Nội bộ chia rẽ nhưng FED vẫn có thể cắt giảm lãi suất 0,5%?

30/07/2019 17:22 GMT+7
Cho đến thời điểm hiện tại, đã có ít nhất 2 quan chức FED đi ngược lại quan điểm cắt giảm lãi suất của Ngân hàng Trung Ương, điều khiến cho thị trường khó khăn trong việc nắm bắt chính sách của FED trong tương lai. Trong khi đó, các nhà đầu tư kỳ vọng FED sẽ tiến hành 3 đợt cắt giảm từ nay đến cuối năm, với tổng mức cắt giảm lên tới 0,7%.

Quan chức FED chia rẽ trước thềm họp FOMC

Ít nhất 2 quan chức FED bất đồng ý kiến với chủ tịch Powell trong việc cắt giảm lãi suất

FED sẽ họp trong hai ngày 30-31.7 trước khi đưa ra bất cứ quyết định cắt giảm lãi suất nào. Một số nhà kinh tế thậm chí kỳ vọng xác suất cắt giảm tới 0,5% dựa trên mối quan ngại của FED về rủi ro suy thoái kinh tế trong tương lai. Cụ thể, theo công cụ đo lường FedWatch, có khoảng 73% kỳ vọng FED hạ lãi suất 0,25% và 27% còn lại đặt cược một tỷ lệ cắt giảm rõ rệt hơn - 0,5%.

Ethan Harris, trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế toàn cầu từ BofA cho hay: “Có vẻ như các thành viên cốt lõi của FOMC gồm Chủ tịch FED Jerome Powell, Phó Chủ tịch Richard Clarida và Chủ tịch FED chi nhánh New York John Williams đang cảm thấy buộc phải cắt giảm lãi suất vì kỳ vọng quá lớn của thị trường. Nhưng những người khác không cho rằng như vậy”.

“Những người khác” có thể kể tới chủ tịch FED chi nhánh Boston ông Rosengren - người đã thẳng thắn chia sẻ ông không nghĩ quyết định cắt giảm lãi suất lúc này là hợp lý. Hay chủ tịch FED chi nhánh Kansas, bà Esther George cũng cùng chung lập luận này. Một nhân tố khác, chủ tịch FED chi nhánh St. Louis James Bullard nhiều khả năng sẽ không chấp nhận quyết định cắt giảm lãi suất vượt quá 0,25%.

Nhiều khả năng cuộc họp của FOMC tới đây sẽ là một chuỗi tranh luận kịch liệt giữa các thành viên kể trên và nhóm nhân sự cốt lõi của FOMC, tức phe ủng hộ cắt giảm lãi suất, đứng đầu bởi Chủ tịch FED Jerome Powell. Giám đốc đầu tư quỹ phòng hộ BlackRock, ông Rick Rieder nhận định: “Mức độ sâu sắc của bất đồng sẽ tác động đáng kể đến tâm lý thị trường. Nếu các nhà đầu tư nhận thấy nhiều sự bất đồng, họ sẽ giảm kỳ vọng vào hành động của FED trong tương lai”.

Còn Scott Minerd, giám đốc đầu tư toàn cầu của Guggenheim lại cho rằng chủ tịch FED Jerome Powell chắc chắn sẽ làm mọi thứ có thể để kiềm chế những bất đồng chính kiến trong nội bộ FED; bởi “2 hoặc 3 ý kiến bất đồng sẽ gây ra sự bất ổn về chính sách tiền tệ tương lai so với những gì thị trường dự đoán”. Ông cũng nhận định nhiều khả năng ông Powell sẽ cần đến hai cánh tay đắc lực là Phó Chủ tịch FED Richard Clarida và Chủ tịch FED chi nhánh New York John Williams để thuyết phục các quan chức FED đồng thuận cắt giảm lãi suất. 

“Không phải tất cả, nhưng chắc chắn sẽ có một số quan chức FED nỗ lực đẩy tỷ lệ cắt giảm lãi suất lên tới 50% và một số không đồng ý cắt giảm. Cuối cùng, họ sẽ cố gắng thỏa hiệp và thể hiện sự nhất trí thông qua mức cắt giảm ở giữa”.

