Cận cảnh bệnh viện chậm tiến độ, đội vốn gần 2.000 tỷ ở Lạng Sơn

08/06/2019 11:50 GMT+7
Khởi công năm 2010, Dự án Bệnh viện đa khoa (BVĐK) tỉnh Lạng Sơn có tổng mức đầu tư ban đầu là 999 tỷ 881 triệu đồng, dự kiến hoàn thành đưa vào sử dụng năm 2015. Đến nay, sau 9 năm với 8 lần phê duyệt điều chỉnh dự án đầu tư, số vốn đội lên đã hơn 1.700 tỷ đồng, nhưng công trình xây dựng dân dụng có quy mô lớn nhất tỉnh Lạng Sơn này vẫn chưa thể sử dụng.

Dự án BVĐK tỉnh Lạng Sơn được xây dựng trên diện tích 25 ha ở thôn Phai Trần, xã Hoàng Đồng, TP.Lạng Sơn. Theo thiết kế, dự án có quy mô 700 giường bệnh gồm các công trình nhà chính 4 tầng, khám nội trú 15 tầng, khu kỹ thuật 5 tầng, khu đào tạo 9 tầng, nhà nghỉ dành cho người nhà bệnh nhân 5 tầng, các công trình phụ trợ, xử lý chất thải, do Sở Y tế tỉnh Lạng Sơn làm chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư ban đầu là 999 tỷ 881 triệu đồng (ngân sách trái phiếu chính phủ là 891 tỷ 907 triệu đồng, ngân sách địa phương 107 tỷ 974 triệu đồng).

Đến thời điểm 31/12/2015 (theo phê duyệt ban đầu phải hoàn thành) dự án thực hiện chậm tiến độ, các hạng mục thi công dang dở, trong khi ngân sách trung ương đã bố trí đủ vốn trái phiếu chính phủ là 891 tỷ 907 triệu đồng, ngân sách địa phương mới bố trí 10 tỷ đồng và còn thiếu 97 tỷ 974 triệu đồng.

Kiểm tra tiến độ thực hiện Dự án đầu tư xây dựng công trình Bệnh viện đa khoa tỉnh Lạng Sơn vào ngày 8/3/2019, ông Hồ Tiến Thiệu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn tiếp tục chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ. Phó Chủ tịch tỉnh yêu cầu chủ đầu tư, các nhà thầu và các đơn vị liên quan khẩn trương hoàn thiện sửa chữa, khắc phục các khiếm khuyết của các hạng mục trong tháng 3/2019, các đơn vị thiết kế, thi công nội dung phát sinh thêm trong tòa nhà xong trước 15/4/2019; hoàn thiện các hồ sơ thủ tục pháp lý trước ngày 20/3/2019, đối với các hạng mục bổ sung đã được phê duyệt hoàn thiện trước ngày 15/5/2019; chủ đầu tư phối hợp với các sở, ngành hoàn chỉnh thủ tục để thực hiện công tác giải ngân, tổ chức nghiệm thu từng phần, làm thủ tục nghiệm thu trước ngày 30/4/2019.

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Hồ Tiến Thiệu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, cho biết công trình bị chậm tiến độ nguyên nhân chính là vấn đề vốn. Lẽ ra theo lập đề án cả 2 giai đoạn đầu tư đều bằng vốn trái phiếu Chính phủ, nhưng sau bị cắt vốn Chính phủ ở giai đoạn 2, nên tỉnh phải bỏ kinh phí từ ngân sách ra, một số hạng mục chưa bố trí được vốn nên bị chậm.

Dự án BVĐK tỉnh Lạng Sơn được xây dựng trên diện tích 25 ha ở thôn Phai Trần, xã Hoàng Đồng, TP Lạng Sơn.

Trước đó, ngày 29/11/2013, UBND tỉnh Lạng Sơn phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư theo Quyết định số 1764/QĐ-UBND, tăng tổng mức đầu tư lên 1.548 tỷ 606 triệu đồng, vượt quy mô vốn trái phiếu chính phủ của Dự án theo Quyết định số 930/QĐ-TTg ngày 30/6/2009 của Thủ tướng Chính phủ (điều chỉnh hạng mục các khoa nội trú tăng từ 12 tầng lên 15 tầng, bổ sung khu nhà nghỉ dành cho người nhà bệnh nhân, điều chỉnh diện tích các phòng, khoa).

Đến nay, UBND tỉnh Lạng Sơn đã 8 lần phê duyệt điều chỉnh dự án đầu tư. Do không có vốn UBND tỉnh Lạng Sơn phê duyệt điều chỉnh thành hai giai đoạn với tổng mức đầu tư là 1.760 tỷ 917 triệu đồng, tăng so với phê duyệt lần đầu là 761 tỷ 036 triệu đồng, nhưng nhiều hạng mục vẫn dang dở.

Đến năm 2018, theo kế hoạch, Bệnh viện sẽ được di chuyển chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn I - Di chuyển trước một số khoa phòng lên hoạt động tại cơ sở mới (bắt đầu từ 26/12/2018 đến hết ngày 30/12/2018); Giai đoạn II - Di chuyển toàn bộ các khoa phòng còn lại ở cơ sở cũ lên ổn định hoạt động tại cơ sở mới. Tuy nhiên tới thời điểm hiện tại, Bệnh viện mới vẫn chưa thể đón nhận bộ phận nào hoạt động, vận hành.

Bên trong Bệnh viện vẫn ngổn ngang.

"Tỉnh đặc biệt quan tâm tới dự án này, hiện tại chúng tôi đang thúc đẩy thực hiện khẩn trương các hạng mục công trình, chờ Bộ Xây dựng là cơ quan thẩm định, nghiệm thu, phấn đấu hết năm nay (2019) sẽ đưa bệnh viện mới vào sử dụng" - ông Thiệu nói.

Trong khi chờ lãnh đạo Lạng Sơn thực hiện lời hứa về một bệnh viện to, hiện đại nhất nhì khu vực, Bệnh viện Đa khoa tỉnh hiện tại đang sử dụng thường xuyên trong tình trạng quá tải, cơ sở vật chất yếu kém, nhiều bác sỹ, kỹ thuật viên được đào tạo nhưng chưa có thiết bị máy móc vì cơ sở này chưa đáp ứng được việc lắp đặt.

(Dân Việt)
Cùng chuyên mục