Chuyên gia nói lý do gì khi mỗi ngày Việt Nam có gần 1.000 doanh nghiệp phá sản?

02/03/2023 13:31 GMT+7
Theo giới chuyên gia, chính sự khó khăn về vốn, gia nhập thị trường lẫn khả năng cạnh tranh yếu kém khiến số doanh nghiệp rời bỏ thị trường hai tháng qua tăng cao.

Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) vừa công bố số liệu tình hình doanh nghiệp 2 tháng đầu năm 2023, theo đó số doanh nghiệp thành lập mới, quay trở lại hoạt động hai tháng đầu năm 2023 là gần 38.000 doanh nghiệp, giảm 11,2% so với cùng kỳ năm trước.

Tính bình quân, có hơn 19.000 doanh nghiệp gia nhập thị trường trong mỗi tháng. Trong khi đó, ở chiều ngược lại số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 51.400 doanh nghiệp, tăng 14,5%; bình quân một tháng có 25.700 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Chuyên gia nói lý do gì khi mỗi ngày Việt Nam có gần 1.000 doanh nghiệp phá sản? - Ảnh 1.

Chuyên gia chỉ lý do hơn 1.000 doanh nghiệp Việt Nam phá sản mỗi ngày

Số doanh nghiệp tháo chạy nhiều hơn 1,3 lần so với số doanh nghiệp thành lập mới, mỗi ngày có khoảng 856 doanh nghiệp tháo chạy khỏi thị trường.

Riêng lĩnh vực bất động sản, báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy 2 tháng qua có hơn 235 doanh nghiệp bất động sản giải thể, tăng gần 20% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân cứ 4 doanh nghiệp bất động sản giải thể mỗi ngày.

Trước đó, theo Cục Quản lý Nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng, năm 2022, số lượng doanh nghiệp ngành bất động sản thành lập mới là 8.593 doanh nghiệp, tăng gần 14%; số lượng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động 2.081, tăng khoảng 56,7%. 

Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp bất động sản phá sản, giải thể hoặc tháo chạy khỏi thị trường cũng tăng hơn 38,7% so với cùng kỳ năm trước, ước 1.200 doanh nghiệp.

Ngoài việc phá sản, tháo chạy khỏi thị trường, đối diện với những khó khăn về tài chính, cân đối dòng tiền và nhu cầu giảm sút, doanh nghiệp bất động sản nửa cuối năm 2022 và bước sang năm 2023 đã phải thu hẹp hoạt động sản xuất, quy mô và số lượng dự án. Nhiều doanh nghiệp phải cho nhân viên nghỉ việc, dừng dự án, bán hoặc đình chỉ hoạt động đầu tư dự án nhằm giảm bớt khó khăn, áp lực.

Trao đổi với PV Dân Việt, chuyên gia kinh tế độc lập Bùi Trinh nhấn mạnh, những khó khăn về thanh khoản đang lớn nhất đối với doanh nghiệp, sau đó là hợp đồng và cuối cùng là chi phí sản xuất.

Nếu thanh khoản là vấn đề của doanh nghiệp bất động sản, thì đơn hàng là vấn đề lớn của doanh nghiệp chế biến, chế tạo khi chuỗi cung ứng, sản phẩm toàn cầu đang đứt gãy, nhu cầu tiêu dùng thế giới đang chậm lại do lạm phát của nhiều nền kinh tế đang ở mức cao.

Bài toán chi phí năm 2022 và năm 2023 sẽ là cơn đau đầu đối với doanh nghiệp khi chi phí nhân công tăng, trong khi năng suất tăng chậm. Chi phí về giá điện, logistics và xăng dầu biến động khiến doanh nghiệp phải tính toán lại bài toán kinh doanh. Dù kinh tế Trung Quốc mở cửa, song khó khăn về xuất khẩu vẫn còn đó, khiến kinh tế Việt Nam đối diện với nhiều vấn đề cần giải quyết.

Theo chuyên gia từ Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế trung ương, sự thoái lui của doanh nghiệp chỉ bình thường trong điều kiện các yếu tố, điều kiện bình thường. Tuy nhiên, đố với năm 2022 và 2023, doanh nghiệp khó khăn về vốn, hợp đồng buộc phải phá sản, tháo chạy sẽ rất cao. Đây là vấn đề của doanh nghiệp do quá lệ thuộc vốn vay, chi phí vốn vay trong điều hành doanh nghiệp quá lớn khiến áp lực lãi suất đè nặng doanh nghiệp. Trong khi đó, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán gần như không còn sức hút sau sự cố hàng loạt đại doanh nghiệp sai phạm về thu hút vốn qua kênh trái phiếu bị xử lý, khiến thị trường này đang đóng băng.

An Linh
Cùng chuyên mục