Dàn cựu lãnh đạo bị khởi tố: VEAM lên tiếng, cổ phiếu bật tăng trở lại

06/08/2019 12:09 GMT+7
VEAM khẳng định hoạt động không bị ảnh hưởng tiêu cực từ những thông tin liên quan đến việc ông Trần Ngọc Hà - nguyên Chủ tịch HĐTV, Tổng giám đốc cùng 3 người khác bị khởi tố, bắt tạm giam. Sau phiên bốc hơi ngày hôm qua, cổ phiếu VEA của doanh nghiệp này đã bật tăng trở lại trong phiên giao dịch sáng nay, vốn hóa thị trường trên 78.000 tỷ.

Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam - CTCP (VEAM) đã chính thức lên tiếng về thông tin liên quan đến loạt cựu lãnh đạo, lãnh đạo đương nhiệm bị cơ quan công an khởi tố, bắt tạm giam.

Không ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động của VEAM

Theo đó, VEAM cho biết, ngày 3/8/2019, Cơ quan cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố hình sự về “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí xảy ra Tổng công ty và một số đơn vị thành viên” và khởi tố bị can đối với ông Trần Ngọc Hà, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên, nguyên Tổng Giám đốc; ông Lâm Chí Quang, nguyên Tổng Giám đốc; ông Vũ Từ Công, Phó Tổng Giám đốc; ông Nguyễn Mạnh Chung, Giám đốc Công ty TNHH Máy kéo và Máy nông nghiệp.

Các bị can bị bắt. Ảnh: Bộ Công an.

Trong thời gian vừa qua, Bộ Công Thương đã tiến hành thanh tra công tác quản lý, sử dụng vốn, tài sản; tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ; công tác tổ chức cán bộ tại Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam - CTCP (VEAM) và đã ban hành Kết luận thanh tra số 3202/KL-BCT ngày 8/5/2019.

Tại Kết luận thanh tra, Bộ Công Thương đã kiến nghị chuyển một số vụ việc sang Bộ Công an để làm rõ và xử lý trách nhiệm đối với các hành vi có dấu hiệu vi phạm về quản lý kinh tế. Việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can của Bộ Công an là về các vụ việc liên quan đến các vi phạm này.

Hiện tại, hoạt động chính của VEAM bao gồm sản xuất công nghiệp, thương mại, dịch vụ của Công ty mẹ, đầu tư tài chính dài hạn tại các công ty con và đầu tư tài chính ngắn hạn. Những vấn đề còn tồn tại về quản lý của VEAM đã liên tục được xem xét, chấn chỉnh, cải thiện ngay trong quá trình thanh tra, kiểm tra từ cuối năm 2018 đến nay.

Bên cạnh đó, VEAM cũng khẳng định hoạt động không bị ảnh hưởng tiêu cực từ những thông tin về khởi tố vụ án nói trên.

“Mục tiêu chính năm 2019 đã được Đại hội đồng cổ đông thường niên ngày 30/6/2019 thông qua sẽ đảm bảo được thực hiện thành công với kết quả tốt hơn nhờ các định hướng hoạt động và biện pháp quản trị ngày càng chuyên nghiệp và hiệu quả. Đồng thời, VEAM cũng đang thực hiện những biện pháp đảm bảo hiệu quả hoạt động ổn định dài hạn trong tương lai, đặc biệt là liên quan đến các khoản đầu tư tài chính dài hạn", thông báo của VEAM nêu rõ.

Cùng ngày, Hội đồng quản trị Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam - CTCP cũng đã ban hành Quyết định số 29/QĐ-HĐQT về việc bãi nhiệm chức danh Phó Tổng giám đốc đối với ông Vũ Từ Công. Ông Công là 1 trong những bị can bị khởi tố cùng ông Trần Ngọc Hà ngày 3/8 vừa qua.

Được biết, ngày 28/6 vừa qua, HĐQT VEAM bãi nhiệm chức danh Thành viên HĐQT với ông Trần Ngọc Hà do trong quá trình điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh, vai trò là Tổng giám đốc, ông Trần Ngọc Hà đã vi phạm một số quy định về quản lý tài chính và điều lệ của công ty.

