Trung Quốc giảm nhập khẩu, xuất khẩu nông thủy sản Việt Nam sụt giảm

09/08/2019 07:55 GMT+7
Trong 7 tháng đầu năm 2019, nhiều nông sản chủ lực của nước ta liên tục rớt giá đã đe dọa đến mục tiêu tăng trưởng ngành nông nghiệp 2019 và đặt ra nhiều bài toán chưa có lời giải đáp. Nguyên nhân một phần bị tác động bởi chiến tranh Mỹ - Trung khiến nhập khẩu của Trung Quốc sụt giảm, điều này tác động tới xuất khẩu nông thuỷ sản của Việt Nam.

 

Khi Trung Quốc giảm nhập

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc 7 tháng đầu năm 2019 tăng quá thấp, chỉ đạt 16,68 tỷ USD, tăng 0,3% (tương đương mức tăng 42,7 triệu USD).

Nguyên nhân của việc tăng quá thấp một phần đến từ nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc giảm do tình hình kinh tế trong những tháng đầu năm 2019 không khởi sắc. Xung đột thương mại Mỹ - Trung làm nhiều doanh nghiệp Trung Quốc không có đơn hàng mới, phải cắt giảm nhân công, tác động mạnh đến thu nhập và sức tiêu dùng của người dân Trung Quốc. Ngoài ra, đồng nhân dân tệ yếu đi cũng làm hàng hóa nước ngoài đắt lên tương đối.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, nhập khẩu 6 tháng đầu năm 2019 của nước này đạt 990 tỷ USD, giảm 4,3% so với cùng kỳ năm trước.

Những mặt hàng Trung Quốc giảm nhập khẩu so với cùng kỳ có: gạo (1,27 triệu tấn, trị giá 665,9 triệu USD, giảm 28,7% về lượng và 30,7% về trị giá), cá đông lạnh (2,3 tỷ USD, giảm 9,5%), cao su thiên nhiên (1,07 triệu tấn, trị giá 1,44 tỷ USD, giảm 5,2 % về lượng và 3,7% về trị giá), các sản phẩm công nghiệp như xơ sợi, máy vi tính và linh kiện, thủy tinh và các sản phẩm từ thủy tinh, giấy và các sản phẩm từ giấy, nhựa, sắt thép, kim loại thường khác.

Do vậy, Bộ Công Thương đánh giá: Không chỉ từ Việt Nam, kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc từ nhiều nước đều giảm hoặc chỉ tăng nhẹ như từ Hàn Quốc giảm 14,6%, từ Nhật Bản giảm 6,4%, từ Đài Loan giảm 7% và riêng Thái Lan tăng 0,5%.

Theo Bộ Công Thương, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam trong nửa đầu năm 2019 diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới có xu hướng tăng trưởng chậm lại do giá của một số mặt hàng giảm sau khi đã đạt ở mức cao trong các năm 2017-2018, cụ thể như nhóm nông sản.

Đi kèm theo đó là sự gia tăng các yếu tố rủi ro, thách thức do bất đồng giữa các nước lớn về định hình thương mại toàn cầu ngày càng sâu sắc, đặc biệt là xung đột thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, vấn đề Anh rời khỏi EU vẫn chưa được giải quyết, căng thẳng thương mại mới đây giữa Nhật Bản và Hàn Quốc hay rủi ro đồng nhân dân tệ sẽ tiếp tục mất giá trong thời gian tới sau tuyên bố áp thuế nhập khẩu bổ sung 10% đối với 300 tỷ USD hàng nhập khẩu của Trung Quốc từ ngày 01 tháng 9 của Tổng thống Hoa Kỳ.

Nông sản, thủy sản rủ nhau giảm

Trong 7 tháng đầu năm 2019, có tới 6/9 mặt hàng xuất khẩu chính trong nhóm hàng nông sản, thủy sản có kim ngạch xuất khẩu giảm. Do sức cạnh tranh của thị trường đến từ nhiều đối thủ cạnh tranh nên nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực mặc dù sản lượng xuất khẩu vẫn tăng nhưng giảm giá mạnh.