Từ trái sang: chủ tịch FED chi nhánh Kansas Esther George, Chủ tịch FED chi nhánh New York John Williams và chủ tịch Hội đồng thống đốc FED Jerome Powell

Trước đó, chủ tịch FED chi nhánh New York John Williams đã khiến thị trường dậy sóng khi phát biểu trước cuộc họp thường niên của Hiệp hội Nghiên cứu Ngân hàng Trung ương rằng tốt nhất là nên thực hiện các biện pháp phòng ngừa hơn là chờ đợi thảm họa xảy ra. Phát ngôn viên FED chi nhánh New York sau đó đã phải “chữa cháy” bằng việc khẳng định lời phát biểu này chỉ dựa trên những nghiên cứu học thuật của ông Williams, chứ không thể hiện ý chí của FED.

Ngay hôm sau, chủ tịch FED chi nhánh Boston, ông Rosengren xuất hiện trên CNBC với lời phản bác rằng không cần thiết thực hiện thêm một đợt cắt giảm lãi suất nào nữa, khi lãi suất hiện duy trì ổn định ở mức mục tiêu 2,25-2,5% và các chỉ số kinh tế đều thể hiện sự lạc quan. Còn bà Esther George, chủ tịch FED chi nhánh Kansas cũng bình luận trên tờ tạp chí phố Wall rằng đã suy xét kỹ lưỡng nhưng không tìm thấy bất cứ lý do nào cho một đợt cắt giảm lãi suất trong tháng này.

Chốt lại vấn đề, chuyên gia Ethan Harris của BofA nhận định: “Những gì FED đang làm là chưa từng xảy ra. Không có tiền lệ nào cho thấy giữa lúc kinh tế vẫn tăng trưởng theo hướng mở rộng, FED lại cắt giảm lãi suất để nới lỏng chính sách tiền tệ...Nếu có bằng chứng rõ ràng hơn về việc kinh tế Mỹ đang tổn thương vì thương chiến, cắt giảm lãi suất sẽ là điều bình thường. Nhưng những dữ liệu kinh tế lạc quan vừa công bố đã cho thấy điều ngược lại.” Đó là lý do vì sao nội bộ FED lục đục.

Không hiếm khi FED bất đồng quan điểm

Chủ tịch FED Jerome Powell từng nhiều lần tuyên bố FED sẵn sàng hành động một khi tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm tốc và những tác động tiêu cực tiềm tàng từ thương chiến có nguy cơ khiến kinh tế Mỹ bước vào suy thoái. FED sẽ “hành động phù hợp” để duy trì sự tăng trưởng kinh tế, ông Powell khẳng định.

Các nhà kinh tế từ Morgan Stanley thậm chí đang đặt cược vào tỷ lệ cắt giảm lãi suất 0,5% khi cho rằng những bất đồng quan điểm trong nội bộ FED không phải chuyện hiếm gặp. Kể từ khi ông Greenspan được bổ nhiệm giữ chức Chủ tịch FED năm 1987 đến nay, xác suất có một hoặc nhiều người bất đồng chính kiến tại các cuộc họp FOMC lên tới 37%, nhóm chuyên gia này lưu ý.

Thậm chí, trong chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ lớn nhất mà FED từng thực hiện vào giai đoạn khủng hoảng 2007-2008, những ý kiến bất đồng quan điểm, cho rằng nền kinh tế cần chính sách tiền tệ chặt chẽ hơn luôn được đưa ra tại hầu hết các cuộc họp. Nhưng FED vẫn hạ phạm vi lãi suất xuống mức 0-0,25%, thấp nhất trong lịch sử. Hay những bất đồng cũng xảy ra liên tục khi FED quyết định tăng lãi suất 9 lần trong khoảng thời gian từ năm 2015 cho đến tháng 12.2018. Động thái tăng lãi suất của FED còn khiến ông Trump vô cùng tức giận và đến giờ vẫn không thôi chỉ trích. 

Rõ ràng, có lý do để các nhà kinh tế học Morgan Stanley tin tưởng ông Jerome Powell sẽ đồng thuận cắt giảm lãi suất 0,5% bất chấp những ý kiến phản đối từ chủ tịch FED các chi nhánh.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục