Mở rộng quy mô, Vingroup lãi trên 1.000 tỷ sau thuế quý I.2019

01/05/2019 09:34 GMT+7
Tập đoàn Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đạt 1.928 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, giảm 27% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, trong kỳ chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp của tập đoàn tăng nhanh do việc mở rộng quy mô hoạt động của các công ty/ngành nghề so với cùng kỳ năm trước.

Công ty cổ phần Tập đoàn Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng vừa công bố báo cáo tài chính quý I.2019, với doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của tập đoàn giảm so với cùng kỳ.

Cụ thể, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ giảm 23% trong kỳ, đạt 21.915 tỷ đồng; doanh thu thuần giảm tương ứng, còn 21.822 tỷ đồng, trong khi đó, lợi nhuận gộp giảm mạnh trên 2.000 tỷ, tương ứng mức giảm 30% so với cùng kỳ năm 2018.

Kết quả kinh doanh quý I.2019 của Vingroup

Trong kỳ, doanh thu hoạt động tài chính mang về cho Vingroup 3.439 tỷ đồng, gấp 5 lần cùng kỳ. Chưa kể, thu nhập khác cũng tăng 18%, mang về cho Vingroup 117 tỷ đồng.

Tuy nhiên, các loại chi phí như chi phí tài chính, chi phí bán hàng hay chi phí quản lý doanh nghiệp trong kỳ cũng gia tăng đáng kể.

Cụ thể, chi phí tài chính tăng 38%, lên 1.553 tỷ đồng. Riêng chi phí lãi vay chiếm tới 1.400 tỷ, tăng 50% so với cùng kỳ; Chi phí bán hàng tăng 17%; Chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 59%, lên 2.209 tỷ đồng.

Với những biến động này, quý I.2019, Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đạt 1.928 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, giảm 27% so với con số 2.654 tỷ trong cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế giảm nhẹ 2%, mang về cho Vingroup hơn 1.000 tỷ đồng, giảm 23 tỷ so với quý I.2018.

Theo giải trình của Vingroup, doanh thu thuần của tập đoàn giảm 23% so với cùng kỳ năm trước chủ yếu là do giảm doanh thu chuyển nhượng bất động sản. Giá vốn hàng bán cũng giảm tương ứng với doanh thu. Trong khi đó, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng chủ yếu do việc mở rộng quy mô hoạt động của các công ty/ngành nghề so với cùng kỳ năm trước. Điều này đã làm ảnh hưởng tới lợi nhuận của Vingroup trong kỳ vừa qua.

Báo cáo tài chính của Vingroup cho thấy, tính đến ngày 31.3.2019, tiền và các khoản tương đương tiền của tập đoàn giảm trên 6.000 tỷ, tương ứng giảm 45% so với đầu năm. Trong kỳ, Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng ghi nhận lãi phải thu từ các khoản tiền gửi ngân hàng, đặt cọc và phải thu từ cho vay lên tới 2.196 tỷ đồng, tăng từ mức 1.700 tỷ đầu năm.

Trong khi đó, các khoản phải thu ngắn hạn tăng từ 50.075 tỷ lên trên 78.463 tỷ đồng, tăng tương ứng 57%.

Ngược lại, các khoản phải thu dài hạn giảm từ 360 tỷ về 347 tỷ đồng trong kỳ. Giá trị tài sản dở dang tăng từ mức 58.529 tỷ lên 64.087 tỷ đồng trong kỳ, tăng gần 20.000 tỷ so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, dự án Vinfast có giá trị tồn kho tính đến 31.3.2019 là 30.938 tỷ đồng, tăng trên 4.000 tỷ so với đầu năm.

Tính đến cuối tháng 3, tổng tài sản của Vingroup tăng 9%, đạt xấp xỉ 314.126 tỷ đồng. Nợ phải trả tăng 12% so với đầu kỳ.

Xét về cơ cấu nguồn vốn, nợ phải trả tại Vingroup hiện đang chiếm trên 67% tổng nguồn vốn, cao hơn so với con số 65,6% của cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, nợ vay chiếm 32,6%, tương ứng với tỷ lệ nguồn vốn chủ sở hữu/ tổng nguồn vốn tập đoàn. Lợi ích của các cổ đông thiểu số chiếm 15,1% trong tổng nguồn vốn.

Khả năng thanh toán nhanh của Vingroup kỳ này đạt 0,79 lần, tăng nhẹ so với con số 0,73 lần của cùng kỳ năm trước. Khả năng thanh toán hiện hành không đổi, duy trì ở mức 1,24 lần.

Tỷ suất lợi nhuận sau thuế/tổng tài sản của tập đoàn tương ứng 0,32%, giảm 0,18% so với cùng kỳ năm 2018; lợi nhuận sau thuế chiếm 4,6% tổng doanh thu, cao hơn 1% so với con số 3,6% cùng kỳ.

Lê Thúy
Cùng chuyên mục