Cụ thể:

 

Tính chung nhóm hàng nông sản, thủy sản 7 tháng đầu năm, tác động giảm do giá đã làm giảm kim ngạch xuất khẩu 1,22 tỷ USD, trong khi tác động tăng về lượng xuất khẩu chỉ giúp tăng 288 triệu USD, không đủ bù lại tác động do giá xuất khẩu giảm.

Mặt hàng mất giá mạnh nhất là gạo. Khối lượng gạo xuất khẩu tháng 7/2019 ước đạt 651.000 tấn với giá trị đạt 285 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu gạo 7 tháng đầu năm 2019 ước đạt 4,01 triệu tấn và 1,73 tỷ USD, tăng 2,1% về khối lượng nhưng giảm 14,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018. Giá gạo xuất khẩu bình quân 6 tháng đầu năm 2019 đạt 431 USD/tấn, giảm 15% so với cùng kỳ năm 2018.

Giá xuất khẩu cà phê cũng giảm tới 11,6% so với cùng kỳ năm 2018. Cụ thể, xuất khẩu cà phê tháng 7/2019 ước đạt 157.000 tấn với giá trị đạt 253 triệu USD, lũy kế xuất khẩu cà phê 7 tháng đầu năm 2019 ước đạt 1,08 triệu tấn và 1,82 tỷ USD, giảm 8,2% về khối lượng và giảm 19,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018. Giá cà phê xuất khẩu bình quân 6 tháng đầu năm 2019 chỉ đạt 1.706 USD/tấn.

Mặt hàng hồ tiêu mức độ giảm giá còn khốc liệt hơn. Khối lượng tiêu xuất khẩu 7 tháng đầu năm ước đạt 201.000 tấn, tương đương 514 triệu USD, tăng 32,5% về lượng, nhưng lại giảm 0,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018. Giá tiêu xuất khẩu bình quân 6 tháng đầu năm chỉ đạt 2.557USD/tấn, giảm tới 25,5% so với cùng kỳ năm 2018.

Theo Bộ công thương, có nhiều nguyên nhân làm xuất khẩu nông sản, thủy sản giảm như: Tình trạng cung vượt cầu, tồn kho của thế giới ngày càng lớn của một số mặt hàng kéo giá xuất khẩu giảm trong khi lượng cũng không tăng; Chủ nghĩa bảo hộ diễn biến ngày càng rõ ràng, phức tạp hơn; Tác động của cuộc xung đột thương mại Mỹ - Trung tới xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và cả một số thị trường khác; và xuất khẩu vẫn còn khả năng tăng trưởng nhờ thị trường nước ngoài được mở rộng.

Tuy nhiên nếu không giải quyết được vấn đề về kiểm dịch động, thực vật, kiểm dịch vệ sinh an toàn chất lượng thì xuất khẩu nhóm hàng này cũng khó có đột biến.

Còn theo chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy, thời gian qua, vì mở rộng diện tích, nhóm nông sản chính trong ngành trồng trọt đang tăng mạnh về sản lượng, trong khi đó chất lượng chưa được cải thiện. Xuất khẩu sang các thị trường ngày càng khó cạnh tranh, dẫn đến giá xuất khẩu luôn luôn thấp.

Cũng cần phải nhắc lại, khoa học kĩ thuật và công nghệ cao chưa được áp dụng nhiều ở Việt nam, dẫn tới chi phí cao hơn, giảm sức cạnh tranh cũng như lợi nhuận khi nước ta xuất khẩu nông sản. Về lâu dài, hệ thống chế biến, bảo quản nông sản phải đồng bộ để đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật và chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm nghiêm ngặt.

Bên cạnh đó, cần chú trọng liên kết doanh nghiệp với doanh nghiệp, bên cạnh “liên kết 4 nhà”, từ đó thúc đẩy chuyên môn hóa, hợp tác hóa, tạo thành chuỗi dây chuyền sản xuất và xuất khẩu, tăng cường lợi thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Mai Trang
Cùng chuyên mục