Financial Times: Trước sau gì châu Âu cũng phải “hứng đòn” của Mỹ

18/05/2019 14:13 GMT+7
Một bình luận trên tờ Financial Times cho rằng dù thỏa thuận thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ có đạt được hay không thì các nước châu Âu vẫn đối diện nguy cơ bị Mỹ đánh thuế.

Các container xếp chồng lên nhau tại Khu cảng container Kwai Tsing, Hồng Kông.

Nền kinh tế châu Âu cuối cùng cũng sẽ bị ảnh hưởng trong cuộc xung đột thương mại Mỹ-Trung, bất kể kết quả của là gì hay ngay cả khi Bắc Kinh và Washington xoay sở để đạt được thỏa thuận.

Mỹ đã tăng thuế đối với hàng hóa nhập khẩu trị giá 200 tỷ USD của Trung Quốc và đe dọa sẽ đánh thuế đối với mọi loại sản phẩm khác nếu hai bên không đạt được thỏa thuận chấm dứt căng thẳng thương mại. Trung Quốc đã trả đũa vài ngày sau đó bằng cách tăng thuế đối với một loạt hàng nhập khẩu của Mỹ, từ kem đánh răng đến các bộ phận bằng bông hoặc máy bay.

Châu Âu có lý do để lo sợ một cuộc chiến toàn diện giữa Trung Quốc và Mỹ. Nhưng nền kinh tế khu vực đồng tiền euro cũng có thể bị ảnh hưởng dù hai cường quốc thương mại đạt được thỏa thuận. Sự không chắc chắn về thương mại thế giới đã gây thiệt hại cho quá trình phục hồi kinh tế châu Âu. Dự báo tăng trưởng cho năm 2019 đang được điều chỉnh trên cơ sở hàng tháng. Dự báo mới nhất GDP của EU có thể tăng 1,4% trong năm 2019, giảm từ mức dự báo 2% vào năm ngoái.

Kinh tế châu Âu dễ bị tổn thương bởi sự không chắc chắn vì điều này làm trì hoãn các quyết định đầu tư. Đức, quốc gia có nền sản xuất công nghiệp lớn và mô hình tăng trưởng dựa trên xuất khẩu, sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn các nước khác . ĐỨc có thể hầu như không tăng trưởng trong năm nay và sẽ là nền kinh tế tăng trưởng tồi tệ nhất châu Âu.

Nguy cơ leo thang một cuộc xung đột thương mại tất nhiên sẽ nguy hiểm hơn sự không chắc chắn. Châu Âu sẽ phải chịu tác động từ sự suy giảm thương mại toàn cầu, sự suy giảm của nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc. Một lần nữa, Đức lại là quốc gia dễ bị tổn thương nhất ở Châu Âu khi phụ thuộc ngày càng nhiều vào việc xuất khẩu sang Trung Quốc.

Rủi ro sẽ tắc vọt nếu Trung Quốc đối phó với cuộc chiến thuế quan bằng việc hạ lãi suất và phá giá đồng nội tệ, do đó làm tăng giá hàng hóa nhập khẩu. Theo các chuyên gia kinh tế của Bank of America, một cuộc chiến thương mại toàn diện giữa Mỹ và Trung Quốc có thể khiến nền kinh tế EU gần suy thoái vào đầu năm 2020, sau khi giảm tốc nhanh trong những tháng cuối năm 2019.

Tuy nhiên nguy cơ tồi tệ nhất vẫn còn treo lơ lửng: thuế quan của Mỹ đối với ô tô do EU sản xuất. Vấn đề lớn với của Châu Âu là nguy cơ bị đánh thuế vẫn có thể xảy ra ngay cả khi Trung Quốc và Mỹ đạt được thỏa thuận. Các quốc gia châu Âu cũng sẽ phải chia sẻ một phần trách nhiệm: Sự chia rẽ nội bộ trong vấn đề đàm phán thương mại với Mỹ và việc phụ thuộc quá lớn vào xuất khẩu.

Các quan chức châu Âu đang lo lắng không yên trước các quyết định không thể đoán trước của Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cả hai trường hợp. Nếu Mỹ và Trung Quốc không đạt được thỏa thuận kết thúc chiến tranh thương mại thì Mỹ có thể tiến hành đánh thuế ô tô của EU như một hành động cứu vớt sự thất bại đó. Ngược lại, nếu Mỹ đạt được thỏa thuận như ý với Trung Quốc, EU vẫn có thể sẽ là mặt trận mới để ông Trump tìm kiếm “một chiến thắng khác”.

Các nhà kinh tế ước tính rằng nếu ô tô bị đánh thuế, tăng trưởng GDP của EU có thể giảm tới 0,5 điểm phần trăm.

Năm ngoái, Mỹ và châu Âu dường như đã đạt được thỏa thuận. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker đã tới Washington vào tháng 7/2018. Hai bên đã nhất trí bắt đầu các cuộc đàm phán về mức thuế quan 0% đối với hàng hóa công nghiệp. Lĩnh vực nông nghiệp dường như không bao gồm trong kế hoạch này.

Nhưng ngay cả khi các quốc gia thành viên chuẩn bị đồng ý ủy thác cho Ủy ban châu Âu tham gia đàm phán, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vẫn khăng khăng rằng EU không thể ký kết các thỏa thuận thương mại với một quốc gia không tuân thủ thỏa thuận Paris về sự nóng lên toàn cầu. Triển vọng của các cuộc đàm phán thương mại trở nên xa vời.

Nếu Tổng thống Trump thực sự chuyển cơn thịnh nộ thương mại của mình sang EU trong những tháng tới, các nước châu Âu có thể sẽ lo lắng đến hoảng loạn. Mô hình tăng trưởng hiện tại của khối phụ thuộc lớn vào Đức, trong khi nền kinh tế nước này lại phụ thuộc vào thặng dư vãng lai khổng lồ với phần còn lại của thế giới - chiếm khoảng 2% GDP.

Đáng buồn là hiện giờ châu Âu lại đang đóng vai là kẻ “gây rối” trong thương mại toàn cầu giống như những gì Trung Quốc đã làm 10 năm trước. Đến lúc nào đó châu Âu sẽ phải thừa nhận rằng ông Trump có lý và phải đối mặt với điều đó.

Nguyên Hà - Theo Financial Times
Cùng chuyên mục