Ngày 29/6/2019, Bộ Công Thương cũng có quyết định miễn nhiệm đại diện vốn nhà nước tại Tổng Công ty máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam - CTCP (VEAM) đối với ông Trần Ngọc Hà.

Trước đó, Bộ Công Thương đã ban hành kết luận số 3202/KL-BCT thanh tra công tác quản lý, sử dụng vốn, tài sản; tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ; công tác tổ chức cán bộ tại VEAM.

Theo kết luận của Bộ Công Thương, trong giai đoạn từ năm 2010 đến tháng 6 năm 2018, mặc dù kết quả kinh doanh hợp nhất tại VEAM hàng năm đều có lãi, tuy nhiên thu nhập chủ yếu do lợi nhuận từ các công ty liên doanh (Toyota, Honda...) mang lại. Nếu không tính số tiền lãi từ các liên doanh trên, hoạt động sản xuất kinh doanh của VEAM bị lỗ.

Bên cạnh đó, VEAM còn tự ý cho vay tính lãi, gia hạn nợ gốc và giảm lãi, miễn lãi mà không có quy định cụ thể bằng văn bản. Thậm chí một số trường hợp vay không có hợp đồng mà chỉ có giấy nhận nợ, với tổng số tiền chưa thu hồi được lên tới hơn 595 tỷ đồng.

Bên cạnh đó là việc rót vốn vào Nhà máy ôtô VEAM không thông qua Hội đồng thành viên lên tới hàng trăm tỷ đồng, không thực hiện đầy đủ việc giám sát tài chính, gây mất vốn đầu tư của VEAM 331,8 tỷ đồng.

Ngoài ra, Bộ Công Thương kết luận, việc điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh, công tác kiểm tra, giám sát thiếu chặt chẽ đối với xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh, kế hoạch tài chính hằng năm dẫn đến hoạt động của VEAM và một số đơn vị thành viên nhiều năm không hiệu quả, gây nguy cơ thất thoát vốn nhà nước, tiềm ẩn rủi ro trong hoạt động kinh doanh.

Vụ việc điển hình nhất là việc mua 3.000 bộ linh kiện xe Hyundai Mighty nhưng không có trong kế hoạch sản xuất kinh doanh của nhà máy, không được phê duyệt của HĐTV/Tổng giám đốc, theo quy định. Việc ký kết hợp đồng mua 3.000 bộ linh kiện là vượt thẩm quyền được giao; ngoài ra còn không thực hiện việc tham khảo giá và đàm phán giá theo quy định. Trách nhiệm chính thuộc về ông ông Trần Ngọc Hà (Chủ tịch VEAM giai đoạn 2011 - 2014 và là Tổng giám đốc giai đoạn 2015 - 2018) cùng HĐTV và Ban Tổng giám đốc.

Về công tác cán bộ, VEAM đã để xảy ra một loạt các sai phạm như không thực hiện đầy đủ các quy định về trình tự, thủ tục, quy chế trong công tác quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ.

Cổ phiếu bật tăng, vốn hóa đạt trên 78 ngàn tỷ đồng

Mới đây VEAM cũng đã công bố báo cáo tài chính quý II/2019. Theo đó, VEAM ghi nhận tăng trưởng trái chiều khi doanh thu giảm 33% còn 2.240 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế tăng 13% so với cùng kỳ, lên 3.418 tỷ đồng trong nửa đầu năm.

Trong đó, lợi nhuận từ công ty liên doanh, liên kết lên tới 3.318 tỷ đồng, tăng 12%. Thu nhập trên mỗi cổ phần (EPS) 6 tháng đầu năm VEAM đạt 2.558,7 đồng.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu VEM của Tổng công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) đã có phiên điều chỉnh giảm 1% ngay sau khi thông tin khởi tố cựu lãnh đạo của doanh nghiệp này được công bố. Tuy nhiên, đến phiên giao dịch buổi sáng nay (6/8), VEA đã bật tăng trở lại thêm 400 đồng/cp, tương đương với 0,7% giá trị. Vốn hóa thị trường của VEAM đạt trên 78 nghìn tỷ đồng.

Lê Thúy
Cùng chuyên mục