Chưa tăng mạnh song giá lợn hơi đang làm người chăn nuôi phấn khởi, hy vọng
Giá lợn hơi hôm nay 21/11: Biến động nhẹ, mong chờ niềm vui tới
Thị trường lợn hơi hôm nay rục rịch 1 vài tỉnh tăng giá như: Thái Nguyên, Hưng Yên, Nghệ An, Bình Thuận tăng thêm 1.000-4.000 đồng/kg. Một số tỉnh vẫn còn giảm như: Vĩnh Phúc, Đăk Lăk, Lâm Đồng, Vũng Tàu, Hậu Giang giảm 1.000-2.000 đồng/kg.
Thị trường lợn hơi chưa có tín hiệu tăng mạnh nhưng cũng đủ để người chăn nuôi phấn khởi và chờ đợi tin tốt hơn.
Ngày 21/11 giá lợn hơi tại Công ty CP chăn nuôi C.P Việt Nam vẫn giữ ổn định sau khi giảm liên tiếp nhiều ngày qua. Giá lợn hơi CP tại miền Bắc đứng ở mức 60.000 đồng/kg. Tại miền Trung, miền Đông, miền Tây, giá lợn hơi CP vẫn đứng ở mức 58.000 đồng/kg.
Tại Trung Quốc mức giá lợn hơi hôm nay tiếp tục giảm. Giá lợn tại Trung Quốc ngày 21/11 đứng ở mức 86.700 đồng/kg, giảm nhẹ so với cuối tuần qua khi đứng ở mức 87.100 đồng/kg, giảm so với mức 87.400 đồng/kg của ngày 17/11, giảm so với mức 89.500 đồng/kg ngày 16/11, giảm so với mức 88.300 đồng/kg của ngày 14/11...
Trước đó, tại khu vực miền Bắc, giá lợn hơi sáng nay đi ngang trên diện rộng và dao động trong khoảng 52.000 - 53.000 đồng/kg. Trong đó, thương lái tại Yên Bái, Lào Cai, Nam Định, Thái Bình, Hà Nam, Hà Nội và Ninh Bình đang thu mua lợn hơi cùng mức 52.000 đồng/kg. Các tỉnh, thành còn lại có cùng mức giao dịch là 53.000 đồng/kg.
Tại khu vực miền Trung – Tây Nguyên, giá lợn hơi sáng nay không ghi nhận sự biến động so với ngày trước đó và duy trì trong khoảng 51.000 - 54.000 đồng/kg. Theo đó, lợn hơi tại tỉnh Bình Thuận được thu mua với giá 51.000 đồng/kg - thấp nhất khu vực. Các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Bình Định và Khánh Hòa có cùng mức giao dịch là 54.000 đồng/kg - cao nhất khu vực. Các địa phương còn lại ghi nhận giá thu mua trong khoảng 52.000 - 53.000 đồng/kg.
Tương tự, tại khu vực miền Nam, giá lợn hơi sáng nay không đổi tại các tỉnh, thành và dao động trong khoảng 51.000 - 55.000 đồng/kg. Trong đó, mức giao dịch cao nhất được ghi nhận tại tỉnh Cà Mau với 55.000 đồng/kg. Còn tại Kiên Giang tiếp tục là tỉnh có giá thu mua thấp nhất khu vực với 51.000 đồng/kg. Tại các đại phương khác, thương lái đang thu mua với giá trong khoảng từ 52.000 đồng/kg đến 53.000 đồng/kg.
Trên thị trường thế giới, giá thịt lợn tiếp tục giảm đáng kể trong tháng 10 do sức nhập khẩu toàn cầu yếu cùng với nhu cầu nội địa sụt giảm ở một số nước sản xuất hàng đầu. Dịch bệnh động vật, lạm phát và căng thẳng địa chính trị vẫn là các thách thức đối với ngành chăn nuôi thế giới.
Đi ngược lại với xu hướng của thế giới, giá lợn hơi và thịt lợn tại Trung Quốc vẫn đứng ở mức cao trong bối cảnh nguồn cung sụt giảm do người dân găm hàng và lượng tồn kho thấp.
Giá thịt lợn của Trung Quốc sẽ vẫn duy trì ở mức cao vào năm sau do nguồn cung thấp hơn, theo 10 nhà phân tích trong ngành, nông dân và các nhà cung cấp thức ăn chăn nuôi và gen, mặc dù họ cảnh báo nhu cầu có thể bị ảnh hưởng bởi các biện pháp phòng chống Covid-19 của Trung Quốc.
Chính phủ cho rằng việc người chăn nuôi lùi thời gian giết mổ lợn để vỗ béo chúng nhiều hơn là nguyên nhân dẫn đến sự leo thang của giá lợn, nhưng các nhà phân tích và chuyên gia nói rằng nguồn cung đã giảm đáng kể kể từ mùa Đông năm ngoái.
Còn tại Việt Nam, giá lợn hơi tiếp tục xu hướng giảm bất chấp chi phí thức ăn chăn nuôi chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Nghiên cứu phản ánh liên quan đến vấn đề xuất khẩu thịt lợn
Trước tình trạng giá lợn hơi trong nước xuống thấp dưới 60.000 đồng/kg, thậm chí những ngày gần đây rớt xuống còn 50.000 đồng/kg. Nguồn cung trong nước đang dư thừa. Nhiều ý kiến đề xuất Chính phủ nên nới lỏng các rào cản để được bán lợn qua biên giới, giảm thiệt hại cho người chăn nuôi.
