Chính quyền Biden kế thừa loạt công cụ đối phó với Trung Quốc mà Trump để lại

20/01/2021 11:19 GMT+7
Đội ngũ của Tổng thống đắc cử Joe Biden hôm 19/1 tuyên bố sẽ tiếp quản chính sách kinh tế cứng rắn với Trung Quốc mà người tiền nhiệm Donald Trump đã xây dựng trong suốt 4 năm qua.

Bà Janet Yellen, người dự kiến được ông Biden lựa chọn vào vị trí Bộ trưởng Tài chính Mỹ mới đây tuyên bố Nội các của Tân Tổng thống đắc cử Biden dự kiến sẽ kế thừa di sản cứng rắn với Trung Quốc mà ông Trump theo đuổi suốt 4 năm qua, đồng thời sử dụng mọi công cụ cần thiết để đáp trả các hành vi thương mại không lành mạnh của quốc gia Đông Á này.

Các mâu thuẫn thương mại cốt lõi giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới như bán phá giá hàng hóa, trợ cấp doanh nghiệp, chuyển giao công nghệ bắt buộc, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ… sẽ là trọng tâm trong các biện pháp thương mại mà chính quyền Biden áp dụng với Trung Quốc tới đây. 

Chính quyền Biden kế thừa loạt công cụ đối phó với Trung Quốc mà Trump để lại - Ảnh 1.

Chính quyền Biden sẽ tận dụng loạt công cụ đối phó với Trung Quốc mà Trump để lại

Tân Ngoại trưởng Mỹ được Tổng thống Biden lựa chọn, ông Antony Blinken, cho biết hoàn toàn đồng thuận với quan điểm của chính quyền tiền nhiệm về chính sách cứng rắn trong vấn đề Trung Quốc vi phạm nhân quyền với người dân tộc Hồi giáo thiểu số Duy Ngô Nhĩ cũng như nhiều nhóm dân tộc khác ở Tân Cương. Ông Antony đã gửi đề xuất lên Ủy ban Quan hệ Quốc tế Thượng viện Mỹ cấm nhập khẩu sản phẩm từ Tân Cương cũng như trừng phạt các doanh nghiệp Trung Quốc có hành vi “đồng lõa” với chính phủ Bắc Kinh trong vấn đề vi phạm nhân quyền. 

Hồi tháng trước, ông Biden từng tuyên bố với tờ New York Times rằng sẽ kế thừa thỏa thuận thương mại Mỹ Trung giai đoạn 1 của ông Trump và dự kiến sẽ không lập tức thay đổi mức thuế áp lên 350 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc đã được ban hành dưới thời Trump. Tổng thống Trump trước đây đã được cả lưỡng đảng Mỹ ủng hộ trong cách tiếp cận cứng rắn với Trung Quốc. Ở những ngày cuối cùng của nhiệm kỳ, ông Trump cũng ký hàng loạt sắc lệnh nhằm củng cố di sản này, đơn cử như việc ban hành Đạo luật trách nhiệm giải trình của các công ty nước ngoài, đạo luật có khả năng loại các công ty Trung Quốc khỏi sàn niêm yết chứng khoán Mỹ nếu không tuân thủ quy tắc giám sát kiểm toán nghiêm ngặt của Mỹ trong vòng 3 năm. Mới đây nhất, hôm 18/1, ông Trump tiếp tục ký sắc lệnh hành pháp loại bỏ UAV Trung Quốc ra khỏi phi đội UAV quốc gia, đồng thời yêu cầu các cơ quan an ninh liên quan tiến hành đánh giá rủi ro từ UAV do Trung Quốc sản xuất nếu cần thiết. 

Với những động thái gần đây của chính quyền Biden, không khó để dự báo rằng căng thẳng Mỹ - Trung nhiều khả năng sẽ tiếp tục leo thang dưới thời ông Biden, khi đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ đều sẵn sàng ủng hộ các chính sách trừng phạt Trung Quốc về hành vi thương mại thiếu lành mạnh của quốc gia này.

Tuy nhiên, Nội các của ông Biden dự kiến sẽ chọn cách tiếp cận đa phương hơn thông qua kết hợp sức mạnh các đồng minh Mỹ thay vì hành động đơn phương. “Trung Quốc hiện là đối thủ cạnh tranh chiến lược của Mỹ. Nước Mỹ sẽ tăng tốc củng cố sức mạnh kinh tế thông qua đầu tư cơ sở hạ tầng, nghiên cứu và phát triển” - bà Yellen cho hay. Cũng theo bà này, các biện pháp trừng phạt thuế quan đã được chính quyền Trump áp dụng vẫn sẽ là công cụ quan trọng cho Bộ Tài chính Mỹ trong vấn đề Trung Quốc.

Tân giám đốc tình báo quốc gia Avril Haines, người được ông Biden lựa chọn cũng phát đi thông điệp tương tự về chính sách mạnh tay với Trung Quốc. Bà Haines cho hay sẽ sử dụng mọi hoạt động tình báo cần thiết để hỗ trợ các cơ quan liên quan đối phó với hành vi thương mại không hợp pháp của Bắc Kinh. 


NTTD
Cùng chuyên mục