Doanh nghiệp bất động sản đang trong cuộc chơi trái phiếu

09/08/2019 07:04 GMT+7
Các doanh nghiệp BĐS như Phát Đạt, Vạn Thịnh Phát, Văn Phú,… đều đang ở trong cuộc đua phát hành trái phiếu huy động vốn. Điều này xuất phát từ lộ trình hạn chế tín dụng vào BĐS của Chính phủ.

Theo Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) thông tin, trong nửa đầu năm nay, các đợt phát hành trái phiếu có khối lượng khá lớn, tập trung vào các đợt phát hành riêng lẻ (chiếm khoảng 95% giá trị phát hành). Đứng thứ nhất là khối ngân hàng huy động vốn để đáp ứng tỷ lệ an toàn bốn thì đứng thứ hai là khối doanh nghiệp bất động sản.

Số liệu về tổng vốn huy động qua phát hành trái phiếu từ đầu năm, bà Vũ Thị Mai, Thứ trưởng Bộ tài chính, xác nhận 7 tháng đầu năm, tổng phát hành trái phiếu doanh nghiệp của các công ty đại chúng là 31.000 tỷ đồng, tương đương 63,8% tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp của năm 2018. Trong đó, doanh nghiệp ngành tài chính - ngân hàng chiếm 42%, doanh nghiệp bất động sản chiếm 22%.

Các doanh nghiệp bất động sản đua nhau phát hành trái phiếu 

Mới đây, Công ty Cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt (HoSE: PDR) đã thông báo hoàn tất phát hành 3 đợt trái phiếu với tổng giá trị 845 tỷ đồng nằm trong 6 đợt phát hành.

Tính từ đầu năm, công ty này đã phát hành khoảng 1.445 tỷ đồng trái phiếu với lãi suất thấp nhất 9,5%/năm, cao nhất 14,45%. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Đạt, Chủ tịch Hội đồng Quản trị PDR cho biết, lãi suất 14,45% này vẫn chưa phải là cao.

Bên cạnh đó, trong gần 2 năm qua, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát cũng đã phát hành gần 36.000 tỷ đồng trái phiếu thông qua các công ty: Công ty CP Thiết kế và Trang trí Nội thất Norah (3.500 tỷ đồng); Công ty CP Bông Sen (6.400 tỷ đồng); Công ty CP Đầu tư Phát triển Phú Châu (800 tỷ đồng) và Công ty CP Tập đoàn Đầu tư An Đông (25.000 tỷ đồng).

Công ty cổ phần Ðầu tư Văn Phú - Invest (VPI) cũng đã phát hành thành công 800 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp thông qua đơn vị tư vấn phát hành là Công ty cổ phần Chứng khoán Bản Việt.

Thứ trưởng Mai cũng cho biết thêm, lãi suất trái phiếu doanh nghiệp của ngành xây dựng cũng phổ biến ở mức 10%, cao hơn đáng kể so với lãi suất ngân hàng. Các ngân hàng thương mại lớn như Vietcombank, Vietinbank, BIDV cũng có mức lãi suất ở khoảng 6,7-7%. Nhóm các ngân hàng nhỏ hơn từ 8-8,7%.

Thứ trưởng cho rằng, các doanh nghiệp bất động sản đua nhau phát hành trái phiếu với mức lãi suất cao là do chính sách thắt chặt tín dụng bất động sản của Chính phủ. Bộ Tài chính sẽ theo dõi, đánh giá phân tích thường xuyên và sẽ có giải pháp phù hợp nếu thị trường có dấu hiệu bất thường.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) cũng nhận định nguyên nhân như trên, ông khuyến khích các doanh nghiệp bất động sản quan tâm đến kênh huy động vốn này bởi nó đang thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư, đặc biệt là  các doanh nghiệp phát hành trái phiếu có uy tín thương hiệu và có phương án sản xuất, kinh doanh khả thi.

Tuy nhiên, để phát hành trái phiếu thành công, doanh nghiệp cần phải đảm bảo rằng sẽ sử dụng đúng mục đích nguồn vốn đã huy động, thực hiện hiệu quả phương án sản xuất, kinh doanh và dự án đầu tư để đảm bảo lợi ích của doanh nghiệp và nhà đầu tư trái phiếu.

Phương Thảo
Cùng chuyên mục