Chuyên gia: Dường như đang có một cuộc tháo chạy, nhà đầu tư nên lấy niềm lại vào thị trường chứng khoán
Nhà đầu tư nên đặt niềm lại niềm tin
Khi được hỏi về nhận định tương lai thị trường chứng khoán luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch SBLaw Talkshow Chọn Danh mục (phần II) số 5 với chủ đề "Thích ứng trong hành động" do Báo Đầu tư tổ chức sáng 25/11, cho rằng, thị trường chứng khoán Việt Nam đang chịu khó khăn nhất định, ví dụ nhà đầu tư đa số là những người gia nhập mới, thị trường bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố trong đó có yếu tố tin đồn.
Tuy nhiên, cùng với việc thay đổi chính sách quản lý thị trường chứng khoán, cần đặc biệt quan tâm xây dựng thị trường chứng khoán theo hướng minh bạch, trở thành không chỉ kênh dẫn vốn cho doanh nghiệp mà còn là một kênh đầu tư tốt bên cạnh kênh bất động sản hay sản xuất kinh doanh. Thị trường chứng khoán có tính thanh khoản cao, đặc biệt thị trường chứng khoán Việt Nam được coi là một trong những thị trường mới nổi ở châu Á.
Vị luật sư đánh giá, hiện nay dường như có một sự tháo chạy khỏi thị trường chứng khoán, các chỉ số bị ảnh hưởng. Ông cho rằng, nhà đầu tư nên đặt niềm tin lại vào thị trường và nên tìm hiểu để dần dần nâng chúng ta lên thành những nhà đầu tư chuyên nghiệp. Bởi trước đây đa số nhà đầu tư đều đầu tư theo tin đồn, ít quan tâm đến các chỉ số vĩ mô, chỉ số doanh nghiệp, theo đội lái rất nhiều.
Về tương lai nhà đầu tư nên nghiên cứu yếu tố kỹ thuật nhiều hơn, đầu tư theo hướng bài bản hơn. Kênh chứng khoán sẽ vẫn là một kênh đầu tư tốt trong tương lai cụ thể năm 2023 nếu kinh tế Việt nam tiếp tục phát triển cùng vưới sự ấm dần lên của kinh tế thế giới.
Dựa trên kinh nghiệm đầu tư, tư vấn tại Việt Nam ông Mohammad Mudasser, lãnh đạo dịch vụ tư vấn quản lý vốn lưu động của PwC Việt Nam chia sẻ, có ba ngành nhà đầu tư nên cân nhắc:
Thứ nhất là ngành tiêu dùng, bởi dựa vào thu nhập của người dân, thu nhập ngày càng nâng cao, dân số trẻ hóa nên ngành này có tiềm năng lớn.
Thứ hai là ngân hàng, phù hợp để đầu tư trung và dài hạn bởi vì giá trị sổ sách đang lớn hơn nhiều giá trị vốn hóa, trong khi các ngân hàng đang hiệu quả trong việc tạo ra lợi nhuận cho nhà đầu tư.
Thứ ba là cổ phiếu nhóm có giá trị vốn hóa thấp thuộc nhóm doanh nghiệp đang kinh doanh trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo, giáo dục.
"Tôi khuyến nghị nhà đầu tư cần đảm bảo nguồn vốn cần thiết và thận trọng trong đầu tư thời điểm này", Mohammad Mudasser nói.
VN-Index bùng lên tăng mạnh
Theo dữ liệu từ MBS, đóng cửa phiên giao dịch ngày 26/11, chỉ số VN-Index tăng +23,75 điểm (+2,51%) lên 971,46 điểm. Độ rộng thị trường nghiêng hẳn về bên mua, giúp toàn sàn HOSE sắc xanh là chủ yếu khi có tới 380 mã tăng, chỉ 72 mã giảm và 62 mã đứng giá.
Các cổ phiếu lớn hỗ trợ VN-Index phiên này là: VIC (+6,56%), BID (+5,26%), VHM (+4,44%), MSN (+5,62%), CTG (+4,88%)… đã bù đắp áp lực giảm giá ở các cổ phiếu lớn khác như: NVL (-6,83%), GAS (-0,95%), VHC (-7%), PDR (-6,86%), SAB (-0,28%)…
Chỉ số VN30 cũng tăng tốt với +26,73 điểm (+2,84%) đạt 967,49 điểm. Ở rổ VN30 có tới 25 mã tăng, trong khi chỉ có 5 mã giảm.
Trên sàn Hà Nội, các chỉ số chính cũng đóng cửa trong sắc xanh với các mã tăng chiếm ưu thế. Theo đó, chỉ số HNX-Index tăng +5,56 điểm, đạt 196,77 điểm; trong khi đó, UPCoM-Index cũng tăng +0,91 điểm, đạt +68,41 điểm.
Thanh khoản toàn thị trường chứng khoán phiên này tăng trở lại, mặc dù cũng không quá lớn, khoảng hơn 10.700 tỷ đồng. Trong đó, thanh khoản khớp lệnh sàn HOSE đạt 8.419 tỷ đồng, tăng so với phiên hôm qua nhưng vẫn thấp hơn mức bình quân 9.770 tỷ đồng của tuần trước. Tổng cộng trên HOSE có 554 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng thành công so với mức bình quân 580 triệu cổ phiếu 10 ngày trước đó.
Khối ngoại tiếp tục mua ròng hơn 987 tỷ đồng trên toàn thị trường. Lực mua của khối này tập trung ở các cổ phiếu như: CTG, VHM, HPG, VIC, VNM… Ở chiều ngược lại, VCB, GAS, VHC, DIG, DGC… bị nhà đầu tư nước ngoài bán ròng trong phiên này.