Chủ tịch FED Jerome Powell chưa lên tiếng, thị trường đã dậy sóng tranh cãi

23/08/2019 16:10 GMT+7
Chủ tịch FED Jerome Powell đang phải đối mặt với kỳ vọng của cả thị trường chứng khoán Mỹ với bài phát biểu trong hội nghị chuyên đề Ngân hàng Trung Ương tại Utah sắp tới. Và chắc chắn một điều, bất kỳ động thái nào của Powell cũng sẽ gây nên sự rung chuyển lớn cho nền kinh tế.

Bất kỳ hành động nào của Jerome Powell cũng gây sóng gió

Thị trường dồn sự chú ý vào bài phát biểu hôm 23.8 (giờ Mỹ) của Chủ tịch FED Jerome Powell

Theo lịch trình được công bố, ông Powell sẽ phát biểu tại hội nghị chuyên đề Jackson Hole hàng năm do FED tổ chức vào 10 giờ sáng 23.8 (giờ Mỹ). Động thái này đang được thị trường theo dõi sát sao, các nhà kinh tế tin rằng nội dung phát biểu sẽ cho thấy lập trường cũng như gợi ý những hành động tương lai của FED trong bối cảnh quan ngại suy thoái bao trùm nền kinh tế và Tổng thống Trump liên tục kêu gọi cắt giảm lãi suất tới 1%.

Không chỉ chịu áp lực bên ngoài thị trường, Chủ tịch Powell còn phải đối mặt với những quan điểm chia rẽ trong chính nội bộ FED. Biên bản cuộc họp của FOMC hôm 31.7 được công bố mới đây đã cho thấy những ý kiến trái chiều trong Ủy ban thị trường mở về việc nên hay không thực hiện đợt nới lỏng lãi suất tiếp theo vào tháng 9. Biên bản chỉ ra 2 thành viên FOMC muốn cắt giảm lãi suất tới 0,5%, 2 thành viên không đồng ý cắt giảm và một vài thành viên khác muốn mức cắt giảm ôn hòa 0,25%. Thật khó để ông Powell làm hài lòng tất cả.

Dữ liệu từ công cụ đo lường FedWatch hôm 22.8 cho thấy hơn 90% thị trường định giá cơ hội cắt giảm 0,25% lãi suất vào tháng 9, và bất cứ một hành động nào của FED đi ngược lại niềm tin đó cũng dễ dàng khiến phố Wall hoảng loạn. Nhưng một khi FED cắt giảm trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp thấp, chỉ số kinh tế tăng trưởng vững mạnh, đây sẽ là “một cái tát vào sự độc lập của FED”, theo lời ông Larry Benedict, nhà sáng lập The Opportunistic Trader.

Mark Cabana, chiến lược gia lãi suất từ Bank of Merrill Lynch cho rằng: “Jerome Powell có lẽ sẽ tỏ ra ôn hòa hơn, quan tâm hơn một chút đến triển vọng thị trường, nhưng tôi không nghĩ ông ta sẽ cam kết một sự cắt giảm lãi suất như những gì thị trường muốn nghe. Rất có thể, bài phát biểu của Powell sẽ chỉ gieo rắc nỗi thất vọng mà thôi”. 

Jerome Powell từng trấn an thị trường khi tuyên bố Ngân hàng Trung Ương sẽ có hành động phù hợp để duy trì tăng trưởng kinh tế, nhưng ông đồng thời khẳng định lần cắt giảm lãi suất hồi cuối tháng 7 vừa qua chỉ đơn giản là một sự điều chỉnh giữa chu kỳ. Thật khó để dự đoán FED sẽ làm gì với viễn cảnh kinh tế ảm đạm hiện nay, và khả năng lớn là thị trường sẽ tiếp tục dậy sóng sau bài phát biểu của ông Powell.

Những dự đoán trái chiều

Jim Cramer: FED có đủ động lực cắt giảm lãi suất

Jim Cramer nhận định FED có đủ động lực cắt giảm lãi suất trong tháng 9

Jim Cramer, nhà cựu quản lý quỹ và là nhân vật quyền lực đứng sau chuyên mục Mad Money của CNBC hôm 22.8 nhấn mạnh những dữ liệu kinh tế hiện nay là quá đủ để tạo động lực cho FED tiếp tục cắt giảm lãi suất. Nhận định được đưa ra chỉ một ngày trước bài phát biểu của chủ tịch FED Jerome Powell tại bang Utah.

“Nền kinh tế đang ở trạng thái tốt, nhưng sẽ ngày một xấu đi với những mức thuế sắp có hiệu lực trong thời gian tới. Trong trường hợp đó, việc FED nới lỏng chính sách tiền tệ sẽ có ý nghĩa như một “bảo hiểm”, đưa mức lãi suất của Mỹ tiến gần hơn với phần còn lại của thế giới”. Ông Cramer đang muốn nhắc tới mối đe dọa thuế quan với 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc và cả thuế quan với ô tô, rượu vang EU mà chính quyền Trump sẽ cân nhắc vào tháng 11 tới.

