Cho phép nhập khẩu dược liệu qua cửa khẩu Chi Ma, Lạng Sơn

05/12/2019 09:03 GMT+7
Việc cho phép dược liệu nhập khẩu (NK) qua cửa khẩu Chi Ma sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các DN NK, giảm áp lực trong việc chống nhập lậu mặt hàng này qua địa bàn tỉnh Lạng Sơn cũng như tạo việc làm, ổn định đời sống cho cư dân biên giới.

Ngày 4/12, UBND tỉnh có văn bản giao Ban Quản lý Khu KTCK Đồng Đăng - Lạng Sơn gửi thư thông báo Văn phòng cửa khẩu Quảng Tây Trung Quốc, chính phủ nhân dân thành phố Sùng Tả và huyện Minh Ninh, Quảng Tây, Trung Quốc về việc Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã cho phép thực hiện việc nhập khẩu dược liệu qua cặp cửa khẩu Chi Ma (Lạng Sơn) - Ái Điểm (Trung Quốc). Đồng thời nghiên cứu, đàm phán với Trung Quốc tromg xuất khẩu thêm nhiều mặt hàng nông sản, thủy sản qua cửa khẩu này nhằm khai thác có hiệu quả cơ sở hạ tầng khu vực góp phần tạo môi trường XNK thuận lợi qua cặp cửa khẩu Chi Ma - Ái Điểm. Sở Y tế xem xét cấp phép các chủng loại được nhập khẩu. Hải quan và các cơ quan liên quan kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ chủng loại dược liệu NK đảm bảo đúng theo quy định.

 Dược liệu là mặt hàng truyền thống, chủ lực NK qua cửa khẩu Chi Ma gần 30 năm nay (từ những năm 90 của thế kỷ trước). Thống kê cho thấy, năm 2015, NK mặt hàng này là trên 34 nghìn tấn, trị giá 14,2 triệu USD; năm 2016 NK trên 7 nghìn tấn, trị giá 9,7 triệu USD; năm 2017 NK khoảng 8 nghìn tấn, trị giá 12,7 triệu USD, chiếm 27% tổng kim ngạch NK qua cửa khẩu Chi Ma (46,9 triệu USD). Xuất phát từ tính truyền thống NK, cùng với định hướng phát triển của cửa khẩu, Nhà nước và DN, Việt Nam – Trung Quốc đã đầu tư cơ sở hạ tầng kho bãi để phục vụ XNK mặt hàng này. 

Cho phép nhập khẩu dược liệu qua cửa khẩu Chi Ma, Lạng Sơn - Ảnh 1.

Hoạt động XNK tại cửa khẩu Chi Ma, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn.

Theo đó, tỉnh Lạng Sơn đã đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng: đường giao thông, điện nước, nhà làm việc của lực lượng quản lý chuyên ngành… với tổng mức đầu tư từ NSNN trên 320 tỷ đồng. Hiện nay khu vực cửa khẩu có 7 bến bãi đã được Tổng cục Hải quan công nhận là địa điểm tập kết, kiểm tra, giám sát hàng hoá XNK và 4 kho ngoại quan, đảm bảo đáp ứng nhu cầu lưu trữ, bảo quản đối với mặt hàng dược liệu NK. Hiện tại cửa khẩu Chi Ma đã được bố trí đầy đủ các lực lượng chức năng, quản lý giám sát hàng hoá theo quy định của cửa khẩu song phương gồm: Hải quan, Biên phòng, Kiểm dịch, Kho bạc. Tại đây, Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm thuộc Sở Y tế Lạng Sơn cũng đã đáp ứng đủ điều kiện về nhân lực và trang thiết bị máy móc đảm bảo công tác kiểm nghiệm, kiểm tra chất lượng các mẫu nguyên liệu thuốc bắc qua cửa khẩu. Từ năm 2019 đến nay, Trung tâm cũng đã phối hợp với Hải quan Lạng Sơn thực hiện kiểm tra 1.263 mẫu dược liệu NK, kết quả đều đạt tiêu chuẩn theo quy định.

 Tuy nhiên từ ngày 1/7/2017 khi Nghị định số 54/2017/NĐ-CP có hiệu lực, mặt hàng dược liệu không được NK qua cửa khẩu Chi Ma - Ái Điểm do tại Khoản 7, Điều 91 Nghị định này quy định thuốc, nguyên liệu làm thuốc chỉ được NK qua các cửa khẩu quốc tế, trong khi đó cửa khẩu Chi Ma chỉ là cửa khẩu chính, không phải cửa khẩu quốc tế. Quy định trên đã gây khó khăn và ảnh hưởng đến hoạt động XNK, dẫn tới kim ngạch XNK hàng hoá qua cửa khẩu Chi Ma giảm. Bên cạnh đó, cũng đã làm tăng áp lực cho công tác chống buôn lậu dược liệu qua các khu vực đường mòn biên giới trên địa bàn tỉnh. 

 Trước đó tại buổi làm việc với Đoàn Khảo sát của Bộ Y tế, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia khảo sát về nhập khẩu dược liệu qua cửa khẩu song phương Chi Ma, huyện Lộc Bình, ông Nguyễn Công Trưởng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh mong muốn nếu như Chính phủ cho phép chuyển đổi hàng dược liệu, nguyên liệu thuốc bắc qua cửa khẩu Chi Ma sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nhập khẩu mặt hàng dược liệu, giảm áp lực trong việc chống nhập lậu mặt hàng này qua địa bàn tỉnh. Việc cho phép nhập khẩu dược liệu qua cửa khẩu Chi Ma cũng là tiền đề quan trọng để tiếp tục trao đổi, đàm phán với nước bạn cho phép nhập khẩu một số mặt hàng nông, thủy sản của Việt Nam được xuất sang Trung Quốc qua cửa khẩu Chi Ma để từ đó khai thác hiệu quả hệ thống cơ sở hạ tầng khu vực cửa khẩu, tạo môi trường xuất nhập khẩu thuận lợi qua cặp cửa khẩu song phương Chi Ma (Việt Nam)- Ái Điểm (Trung Quốc).

Tuấn Minh
Tags:
Cùng chuyên mục