Bộ Công Thương kiểm tra giá điện: Có “vừa đá bóng vừa thổi còi”?
Việc Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương kiểm tra việc tăng giá điện trong bối cảnh cơ quan này chính là đơn vị nghiên cứu, đề xuất quyết định tăng giá điện khiến không ít người lo lắng về tính minh bạch, khách quan của hoạt động kiểm tra.
PV đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Tiến Thoả, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam, xung quanh vấn đề này.
Thưa ông, việc Bộ Công Thương chính thức công bố điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân tăng lên 8,36% vào cuối tháng 3 vừa qua đã và đang tạo tác động lớn tới túi tiền của người dân trong những ngày vừa rồi, vậy ông nhìn nhận như thế nào về thời điểm tăng giá này?
Xét về lý thuyết, ở một thị trường khi nhu cầu tiêu dùng tăng cao gây áp lực đến cung thì người bán họ điều chỉnh giá lên là chuyện bình thường. Nhưng đối với điện, một loại “hàng hóa đầu vào đặc biệt” của nền kinh tế trong bối cảnh nền kinh tế nước ta lúc này thì không đơn giản thế được.
Do đó, tôi cho rằng lựa chọn thời điểm điều chỉnh tăng giá thời điểm cuối tháng 3 vừa qua là không hợp lý, bởi tác động “cộng hưởng” của nó gây ra rất mạnh. Đó là thời điểm chuyển mùa, nhu cầu tiêu dùng điện cho sinh hoạt tăng cao, người tiêu dùng “đột ngột” phải trả thêm quá nhiều tiền cho hoá đơn tiền điện. Còn các doanh nghiệp sản xuất – kinh doanh thực sự bước vào chu kỳ sản xuất mới sau khi nghỉ Tết xong, giá điện tăng sẽ tác động đẩy chi phí sản xuất của các ngành tăng, đẩy mặt bằng giá tăng và suy cho cùng là tác động đến mục tiêu kiểm soát lạm phát.
Dường như giá điện của Việt Nam đang phần nhiều chịu sự điều chỉnh của mệnh lệnh hành chính, thưa ông?
Đúng vậy, vì theo quy định của Luật Giá, Luật Điện lực thì giá điện do Nhà nước quyết định. Hiện nay, chúng ta đang xây dựng các cấp độ thị trường: Thị trường phát điện cạnh tranh, thị trường bán buôn điện cạnh tranh và thị trường bán lẻ điện cạnh tranh… Chỉ khi nào thị trường điện Việt Nam xây dựng được các cấp thị trường trên thì vai trò hành chính của Nhà nước trong giá điện mới giảm đi và chúng ta mới có giá điện thị trường được. Tất nhiên, giá thị trường đó vẫn phải có sự điều tiết của Nhà nước bằng các biện pháp kinh tế vĩ mô chứ không phải Nhà nước thả nổi để ngành điện muốn làm gì thì làm.
Biểu thang giá điện của Việt Nam để rất thấp trong hai bậc đầu tiên nhằm hỗ trợ người sử dụng điện thấp với bước chênh lệch giá chỉ 47 đồng/KWh, còn các bậc 3, 4, 5 chịu mức chênh lệch khá lớn. Trong đó, giá điện ở bậc 4 cao hơn bậc 3 tới hơn 500 đồng/KWh, trong khi bậc 6 là bậc cao nhất lại có mức chênh lệch khá nhẹ so với bậc liền kề bên dưới. Việc quy định biểu thang giá điện như vậy dường như chưa hợp lý, ngành điện được hưởng lợi nhưng có hại cho người tiêu dùng?
Đúng là Biểu giá điện sinh hoạt bậc thang 6 bậc hiện nay đang có những bất cập thể hiện ở chỗ: không còn phù hợp với thực tế sử dụng điện hiện nay giữa các bậc; giãn cách về lượng, khoảng cách chênh lệch về giá giữa các bậc không hợp lý.
