược để giảm hóa đơn thuế từ thu nhập đầu tư. Chẳng hạn tạm dừng bán tài sản cho đến chừng nào chính sách thuế trở nên thân thiện hơn, bởi theo luật Mỹ hiện hành, nhà đầu tư không phải nộp thuế tài sản gia tăng chừng nào tài sản đó được bán đi. Hoặc một cách khác, chỉ bán tài sản vào những năm doanh nghiệp báo lỗ hoặc lãi ít để được giảm, khấu trừ thuế.

Tuy nhiên, trong trường hợp ông Biden kiện toàn được các quy định pháp lý về thuế để tránh các nhà đầu tư “lách luật” như vậy, thì Penn Wharton chỉ ra rằng đề xuất tăng thuế có thể giúp tăng thu ngân sách tới 113 tỷ USD trong 1 thập kỷ tới.

Theo ông Biden, thực tế đề xuất tăng thuế tài sản gia tăng sẽ chỉ ảnh hưởng đến 0,3% người Mỹ, những người giàu có nhất. Số tiền tăng thu ngân sách sẽ được sử dụng như một phần tài trợ cho Kế hoạch Gia đình Mỹ, bao gồm khoản chi 1 nghìn tỷ USD trong 1 thập kỷ cho các trợ cấp giáo dục, chăm sóc trẻ em, nghỉ phép có lương… cùng 800 tỷ USD khác cho các khoản tín dụng mở rộng.

Một số nhà kinh tế học cảnh báo để xuất tăng thuế như vậy sẽ là đòn giáng mạnh mẽ vào lĩnh vực tài chính, vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận nhà đầu tư. Thị trường chứng khoán Mỹ đã giảm mạnh trong phiên giao dịch đầu tiên sau khi ông Biden công bố đề xuất tăng thuế thu nhập gia tăng. Phản hồi nhận định này, ông Biden cho rằng đề xuất tăng thuế sẽ chỉ hạn chế sự bất bình đẳng thu nhập và tạo đà cho sự phục hồi kinh tế Mỹ.



NTTD
Cùng chuyên mục