Đàm phán thương mại: Trung Quốc đưa ra các đề xuất chưa từng có

28/03/2019 13:22 GMT+7
Hãng Reuters dẫn nguồn từ các quan chức Mỹ cho biết Mỹ và Trung Quốc đã có thêm bước tiến về tất cả vấn đề trong các cuộc đàm phán thương mại

Đoàn đàm phán thương mại Mỹ đã tới Bắc Kinh

Hãng Reuters dẫn nguồn từ các quan chức Mỹ cho biết Mỹ và Trung Quốc đã có thêm bước tiến về tất cả vấn đề trong các cuộc đàm phán thương mại, trong đó đáng chú ý nhất là việc Trung Quốc đưa ra đề xuất chưa từng có về vấn đề chuyển giao công nghệ bắt buộc.

Hôm nay 28/3, đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin sẽ đàm phán với các quan chức Trung Quốc ở Bắc Kinh để tiến tới một thỏa thuận về thương mại nhằm chấm dứt cuộc chiến thương mại đang kéo dài.

Cuộc đàm phán ở Bắc Kinh lần này sẽ là các cuộc đàm phán trực tiếp đầu tiên trong nhiều tuần qua, sau khi hai bên lùi thời điểm tổ chức hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình – dự kiến lúc đầu là vào cuối tháng 3/2019.

Một quan chức trong đoàn đàm phán Mỹ cho biết Trung Quốc đã đưa ra các đề xuất chưa từng có trước đây, làm tăng hy vọng về một thỏa thuận sẽ đáp ứng được các yêu cầu của Mỹ về việc cải cách cấu trúc nền kinh tế Trung Quốc.

“Họ đang trao đổi về chuyển giao công nghệ bắt buộc theo một cách chưa từng có trước đây – cả về phạm vi và các chi tiết cụ thể”, nguồn tin này cho hay.

Trước đó, theo Reuters hai bên đang đàm phán về các thỏa thuận ở 6 lĩnh vực: Chuyển giao công nghệ bắt buộc, đánh cắp thông tin qua mạng, quyền sở hữu trí tuệ, dịch vụ, tiền tệ, nông nghiệp và các rào cản phi thuế quan đối với hoạt động thương mại.

“Nếu xem xét các văn bản thỏa thuận tại thời điểm 1 tháng trước và so với văn bản của ngày hôm nay, hai bên đã đạt được bước tiến ở mọi lĩnh vực. Chúng tôi vẫn chưa đạt tới thỏa thuận mà chúng tôi mong muốn”, vị quan chức này nói rõ.

“Các cuộc đàm phán có thể kéo dài tới tháng 5, tháng 6/2019, không ai biết trước được. Nó có thể diễn ra trong tháng 4/2019”, một vị quan chức cấp cao khác cho biết.  Ông này nhận định sở hữu trí tuệ và cơ chế triển khai thỏa thuận vẫn còn là những vấn đề khó giải quyết.

Minh Kỳ
Cùng chuyên mục