Đối diện với nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu, chi tiêu tiêu dùng của Mỹ vẫn tăng mạnh mẽ. Cramer cũng chỉ ra tut lệ thất nghiệp thấp và sự tăng trưởng doanh số bán lẻ ngoạn mục của các nhà bán lẻ như Walmart hay Target. “Nhưng có nhiều mối quan ngại đáng lo hơn chi tiêu trong nền kinh tế Mỹ” - ông nhận định. PMI sản xuất của Mỹ đã giảm xuống 49,9, dưới mức 50 điểm theo báo cáo công bố hôm 22.8. Những sự suy yếu của các nền kinh tế Châu Âu, đặc biệt là Anh, Pháp và Đức rồi sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến Mỹ, bởi EU là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ hiện nay, vượt qua cả Trung Quốc. 

“Chúng ta có thể ngủ yên khi cả thế giới bước vào suy thoái hay không? Nếu tôi là FED, tôi sẽ không đặt cược vào vùng an toàn đó. Kinh tế toàn cầu đang giảm tốc, Mỹ có vẻ là một ngoại lệ hiếm hoi. FED nên hành động để đảm bảo tình hình sẽ giữ nguyên như thế”. 

Cramer cũng lưu ý rằng mặc dù doanh số các công ty bán lẻ đang ở mức triển vọng, doanh số những cửa hàng bách hóa lại không khả quan như vậy. Các tranh cãi xoay quanh máy bay Boeing 737 Max cũng sẽ tác động xấu đến tăng trưởng GDP của Mỹ. Nhu cầu bất động sản đã giảm hơn 3% trong quý gần nhất. Tình hình kinh doanh gỗ, khí đốt, vận chuyển hàng hóa, đường sắt...cũng chậm lại. Thị trường ô tô đang đối mặt với những khó khăn lớn với nhiều mức thuế quan chồng chất. Từ ngày 1.9 tới đây, thuế quan mà ông Trump áp đặt lên lượng hàng hóa Trung Quốc trị giá 140 tỷ USD sẽ có hiệu lực. Phần 160 tỷ USD hàng hóa còn lại cũng bị đánh thuế vào 15.12 tới. Trước tình hình này, ông Trump thậm chí kêu gọi FED cắt giảm 1% lãi suất.

Hồi tháng 7, FED đã cắt giảm lãi suất 0,25%, lần cắt giảm đầu tiên kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Nhưng mức cắt giảm nhỏ giọt này là chưa đủ so với kỳ vọng của thị trường và chính quyền Trump. Các nhà đầu tư muốn thấy lãi suất vay rẻ hơn để thúc đẩy đầu tư kinh doanh. Trump thì muốn chính sách tiền tệ nới lỏng để suy yếu đồng USD, tăng cường lợi thế thương mại.

Ông Cramer cũng nhấn mạnh “thật khó mà hy vọng vào một thỏa thuận thương mại Mỹ Trung trong ngắn hạn”.

Chủ tịch FED chi nhánh Philadelphia: Không nên cắt giảm lúc này!

Chủ tịch FED chi nhánh Philadelphia Patrick Harker không nhìn thấy sự cần thiết cắt giảm lãi suất

Đối lập với quan điểm của Cramer, chủ tịch FED chi nhánh Philadelphia, ông Patrick Harker hôm 22.8 lại cho rằng mặc dù ông ủng hộ lần cắt giảm lãi suất hồi cuối tháng 7, nhưng ông không thấy lý do gì để FED tiếp tục cắt giảm lãi suất trong thời gian tới. 

Theo ông Patrick Harker, FED muốn giữ vị trí trung lập một cách thận trọng, và FED gần như đã ở vị trí trung lập ngay lúc này. “Tôi nghĩ chúng ta nên giữ nguyên vị trí này thêm một thời gian và quan sát mọi thứ diễn biến ra sao” - ông Patrick nhận định. Khi được hỏi liệu có đang nhìn thấy cơ hội cắt giảm lãi suất nào hay không, ông cũng thẳng thắn đáp lời: “Không phải lúc này”. “Thị trường lao động đang tăng trưởng mạnh, lạm phát đang tăng chậm.” 

Thực chất, ông Patrick Harker không phải thành viên bỏ phiếu của FOMC, người tác động trực tiếp đến quyết định cắt giảm lãi suất hay không. Nhưng với tư cách một Chủ tịch chi nhánh của FED, nhận định của ông Patrick ngay lập tức khiến thị trường chao đảo. Tỷ lệ định giá FED cắt giảm lãi suất trong tháng 9 đã giảm xuống chỉ còn hơn 90%, tức giảm hơn 8% so với các phiên giao dịch trước đó. 

Thùy Dung
Tags:
Cùng chuyên mục