Đáng chú ý là các bậc ở giữa, bậc mà rơi vào số đông hộ dùng điện ở mức phổ biến trong xã hội bố trí mức giá khá cao. Cụ thể, Bậc 3 so với Bậc 2 cao hơn 16,14%, Bậc 4 so với B3 cao hơn 25,90%, dẫn đến có những thời gian nhu cầu tiêu dùng điện tăng cao thì tốc độ tăng tiền điện thanh toán tăng nhanh và cao hơn nhiều so với tốc độ tăng lượng điện sử dụng, gây ra bức xúc trong xã hội. Đợt điều chỉnh tang giá điện vào tháng 3.2019 đã cho thấy rõ điều đó.
Bộ Công Thương là đơn vị phụ trách tính toán, đề xuất tăng gía điện. Vậy động thái Bộ này lập 3 đoàn kiểm tra việc tăng giá điện cách đây ít ngày liệu có bảo đảm sự khách quan, công tâm trong quá trình thanh tra, làm việc?
Tôi nghĩ Đoàn Kiểm tra đã có thanh tra Chính Phủ, Bộ Tài chính trong thành phần đoàn là được nhưng Thanh tra Chính phủ phải là Trưởng đoàn, mà tốt nhất khách quan nhất không nên có Bộ Công Thương, tránh tình trạng Bộ “vừa đá bóng vừa thổi còi”.
Người dân mong muốn phá thế độc quyền của EVN để có một thị trường điện minh bạch, cạnh tranh, không còn phải bù chéo, không còn dùng điện để thực hiện “an sinh xã hội”. Quan điểm của ông về vấn đề này?
Tôi chia sẻ với mong muốn này của người dân. Luật Điện lực cũng đang hướng tới thị trường điện cạnh tranh như đã phân tích trên, để rồi chúng ta có giá điện cạnh tranh, các chính sách xã hội, thậm chí cả các yếu tố chính trị - xã hội phải được giải quyết bằng con đường khác, chính sách khác, không nên để giá điện phải là giá “đa mục tiêu”, giá xa rời vai trò chính là “đòn bẩy kinh tế” trong hoạt động sản xuất kinh doanh, tiêu dùng.
Theo ông, có nên tính toán tới phương án giải toán EVN để tạo lập một thị trường điện cạnh tranh hoàn toàn hay chúng ta nên để tự do trong khâu sản xuất điện, còn khâu truyền tải điện vẫn do Nhà nước quản lý?
Để có thị trường cạnh tranh – đặc biệt đối với ngành điện cần phải tổ chức lại sản xuất tái cơ cấu lại ngành điện, tạo điều kiện hình thành thị trường có môi trường cạnh tranh. Không thể nói hôm nay và hôm nay làm ngay được.
Đã thị trường cạnh tranh thì ai tham gia, ai phải rút lui khỏi thị trường là do thị trường quyết định. Các khâu của sản xuất – truyền tải – phân phối điện… thì về cơ bản là các khâu khác nên để cạnh tranh; riêng khâu: Truyền tải, điều động hệ thống điện Quốc gia vẫn phải là độc quyền Nhà nước.
Việc đưa phương án tính giá điện, giá xăng được Bộ Công Thương đưa vào danh mục tài liệu mật liệu có hợp lý?
Thông thường giá những sản phẩm có liên quan đến những hành vi đầu cơ về giá thông qua đầu cơ về hàng hóa để trục lợi, tạo ra hoạt động của thị trường ngầm làm rối loạn thị trường… thì phương án giá đang trong giai đoạn soạn thảo mới phải bảo mật (đóng dấu Mật). Còn điện là một loại hàng hóa “đặc biệt”: không dự trữ được, sản xuất và tiêu dùng gắn liền nhau, không tồn kho, không dễ chuyển giao trong tiêu dùng giữa người này sang người khác, tiêu dùng trước trả tiền sau, suy cho cùng là không đầu cơ được… thì Mật để làm gì? Càng công khai, minh bạch giá điện càng tốt.
Xin cảm ơn ông!