Tại Công văn số 7785/VPCP-NN ngày 19/11/2022, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan nghiên cứu, chủ động triển khai các giải pháp phù hợp nhằm phát triển chăn nuôi bền vững, đáp ứng nhu cầu thực phẩm, nhất là trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán, đảm bảo quyền lợi cho người chăn nuôi.
Trung Quốc được cho là sẽ tăng nhập khẩu thịt lợn trong những tháng tới, theo các thành phần trong ngành, sau khi hoạt động chăn nuôi thua lỗ trong năm ngoái khiến nhiều người nông dân treo chuồng và rời khỏi ngành, dẫn đến sự sụt giảm lớn hơn thống kê chính thức về sản lượng lợn.
“Ước tính nhập khẩu lợn của Trung Quốc sẽ tăng trong quý IV/2022”, chuyên gia phân tích cấp cao tại Rabobank cho biết, và nhấn mạnh thêm rằng lượng nhập khẩu thịt lợn trong năm 2023 của Trung Quốc sẽ còn cao hơn năm nay.
Theo báo cáo hồi tháng 9 của USDA về thị trường Trung Quốc, trong nửa đầu năm 2022, nhập khẩu thịt lợn của Trung Quốc đã giảm hơn 60% xuống 1,1 triệu tấn. Bước sang năm 2023, ước tính nhập khẩu các sản phẩm thịt lợn Trung Quốc sẽ giảm 8% xuống 1,85 triệu tấn. Nguyên nhân cho sự sụt giảm được cơ quan này đưa ra là nguồn cung trong nước lớn và giá thịt lợn trong nước ở mức thấp. Trong khi đó xuất khẩu thịt lợn dự kiến đạt 125.000 tấn, tăng 14% so với năm 2022.
Trong nước, theo báo cáo từ Tổng cục Thống kê, uớc tính tổng số lợn của cả nước tính đến thời điểm cuối tháng 10 tăng 13,6% so với cùng thời điểm năm 2021. Giá thức ăn chăn nuôi và giá vật tư đầu vào của ngành chăn nuôi vẫn không giảm. Thêm vào đó, đồng USD tăng giá cũng góp phần tác động vào giá thức ăn chăn nuôi khó có thể giảm.
Chỉ còn hơn 2 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, nhu cầu thực phẩm cho ngày Tết cũng sẽ tăng lên, trong đó có nhu cầu sử dụng thịt gia súc, gia cầm. Vì vậy, hiện nay người chăn nuôi cũng chuẩn bị nguồn thịt cung ứng cho người tiêu dùng đón Tết. Tuy nhiên, với những biến động kinh tế, thị trường hiện nay, người chăn nuôi muốn tái đàn, mở rộng đàn gia súc, gia cầm để tăng lượng thịt cung ứng cũng phải tính toán kỹ lưỡng, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), cho biết.
Theo cáo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), trong quý III/2022, sản lượng thịt lợn của cả nước ước đạt hơn 1,1 triệu tấn, tăng 6,9% so với cùng kỳ năm 2021. Giá lợn hơi trung bình tháng 10 của cả nước biến động theo xu hướng giảm xuống 52.000 – 6.000 đồng/kg. Cụ thể giá tại ba miền giảm khoảng 2,68 – 4.1% trong giai đoạn này.
Cục Xuất nhập khẩu cho biết do nhu cầu được cải thiện nên nhập khẩu thịt và các sản phẩm từ thịt của Việt Nam tăng nhẹ trong quý III/2022. Theo tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong giai đoạn này, Việt Nam nhập khẩu 191.580 tấn thịt và sản phẩm từ thịt, trị giá 417,75 triệu USD, tăng 4,4% về lượng và tăng 24,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, nhập khẩu thịt lợn tiếp tục xu hướng giảm, trong khi nhập khẩu thịt gia cầm, thịt bò, thịt trâu có xu hướng tăng so với cùng kỳ năm 2021.
Cụ thể, Việt Nam nhập khẩu 31.760 tấn thịt lợn (HS 0203), trị giá 67,07 triệu USD, giảm 24,4% về lượng và giảm 30,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Thời gian qua, nhập khẩu thịt lợn liên tục giảm so với cùng kỳ năm 2021 do nhu cầu phục hồi chậm. Trong quý III, Brazil, Nga, Đức, Canada và Ba Lan là 5 thị trường cung cấp thịt lợn lớn nhất cho Việt Nam, với Brazil là thị trường cung cấp thịt lợn lớn nhất của Việt Nam với 11.790 tấn, trị giá 25,6 triệu USD, tăng 8% về lượng, nhưng giảm 2,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Cục Xuất nhập khẩu cho biết thời gian tới, nhu cầu tiêu thụ thịt và các sản phẩm từ thịt dự kiến sẽ tăng do nhu cầu thực phẩm tăng cao trong dịp cuối năm. Tuy nhiên do nguồn cung thịt của Việt Nam khá dồi dào, cơ bản đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ trong nước, nên dự báo nhập khẩu thịt và các sản phẩm thịt sẽ không tăng đột biến trong thời gian tới. Về giá, cơ quan này dự báo trong thời gian tới, giá lợn hơi vẫn sẽ dao động quanh ngưỡng 50.000- 65.000 đồng/kg. Tuy nhiên giá lợn hơi sẽ tăng trở lại vào thời điểm cuối năm do nhu cầu tiêu thụ thịt heo tăng cao.